15/09/2013 03:46 GMT+7

"Chị Hằng" của trẻ em nghèo

THÚY HẰNG
THÚY HẰNG

TT - 17g, vừa hết giờ làm việc ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang thì trời đổ mưa tầm tã. Bác sĩ Trần Thị Trang vội vã mặc áo mưa rồi lấy xe máy phóng một mạch hơn 50km về quê ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy để kịp chuẩn bị lễ hội Trung thu cho trẻ em nghèo.

3CXQ71m4.jpgPhóng to
Bác sĩ Trang tất bật chuẩn bị cho đêm Trung thu - Ảnh: Thúy Hằng

Liên tục hơn một tuần trước ngày Tết Trung thu 2013, hầu như ngày nào cũng mưa nhưng bác sĩ Trang vẫn về quê làm lồng đèn, trang trí trước sân nhà, chuẩn bị bánh, nến...

Chị Hằng thôn quê...

"Tôi sẽ làm việc này cho đến khi nào bọn trẻ không cần tôi nữa thì thôi"

Bác sĩ Trần Thị Trang

Tối 13-9, chúng tôi cùng bác sĩ Trang về quê. Thoáng thấy bóng chị dừng xe trước nhà, mấy đứa trẻ trong xóm chạy qua “bao vây” rồi tíu tít hỏi chuyện Trung thu. “Năm nay cô Trang có mua cái bánh giống năm ngoái không? Bánh đó ngon lắm, con chỉ thích ăn bánh đó à nghen”.

Theo những người hàng xóm, năm nay đã là năm thứ 13 liên tiếp bác sĩ Trang tự tổ chức lễ hội trăng rằm Trung thu cho trẻ em nghèo quê nhà. Vì thế trẻ con trong xóm gọi bác sĩ Trang là “chị Hằng”.

Đêm cuối tuần sát ngày Tết Trung thu, cả chục đứa trẻ trong xóm tề tựu lại phụ giúp bác sĩ Trang dọn dẹp, trang trí trước sân để tổ chức vui chơi. Đứa thổi bong bóng, đứa lo dán chữ trong tiếng cười nói vui vẻ. Mấy đứa nhỏ quá không phụ được thì... cắt bánh trung thu chia nhau ăn.

Vừa dán xong chữ “Trung thu cho em” lên tấm phông bằng vải, chị Trang kể: “Hồi còn nhỏ khi nghe ở ủy ban xã người ta phát bánh trung thu là mừng lắm, tôi chạy ra liền.

Nhưng năm sáu anh chị em phải chia nhau một cái bánh, chưa kịp nếm mùi vị thì bánh hết trơn rồi. Bởi vậy khi lớn lên đi làm có tiền, tôi nghĩ ngay đến cảnh bọn trẻ không được ăn bánh trung thu, không được vui chơi rước đèn như trẻ em ở thành phố giống tôi ngày xưa nên quyết định lo Trung thu cho bọn trẻ”.

Trước đây khi mới đi làm ở tổ y tế của xã, điều kiện kinh tế khó khăn nên bác sĩ Trang chỉ tổ chức Trung thu cho những đứa trẻ ở gần nhà. Những năm sau mấy đứa trẻ rủ rê thêm bạn bè ở xung quanh cùng đến chơi nên những năm gần đây trung bình có tới 300 đứa trẻ trong xã đến nhà chị vui chơi Trung thu.

Để em nào cũng có quà, chị Trang phải bỏ ống heo suốt một năm cho sự kiện quan trọng này. Nhưng tiền lương cũng phải chi xài nên dù chắt chiu từng đồng cũng không thể đủ để mua 300 cái bánh trung thu, lồng đèn cho bọn trẻ. “Thiếu bao nhiêu thì mượn của bạn bè, sau Trung thu thì lãnh lương trả lại. Tôi không nỡ nhìn hai ba đứa chia nhau một cái bánh. Em nào tới cũng phải có quà riêng. Nhìn các em vui là tôi hạnh phúc lắm, không còn nghĩ ngợi gì khác” - chị Trang tâm sự.

Bác sĩ Trang kể mấy năm trước chị tạm nghỉ làm để đi học ở Cần Thơ. Thời gian này chị phải xin tiền gia đình ăn học. Gần đến ngày Trung thu bọn trẻ không thấy chị về nên đã tìm cách gọi điện thoại khóc lóc đòi chị phải về với chúng.

Thế là chị tức tốc lên xe về quê, móc hết tiền đang có mua mấy trăm cái bánh trung thu để cùng hát hò, múa may với bọn trẻ. “Bữa đó về tới nhà trời tối thui mà mấy đứa nhỏ cũng còn ngồi đợi, thương lắm. Thấy mình xuống xe mấy đứa mừng reo ôm chặt, miệng thì líu lo cô Trang ơi, cô Trang. Lúc đó không còn thấy mệt nữa”.

Vì niềm vui trẻ con

Tối 13-9, Lê Bảo Ngân (14 tuổi) dắt theo đứa em mới hơn 7 tuổi theo sát chị Trang: “Tối nay cô Trang đừng đi lên bệnh viện nghen, ở lại chơi tới Trung thu luôn đi. Mà năm nay cô Trang có mua quà nhiều không vậy? Con đạt học sinh giỏi đó. Cô Trang còn nhớ hồi năm ngoái hứa gì không?”. Bé Lê Thị Mẫn (8 tuổi) nghe vậy cũng nhõng nhẽo: “Con thích ở đây chơi với cô Trang thôi. Cô Trang còn hát cho con nghe nữa”.

Ở lần thứ 13 tổ chức lễ hội Trung thu cho trẻ em nghèo quê nhà, bác sĩ Trang đã xin nghỉ phép bốn ngày để chuẩn bị mọi thứ cho đêm hội thật vui, thật ý nghĩa như bọn trẻ mong muốn. Mấy tuần trước đó thì tranh thủ buổi tối làm nón, lồng đèn, đặt mua bánh trung thu, chuẩn bị quà cho những em đạt học sinh giỏi.

Không chỉ thế, bác sĩ Trang còn kiêm luôn vai trò người dẫn chương trình và ca sĩ trong đêm hội trăng rằm. Tự hát múa, diễn trò như một giáo viên mầm non phục vụ bọn trẻ.

Nhắc tới chuyện này, bác sĩ Trang cười bẽn lẽn: “Trời ơi, mấy năm trước vừa hát vừa múa một mình mắc cỡ muốn chết luôn. Có mấy lần lỡ quên lời, mấy đứa nhỏ cười rần rần. Năm nay mình có nhờ một số bạn sinh viên ở Trường đại học Tiền Giang lên hỗ trợ tổ chức trò chơi. Hi vọng năm nay lễ hội trăng rằm của bọn trẻ sẽ hấp dẫn hơn, vui hơn các năm trước”.

Ngoài tình yêu thương dành cho những đứa trẻ, một trong những nguyên nhân giúp bác sĩ Trang duy trì hoạt động lễ hội trăng rằm cho bọn trẻ trong xã chính là sự ủng hộ của cha mẹ.

Ông Trần Văn Bảy (cha chị Trang) năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng tâm hồn thì rất trẻ, sôi nổi. Ông ủng hộ con gái hết mình trong việc này. Những hôm chị Trang phải trực bệnh viện, ông ở nhà mày mò phụ giúp trang trí sân lễ hội.

Ông Bảy nói: “Con gái tui đi làm nhưng không lo gì cho mình mà chỉ nghĩ đến bọn trẻ. Ban đầu tui cũng có thắc mắc, nhưng sau này thấy việc nó làm có ý nghĩa hơn mua một bộ đồ đẹp, đắt tiền hay mua nữ trang đeo nên vợ chồng tui rất ủng hộ. Tui già thế này rồi mà thấy bọn trẻ ngóng trông con Trang về rồi vây quanh tíu tít tui cũng vui lây. Có lần con gái tui cũng định ngưng tổ chức Trung thu một thời gian để lo cho công việc, nhưng nói mà có làm được đâu. Tui biết nó sẽ không chịu nổi nếu ngày Tết Trung thu mà sân nhà này không có tiếng cười của bọn trẻ”. Còn bác sĩ Trang thì bảo: “Tôi sẽ làm việc này cho đến khi nào bọn trẻ không cần tôi nữa thì thôi”.

THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên