17/10/2017 11:47 GMT+7

Chỉ hơn một nửa người lao động có thu nhập đủ sống

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Còn lại, trên 20% người lao động (NLĐ) cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% không thể đủ sống và chỉ 16% có thể tích lũy từ thu nhập.


Chỉ hơn một nửa người lao động có thu nhập đủ sống - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Tổng LĐLĐ VN sáng 17-10 - Ảnh: A.CHUNG

Đó là những con số được ông Trần Văn Lý - phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - báo cáo với phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo trung ương cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công sáng 17-10.

Lương thấp, đình công tăng

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN thẳng thắn nhận định cải cách tiền lương chưa đem lại hiệu quả nhiều đối với NLĐ trong cơ quan nhà nước. Sau 9 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tiền lương của công chức, viên chức vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.

Ông Lý dẫn chứng: lương công chức, viên chức bậc ĐH mới ra trường hiện có hệ số 2,34 (cùng 25% trợ cấp công vụ), lương thực tế chỉ gần 4 triệu đồng/tháng; lương chuyên viên chính hệ số 4,4 (sau 10-15 năm công tác), lương thực tế chỉ khoảng 7,4 triệu đồng/tháng. Công chức loại C tiền lương còn thấp hơn nhiều.

"Tiền lương vẫn ở mức quá thấp so với thị trường lao động, chưa đảm bảo cho công chức, viên chức và gia đình họ có mức sống trung bình khá trong xã hội, tiền lương tăng thêm chưa đủ bù trượt giá" - phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ VN, tiền lương cơ bản - mức dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm - của NLĐ hiện đạt trung bình 4,48 triệu đồng/tháng, tăng 6,9 % so với năm 2016. Về thu nhập (không kể ăn ca) thì đạt trung bình 5,5 triệu đồng/tháng.

51,3% NLĐ cho biết có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% không thể đủ sống và chỉ 16,1% NLĐ có thể tích lũy từ thu nhập.

Khảo sát này cũng cho thấy tình trạng tranh chấp lao động, đình công 6 tháng đầu năm 2017 có nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu chiếm tỉ lệ khá cao: 72/133 cuộc, chiếm 54,1%. Một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp xảy ra nhiều đình công như dệt may (51,8%), da giày (22,5%)...

Xác định mức sống tối thiểu

Từ các nhận định trên, Tổng LĐLĐ VN nêu một số đề xuất, kiến nghị với phó thủ tướng Vương Đình Huệ. 

Thứ nhất, xác định lại mức lương cơ sở trong khu vực nhà nước cho đúng và đủ, phù hợp với thị trường lao động, sớm cải cách tiền lương, đặt lại mức lương cơ sở khu vực nhà nước.

Thứ hai là quản lý và chi trả tiền lương theo hướng đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyết định mức lương, ngạch lương được tăng cho cấp lãnh đạo quản lý trực tiếp.

Như vậy có nghĩa là nghiên cứu, tính toán tiền lương, tiền công theo khối lượng công việc của từng cơ quan, đơn vị, bộ phận, gói tiền lương này có thể thay đổi hàng năm theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ phải hoàn thành.

Đối với NLĐ làm việc trong doanh nghiệp, Tổng LĐLĐ VN đề nghị nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, trước mắt cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động. 

Theo đó khái niệm mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.

Đồng thời quy định các tiêu chí xác định mức sống tối thiểu, cơ quan có thẩm quyền xác định mức sống tối thiểu và thời điểm công bố mức sống tối thiểu, bởi đây là căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu.

Tổng LĐLĐ VN cũng đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia xác định và công bố lộ trình đến năm 2019 tiền lương tối thiểu của người lao động phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên