29/09/2020 22:40 GMT+7

'Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận'

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - "Bầy bò tót lai này hiện đang bị suy kiệt nặng vì một thời gian dài không được chăm sóc đầy đủ, không trách nhiệm. Chúng tôi mong được nhận bầy bò tót lại càng sớm càng tốt...".

Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận - Ảnh 1.

Bò tót lai (F1) bị thiếu đói, trơ xương - Ảnh: H.PHƯƠNG

'Chỉ 100 triệu đồng/tháng sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận' - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Công Vân, giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận), với Tuổi Trẻ Online, khi VQG Phước Bình sẽ được nhận lại bầy bò tót lai 11 con để chăm sóc từ tháng 10-2020.

Ông Nguyễn Công Vân nói: "Bầy bò tót lai này hiện đang bị suy kiệt nặng vì một thời gian dài không được chăm sóc đầy đủ, không trách nhiệm. Chúng tôi mong được nhận bầy bò tót lai càng sớm càng tốt. Với khả năng của VQG Phước Bình, tôi khẳng định sẽ cứu được bầy bò này, phục hồi sinh lực như thuở ban đầu".

Chăm sóc tốt, 5 đến 6 tháng bò tót lai sẽ phục hồi

 * Cụ thể việc chăm sóc và chi phí sẽ ra sao, thưa ông?

- Hiện hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng đã đồng ý sẽ chuyển giao đàn bò tót cho VQG Phước Bình. Đàn bò hiện đã bị suy kiệt nặng nhưng không phải là vô phương cứu chữa. Tất nhiên là phải có kinh phí chứ không có đồng nào trong tay thì không thể làm được. Tôi khẳng định khi đủ kinh phí chăm sóc tích cực thì bò sẽ phục hồi sinh lực, giống như chăm sóc người bệnh vậy. 

Chúng tôi đã tính toán rất kỹ các khẩu phần thức ăn tinh, thô, xanh để đảm bảo, kể cả đồng cỏ để đảm bảo nguồn cỏ và tiền chi phí chăm sóc thuê bên ngoài, gồm cả chăm sóc y tế. Dự trù mỗi tháng cần khoảng 100 triệu đồng, tôi cam đoan 5 - 6 tháng là phục hồi gần như nguyên trạng. 

Còn khi đàn bò đã hồi phục thì cần phải có định mức cụ thể, chi tiết hơn, bởi việc nuôi đàn bò sẽ kéo dài trong nhiều năm tới chứ không phải ngắn hạn.

* VQG Phước Bình dự trù sẽ dùng nguồn kinh phí nào để chăm sóc bầy bò tót lai này?

- Chúng tôi nhìn đàn bò ốm o gầy mòn rất bức xúc, chúng tôi mới bỏ tiền túi ra gần 7 triệu để mua cám thúc cho bò. Nhưng cái đó chỉ hạn hẹp trong phần khả năng của mình, rất là đau xót. Nguồn kinh phí cơ bản vẫn phải là của nhà nước. VQG Phước Bình và Sở KH-CN Ninh Thuận đã làm công văn gửi UBND tỉnh Ninh Thuận xin nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh để chăm sóc bầy bò, đang chờ tỉnh trả lời.

Chúng tôi đã dự phòng và đề xuất trước, khi nghe bên Lâm Đồng nói trong tháng 10 sẽ bàn giao. Khi đó dứt khoát phải có nguồn kinh phí và theo chế độ đảm bảo nhất. Rất cấp thiết, có tiền ngay từ đầu khi chuyển giao, để tránh việc đàn bò bị bỏ đói tiếp tục.

Còn việc xin dự án khác để nghiên cứu thì nhanh lắm cũng phải đầu năm 2021 mới có thể được xét duyệt, nên trước mắt chúng tôi phải xin UBND tỉnh Ninh Thuận kinh phí.

Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận - Ảnh 2.

Bò tót đực nặng gần 1 tấn, là cha của bầy bò tót lai hiện tại. Ảnh PV Tuổi Trẻ chụp năm 2010 tại VQG Phước Bình - Ảnh: VIỄN SỰ

Không lai được F2 vẫn là nguồn gien quý

* Có thông tin cho biết đàn bò tót lai là F1 giữa bò tót rừng và bò nhà, nhưng vì không lai tạo được F2 nên dẫn tới dự án thất bại, đàn bò bị bỏ đói?

- Cho đến nay chưa lai tạo được F2, nhưng điều đó không phủ nhận được bầy bò tót lai này là nguồn gien cực kỳ quý hiếm. Sự kỳ thú của tự nhiên, kết đôi giữa bò tót và bò nhà không dễ gì lặp lại. Nguồn gien của bầy bò tót lai này là vốn quý cho các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, đã là nguồn gien quý thì nhất định phải khai thác, lưu giữ.

Nhưng việc nghiên cứu này nằm ngoài tầm tay của chúng tôi, phải có các nhà khoa học vào cuộc, như về sinh học phân tử, phân tích nhiễm sắc thể… Viện chăn nuôi của Bộ NN&PTNT, một số tổ chức bảo tồn thiên nhiên cũng gọi trao đổi hỗ trợ, muốn hỗ trợ bước đầu cho đàn bò. Chúng tôi rất hy vọng.

* Bò tót đực sinh sống trong VQG Phước Bình, giao phối với bò nhà và sinh ra bầy bò tót lai cũng ngay tại đây. Một thời gian dài bầy bò bị suy kiệt vì không được chăm sóc, VQG Phước Bình có động thái gì không?

- Phải nói rõ là bầy bò tót lai này không phải đưa từ trong rừng về mà mua lại từ người dân. Thời điểm 2013, 2014 mỗi con bò tót lai được mua khoảng 50 triệu đồng, do ngân sách hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng chi trả. Sau đó, giao đề tài nghiên cứu cho Sở KH-CN Lâm Đồng nghiệm thu, quản lý nguồn vốn.

Bò sinh ra ở đây, nhưng kinh phí, tài sản là của người ta. Chúng tôi xót xa lắm nhưng chỉ gọi lên nhắc nhở, cảnh báo khi thấy dấu hiệu suy kiệt của bầy bò, chứ không quyết định được gì. 

Bây giờ hai tỉnh đã thống nhất chuyển giao bầy bò tót lai về cho VQG, chúng tôi rất mừng, chờ đợi từng ngày và chờ cả nguồn kinh phí để đảm bảo nuôi dưỡng được nguồn tài sản quý hiếm của nhà nước, phục vụ nghiên cứu trong tương lai.

Một bí thư quận ở TP.HCM muốn hỗ trợ chăm sóc đàn bò tót lai

Trao đổi với VQG Phước Bình và báo Tuổi Trẻ, một bí thư quận ủy tại TP.HCM đã đưa ra đề xuất để đảm bảo cho việc chăm sóc đàn bò tót lai. Cụ thể, vị lãnh đạo quận này cho biết ông và một nhóm nhà tài trợ yêu thiên nhiên có thể nhận chăm sóc đàn bò tót lai này tại một thiền viện ở tỉnh Bình Định, có đủ điều kiện nuôi dưỡng tự nhiên, phục vụ cho nghiên cứu khoa học của nhà nước.

Hoặc, sẽ nhận nửa đàn bò để đưa về Bình Định chăm sóc, nửa đàn bò còn lại vẫn sẽ ở VQG Phước Bình và được hỗ trợ số tiền đủ để chăm sóc ổn định.

Theo vị lãnh đạo quận này thì đây chỉ là một trong các đề xuất được đưa ra với VQG Phước Bình. "Điều quan trọng là chúng tôi muốn có phương án bài bản, rõ ràng để những người có khả năng hỗ trợ, đảm bảo cho đàn bò quý hiếm này được chăm sóc một cách tốt nhất" - vị lãnh đạo quận này nói.

Một số hình ảnh PV Tuổi Trẻ ghi được về quá trình bò tót cặp đôi với bò nhà và sản sinh ra bầy bò tót lai quý hiếm tại VQG Phước Bình từ năm 2010.

Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận - Ảnh 4.

Bò tót đực hẹn hò với bò cái nhà bên bờ suối Tô Hạp năm 2010 - Ảnh tư liệu

Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận - Ảnh 5.

Bò tót rừng ve vãn bò cái nhà ngay bìa rừng (ảnh chụp năm 2010) - Ảnh: VIỄN SỰ

Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận - Ảnh 6.

Bò tót rừng thoải mái cặp đôi ngay trong rẫy với bò cái nhà, thể hiện sức vóc vượt trội so với bò nhà (ảnh chụp năm 2011) - Ảnh: VIỄN SỰ

Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận - Ảnh 7.

Bò tót lai khi được gần 3 tuổi, trong những ngày đầu được gom từ nhà dân nuôi dưỡng (ảnh chụp năm 2014) - Ảnh: VIỄN SỰ

Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận - Ảnh 8.

Thời điểm 2014, bầy bò tót lai phát triển rất tốt, to hơn gấp đôi bò nhà cùng lứa - Ảnh: VIỄN SỰ

Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận - Ảnh 9.

Thời điểm ban đầu, nhiều người đã hy vọng về một bầy bò tót lai phát triển tốt, cho ra những lứa F2 tiếp theo. Nhưng rất tiếc, điều này đã chưa thành sự thực - Ảnh: VIỄN SỰ

Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận - Ảnh 10.

Bò tót lai có màu lông vàng hung lúc nhỏ và dần chuyển sang màu đen khi lớn - Ảnh: VIỄN SỰ

Chỉ 100 triệu đồng/tháng thôi sẽ cứu được hậu duệ bò tót Ninh Thuận - Ảnh 11.

Vóc dáng và đặc tính hoang dã của bầy bò tót lai được bộc lộ từ rất sớm (ảnh chụp cuối năm 2015) - Ảnh: VIỂN SỰ

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên