07/11/2016 16:10 GMT+7

Luật đừng khoác thêm tròng cho doanh nghiệp

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Đó là băn khoăn của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) - Chủ tịch phòng công nghiệp thương mại Việt Nam (VCCI) - tại phiên thảo luận về dự án Luật quản lý ngoại thương sáng 7-11.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, dự án Luật quản lý ngoại thương dù có nhiều ưu điểm, quy định chi tiết nhưng đã ôm đồm nhiều vấn đề không cần thiết và không hiệu quả.

Điều này vô hình trung đã khoác thêm nhiều tròng quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương, hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ.

Đừng “giăng lưới” quản lý

“Cụ thể, có những vấn đề quản lý dù liên quan tới ngoại thương nhưng mang tính chất đặc thù đã được quy định ổn định trong các văn bản khác nhưng lại được thiết kế vào luật này. Điều này vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh thêm quy định, vừa giăng thêm lưới quản lý, các bộ quản rồi Bộ Công Thương lại quản thêm, quản chồng lên quản” - Ông Vũ Tiến Lộc nói.

Ông Lộc đưa ví dụ quy định về hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh, cửa khẩu xuất nhập khẩu lâu nay vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hải quan và cơ quan hải quan vẫn kiểm soát có hiệu quả. Nhưng dự án luật quản lý ngoại thương lại tiếp tục quy định.

Như vậy vừa cồng kềnh, vừa phát sinh thêm giấy phép mới, như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh do Bộ Công Thương cấp.

“Có những vấn đề quản lý liên quan đến ngoại thương, đúng là chưa được quy định ở đâu nhưng lâu nay vẫn hoạt động trên thực tiễn, vẫn diễn ra bình thường không gặp vướng mắc, khó khăn gì, vậy sao bây giờ lại phải bổ sung quy định phải quản lý?” - ông Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi.

Chưa thống nhất được biện pháp quản lý

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng mục tiêu lớn nhất của luật quản lý ngoại thương là thống nhất được các biện pháp quản lý ngoại thương mà lâu nay đang được quy định tại nhiều văn bản bởi nhiều cơ quan. Điều này đã làm khiến cho cơ chế quản lý ngoại thương thiếu thống nhất, không minh bạch, gây cản trở cho doanh nghiệp.

Minh chứng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc dẫn ra quy định về vấn đề quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đang phải đối diện vấn đề kiểm tra chuyên ngành.

Cụ thể là hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 1/3 tổng lượng hàng hóa và thời gian kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 70% thời gian thông quan.

Theo ông Lộc, hải quan có cải cách bao nhiêu thì cũng không đủ bởi phần lớn các vướng mắc nằm ở khâu kiểm tra chuyên ngành mà kiểm tra chuyên ngành lại thuộc thẩm quyền của rất nhiều bộ. Hiện nay có tới 12 bộ có quyền kiểm tra chuyên ngành.

 

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên