19/05/2024 06:16 GMT+7

Chế tài người nổi tiếng nhưng lệch chuẩn trên mạng sao cho 'chừa'?

MI LY
và 1 tác giả khác

Dự thảo nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng có thêm hình thức chế tài người nổi tiếng phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội.

Trong thời gian qua có nhiều người nổi tiếng phát ngôn sai sự thật trên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng xử lý. Trong ảnh: một KOL nổi tiếng làm việc với cơ quan chức năng (Ảnh: CA cung cấp) và TikToker đăng clip sai sự thật bị xử phạt - Ảnh chụp màn hình

Trong thời gian qua có nhiều người nổi tiếng phát ngôn sai sự thật trên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng xử lý. Trong ảnh: một KOL nổi tiếng làm việc với cơ quan chức năng (Ảnh: CA cung cấp) và TikToker đăng clip sai sự thật bị xử phạt - Ảnh chụp màn hình

Nghệ sĩ, chuyên gia nói gì về chuyện này?

* Diễn viên HỒNG ÁNH:

Cần quy định rõ hành vi lệch chuẩn

Chế tài người nổi tiếng nhưng lệch chuẩn trên mạng sao cho 'chừa'?- Ảnh 2.

Nghệ sĩ là công dân bình đẳng trước pháp luật. Do đó, bất kỳ vi phạm nào, bao gồm hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội, đều cần được xử lý theo đúng các quy định. Phải quy định rõ ràng như thế nào là những hành vi lệch chuẩn và những vi phạm gì sẽ được xử lý theo điều luật nào. Việc này sẽ đảm bảo tính công bằng trong việc thực thi luật pháp.

Nếu nói nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn đến công chúng và cần được quản lý chặt chẽ hơn, vậy các cá nhân trong các lĩnh vực khác có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội thì sao? Để đảm bảo sự công bằng và tin tưởng của công chúng, của người dân vào luật pháp, các quy định này cần được áp dụng đồng nhất đối với tất cả các cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

* Bạn đọc TRẦN XUÂN TIẾN:

Chế tài người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm "dỏm"

Chế tài người nổi tiếng nhưng lệch chuẩn trên mạng sao cho 'chừa'?- Ảnh 3.

Có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng xã hội, nhất là đối với giới trẻ, nhưng không ít người nổi tiếng trên mạng xã hội lại liên tục có những hành vi lan truyền thông tin không chính xác, tin giả, thậm chí là tin độc hại. 

Chẳng hạn như quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đầy đủ căn cứ khoa học, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hay như chia sẻ các thông tin đồn đoán thất thiệt, chưa kiểm chứng, các nội dung vi phạm bản quyền… gây hoang mang dư luận.

Ngoài việc nâng cao ý thức trách nhiệm với những gì phát ngôn, đăng tải, chia sẻ, việc tăng cường chế tài xử phạt với các hành vi lệch chuẩn của người nổi tiếng là điều cần phải thực hiện mang tính răn đe hơn.

Tôi tin rằng nghị định mới sẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả, hướng đến xây dựng và đảm bảo không gian mạng tin cậy, lành mạnh, tích cực và an toàn với cộng đồng.

* Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu NGUYỄN QUANG LONG:

Hành vi xấu, giao tiếp thô tục không thể tồn tại

Chế tài người nổi tiếng nhưng lệch chuẩn trên mạng sao cho 'chừa'?- Ảnh 4.

Tôi ủng hộ những biện pháp xử lý nặng hơn như đề xuất hạn chế sự xuất hiện hình ảnh biểu diễn của những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi lệch chuẩn để cảnh cáo đối với những hành vi thực sự có tác động xấu đến xã hội. Người nổi tiếng không thể nói "đây là tài khoản Facebook của tôi, tôi thích viết gì thì viết". Mỗi khi đăng tải thông tin và hình ảnh đều phải có sự cân nhắc đến tác động xã hội.

Ở Trung Quốc, có những quy định để cơ quan quản lý có thể tiến hành "phong sát" những nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn. Tôi nghĩ chính những quy định có phần khắt khe này giúp văn hóa sử dụng mạng xã hội của người nổi tiếng được thanh lọc một cách chủ động. 

Ở Hàn Quốc, quyền lực giám sát của công chúng lại rất mạnh khiến các nghệ sĩ phải luôn cẩn trọng trong hành xử, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Những quy định giám sát sẽ khiến nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ giải trí có lượng công chúng đông đảo phải hoạt động nghệ thuật theo những quy ước cộng đồng, xã hội. Từ đó những hành vi xấu, những cách hành xử kém văn hóa, giao tiếp thô tục, ăn mặc không đúng chuẩn mực… sẽ không có chỗ để tồn tại.

* Chuyên gia truyền thông NGUYỄN ĐÌNH THÀNH:

Cấm xuất hiện trước công chúng

Chế tài người nổi tiếng nhưng lệch chuẩn trên mạng sao cho 'chừa'?- Ảnh 5.

Người nổi tiếng sống bằng sự yêu mến và biết đến của công chúng. Khi họ sai, sự "trừng phạt" lớn nhất đến từ phía công chúng khi từ chối xem, theo dõi hay tương tác với những gì họ viết ra; từ chối mua các sản phẩm dịch vụ mà họ làm ra.

Cơ quan quản lý nhà nước có thể cân nhắc việc hạn chế hoặc cấm xuất hiện hình ảnh quảng cáo hoặc biểu diễn với người nổi tiếng có hành vi lệch chuẩn trên mạng. Việc hạn chế này cần có quy định cụ thể về thời gian, không gian, nơi xuất hiện.

* Ông NGUYỄN THANH SƠN (phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT&DL):

Định hướng ứng xử cho người nổi tiếng

Chế tài người nổi tiếng nhưng lệch chuẩn trên mạng sao cho 'chừa'?- Ảnh 6.

Bộ VH-TT&DL đang phối hợp với các bộ xây dựng quy trình hạn chế, kiểm soát hình ảnh nghệ sĩ có phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn trên mạng xã hội. Quy trình này vì phải phối hợp nhiều cơ quan trung ương nên chưa thể làm sớm, làm ngay.

Trước đó Bộ VH-TT&DL và Bộ TT-TT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Trong đó Bộ TT-TT ban hành quy tắc ứng xử trên không gian mạng cho các đối tượng rộng rãi. Còn bộ quy tắc ứng xử của Bộ VH-TT&DL tập trung vào đối tượng người hoạt động nghệ thuật, người nổi tiếng.

Cả hai bộ quy tắc ứng xử này đều thống nhất hướng dẫn thực hiện các quy tắc chuẩn mực về đạo đức trong nghề nghiệp, trong ứng xử với công chúng, với đồng nghiệp… trên mạng xã hội. Tuy nhiên cũng cần thêm các biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn để làm trong sạch hơn môi trường mạng xã hội.

* PGS.TS BÙI HOÀI SƠN (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):

Cần chế tài nghiêm khắc

Chế tài người nổi tiếng nhưng lệch chuẩn trên mạng sao cho 'chừa'?- Ảnh 7.

Ngoài các chế tài pháp luật, chúng ta cần xây dựng một thế hệ khán giả, người sử dụng mạng xã hội có sức đề kháng với cái xấu, có bản lĩnh trong tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

Có nhiều nguyên nhân khiến một số nghệ sĩ có những ứng xử không phù hợp, lệch chuẩn trên mạng xã hội thời gian qua. Trong đó có nguyên nhân đến từ sự lúng túng trong quản lý văn hóa và quản lý không gian mạng trong khi mọi hành động, phát ngôn của người nổi tiếng lại có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, thị hiếu, lối sống của công chúng.

Hai bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng do Bộ TT-TT và Bộ VH-TT&DL ban hành đã có tác dụng nhất định trong việc điều chỉnh hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có thêm những giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn nữa như hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để có hành lang pháp lý và chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm.

Việc ban hành các quy định có chế tài kèm theo sẽ cần có thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả, nhưng chắc chắn sẽ đem lại một số chuyển biến tích cực trong việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật.

Tôi tin rằng quy định mới của Bộ TT-TT có thể là một biện pháp để tăng cường trách nhiệm của các nghệ sĩ với công chúng khiến họ có ý thức tự giác hơn về hành vi của mình trên mạng xã hội và trên các chương trình truyền hình, hay ngay cả trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định "cấm sóng" cũng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Việc khán giả phản đối những hành vi lệch chuẩn, không phù hợp của nghệ sĩ sẽ giúp cho họ có ý thức nhiều hơn về hành động của mình, vì xét cho cùng, nghệ sĩ luôn cần có khán giả. Sự quay lưng của khán giả là hình phạt lớn nhất đối với nghệ sĩ.

Phạt hành chính không đủ răn đe

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin - Truyền thông vào chiều 13-5, ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết dự kiến tháng 7-2024 sẽ ban hành nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung nhiều quy định mới để xử lý hành vi lệch chuẩn trên mạng.

Theo đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông, các hành vi của công dân, bao gồm cả nghệ sĩ, người nổi tiếng, đều đã có quy định pháp luật và chế tài kèm theo. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với công chúng, dư luận, có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng như hiện nay không đủ sức răn đe.

Bộ Thông tin - Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chế tài xử lý khác, trong đó có hướng hạn chế xuất hiện hình ảnh của những người này.

Theo ông Lê Quang Tự Do, bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Trong đó có bổ sung, cập nhật nhiều quy định mới để xử lý người dân, tổ chức, doanh nghiệp đăng tải nội dung thông tin sai sự thật trên không gian mạng.

Từ tháng 7 sẽ có thêm hình thức chế tài người nổi tiếng lệch chuẩn trên mạngTừ tháng 7 sẽ có thêm hình thức chế tài người nổi tiếng lệch chuẩn trên mạng

Dự kiến tháng 7 sẽ ban hành nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung nhiều quy định mới để xử lý hành vi lệch chuẩn trên mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên