03/01/2015 09:23 GMT+7

Vụ ánh sáng gây chói mắt trên cầu: Xử lý chắp vá

TRẦN VĂN TƯỜNG (kỹ sư cầu đường)
TRẦN VĂN TƯỜNG (kỹ sư cầu đường)

TT - Chủ đầu tư các cây cầu dán lớp đềcan lên đèn led dọc thành cầu để hạn chế chói mắt người đi đường là xử lý chắp vá, tạm bợ.

Hệ thống chiếu sáng dọc thành cầu Lê Văn Sỹ (TP.HCM) đã được dán đềcan màu trắng để bớt chói mắt - Ảnh: Q.Khải

Nhiều người dân TP.HCM mong đợt sau khi xây mới, cầu Bông, cầu Kiệu và cầu Lê Văn Sỹ là điểm nhấn độc đáo cho khu vực trung tâm. Do đó, cần tiếp tục điều chỉnh chiếu sáng ở các cây cầu này phù hợp với mỹ quan đô thị và tầm nhìn phát triển du lịch.

Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài về ánh sáng gây chói mắt trên các cây cầu mới xây ở TP.HCM là cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu, cầu Bông, chủ đầu tư các cây cầu này đã khắc phục bằng cách dán đềcan chồng lên hệ thống chiếu sáng dọc thành cầu.

Tôi cho rằng dán lớp đềcan lên đèn led dọc thành cầu để hạn chế chói mắt người đi đường là xử lý chắp vá, tạm bợ. Nếu làm mờ ánh sáng đèn led chỉ cần sơn màu sắc phù hợp là đủ bền hơn là dán lớp đềcan.

Ði trên cầu Lê Văn Sỹ vào buổi tối khi đã dán lớp đề can, tôi có quan sát và cảm thấy ánh sáng đèn dù đã được làm mờ nhưng vẫn còn gây khó chịu cho người đi xe máy và đi bộ trên cầu. Nguyên nhân có thể do hàng đèn được đặt ở vị trí thấp, ngang tầm với người đi xe máy và đi bộ nên ánh sáng có lúc bị che khuất (khi có người, xe đi ngang).

Nhiều người đã đề xuất trên cơ sở tận dụng đèn led để điều chỉnh nâng lên độ cao phù hợp rồi chúc xuống mặt cầu vừa chiếu sáng, vừa trang trí, không làm chói mắt người đi đường. Chỉ e rằng dùng đèn led vừa chiếu sáng giao thông vừa chiếu sáng trang trí sẽ không phù hợp, không an toàn.

Sở dĩ hệ thống chiếu sáng cầu Lê Văn Sỹ vừa mới lắp đặt đã phải xử lý và khắc phục là do khi thiết kế chỉ chú trọng phương án chiếu sáng trang trí mà bỏ quên chiếu sáng giao thông, hoặc thiết kế theo phương án dùng đèn led vừa chiếu sáng vừa trang trí, cả hai cách này đều sai và hậu quả là dẫn đến chói mắt người đi đường gây mất an toàn.

Về nguyên tắc, chiếu sáng trang trí và chiếu sáng giao thông hoàn toàn khác nhau. Chiếu sáng giao thông phải hướng từ trên xuống đảm bảo độ rọi cho mặt đường, mặt cầu. Còn chiếu sáng trang trí miễn sao bố cục hài hòa, màu sắc tôn lên vẻ đẹp cần có.

Tôi ủng hộ cách làm đã được nhiều người đề xuất là di dời hệ thống đèn led xuống hai sườn cầu Lê Văn Sỹ để trang trí ánh sáng đổi màu, tạo điểm nhấn cho dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đồng thời bố trí đèn chiếu sáng trong phạm vi cầu được rọi từ trên cao xuống sao cho đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông.

Tôi đã đến Ðà Nẵng và ấn tượng với cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý với hệ thống chiếu sáng vừa đẹp vừa hiện đại, xen lẫn huyền ảo tạo nên nét chấm phá cho sông Hàn về đêm.

Tại TP.HCM có cầu Ánh Sao ở quận 7 với hình dạng chiếc cầu cong giống như vầng trăng khuyết cũng có hệ thống chiếu sáng hai bên sườn cầu kết hợp với phun nước có đèn đổi màu hiện đại, lung linh, hiện là nơi nhiều người chọn đến để hóng mát, dạo bộ, chụp hình...

Nhiều người dân TP.HCM mong đợt sau khi xây mới, cầu Bông, cầu Kiệu và cầu Lê Văn Sỹ là điểm nhấn độc đáo cho khu vực trung tâm, kết hợp với dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cùng hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa giống như hai con rồng đang uốn lượn tôn lên vẻ lung linh trên bến dưới thuyền, phục vụ du lịch đường thủy, không những là nơi lý tưởng hóng mát và dạo bộ mà còn để vui chơi, giải trí...

Tuy nhiên, việc thiết kế chiếu sáng ở ba cây cầu này còn nhiều chuyện phải bàn, như việc bố trí đèn led ở vị trí thấp, bố trí nhiều trụ đèn trông thô, ánh sáng chiếu chưa được đẹp...

Tôi mong các cơ quan chức năng và chủ đầu tư tiếp thu góp ý của người dân TP.HCM để tiếp tục điều chỉnh chiếu sáng ở ba cây cầu mới cho phù hợp, để những nơi này góp phần làm nên một khu vực lý tưởng cho khách du lịch và người dân TP đến ngắm cảnh, chụp hình, vui chơi,...

TRẦN VĂN TƯỜNG (kỹ sư cầu đường)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên