16/11/2015 11:10 GMT+7

"Chạy xe máy vậy bán xe đền nổi cho người ta không?!"

V.H - M.C
V.H - M.C

TTO - Mặt cắt không giọt máu là vẻ mặt người bạn trẻ cầm lái chiếc xe máy trên đường Điện Biên Phủ từ cầu Sài Gòn về trung tâm TP.HCM sau cú tông mạnh ngang đầu chiếc xe hơi màu đỏ từ đường D2 ra lúc 12g40 trưa 15-11.

Chiếc xe hơi bị xe máy đâm ngang đầu trưa 15-11 ở giao lộ Điện Biên Phủ - D2 - Ảnh: M.C

Nhìn sơ cũng biết lỗi phải tại ai. Một người chứng kiến lắc đầu: "Gì  mà chạy ào ào lấn tuốt sang tuyến xe hơi dữ vậy đại ca. Chạy xe máy vậy bán xe đền nổi cho người ta không?!".

Vụi tai nạn cũng bình thường thôi, chẳng ai bị sao. Nhưng nhìn bộ quần áo đồng phục luộm thuộm như một công nhân trẻ vừa xong việc đâu đó, xem ra chủ xe máy cũng không khá giả gì.

Biết mình sai người bạn trẻ này lắp bắp xin lỗi chủ xe hơi vì có lẽ giá trị của chiếc Yamaha cũ của anh khó mà đền nổi phần đầu xe móp méo của xe hơi đỏ choáng lộn kia.

Làn xe nào cũng làn của xe máy

Theo rất nhiều bạn đọc thì xe máy quá nhiều đã gây nên thực trạng hỗn loạn trên đường phố khi vô số xe máy tỉnh bơ đâm ngang, quẹo dọc, gây nên tình trạng kẹt xe hiện nay.

“Xe máy chính là thủ phạm của rất nhiều vấn đề” – bạn đọc Minh Khôi khẳng định.

Bạn đọc Mr Ti góp ý: “Người điều khiển xe máy ở chốn đông người thật dễ sợ. Ai cũng muốn về nhà trước, chạy không theo một quy luật nào hết, có đường là chạy”. 

Thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM: cuối năm 2014, TP.HCM có hơn 6,4 triệu xe máy.

Tuy nhiên, có bạn đọc đặt vấn đề: nếu 6,4 xe máy chuyển thành xe hơi, tình hình kẹt xe Sài Gòn lúc ấy thế nào? (hiện nay khoảng 500-600.000 ôtô các loại, trong đó có khoảng gần 300.000 xe hơi cá nhân.

 

Chưa kể hàng loạt người đi xe máy cứ nhè đường xe hơi mà đi. Thích thì quay đầu bất cứ nơi đâu, xe máy tạt đầu ôtô là chuyện thường tình trên đường.

Đến nỗi ngay không ít tài xế taxi thú thật: "Chạy xe sợ nhất là mấy xe máy, muốn quặt đầu xe mình là quặt tỉnh bơ. Thắng xe muốn rớt tim".

Ai cũng thấy rõ và sợ nhất là khi đường đông xe, lúc ấy nhiều xe máy mới "phát huy" khả năng chen đường, lấn làn, leo vỉa hè... đủ kiểu. 

Trời mưa thì nạn kẹt xe lại càng kinh hoàng khi dòng xe kẹt hầu như chìm trong biển xe máy. 

Có bạn đọc khẳng định: “Xe máy là cái anh hay gây tai nạn nhất. Đi trên đường sợ nhất là những xe đi  chậm, đi tà tà nhưng cứ nhè phần đường xe bốn bánh mà đi".

Và người bạn này cho biết  ngày nào ra đường cũng xanh mặt khi thấy có cả những bà mẹ chở con nhỏ, thậm chí cả mấy bà bầu... không hiểu sao lại cứ liều lĩnh đi chậm rãi ngay phần đường giành cho xe bốn bánh.

Chủ nhật 15-11 đường Bạch Đằng  (Bình Thạnh, TP.HCM) không nhiều xe nhưng không hiểu sao hàng loạt xe máy không chạy bên trong vốn rất rộng rãi mà cứ lao xe trong làn đường xe bốn bánh bên ngoài - Ảnh: M.C

Thực tế cho thấy hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc từ những vụ lấn tuyến giành làn này.

Cần hạn chế xe máy?

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã từng nhận định phương tiện giao thông cá nhân hiện nay quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.

Một số ý kiến cho rằng đã đến lúc phải hạn chế xe máy. Kẹt xe phần lớn nguyên nhân từ xe máy có số lượng quá nhiều.

"Để giải quyết bài toán giao thông ở TP.HCM cũng như các địa phương khác thì vấn đề cần làm là đầu tư cầu, đường, phát triển vận tải hành khách công cộng và hạn chế xe cá nhân.

"Nhưng giao thông công cộng phải tiện ích cho tất cả mọi người” - một bạn đọc nói.

Thậm chí bạn đọc Thủy Xuân còn cho rằng:”Phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe máy và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô để giảm ùn tắc giao thông. Đây là cách Thái Lan và mới nhất là Myanma họ đang làm. Đã đến lúc mình phải học hỏi Myanma cấm xe máy lưu thông vào thủ đô để vài năm sau họ chỉ có ôtô lưu thông cùng với vận tải công cộng”.

“Sao không ngưng đăng ký mới các loại xe - cấm nhập xe và sản xuất xe máy mới – vì quá tải thành phố” - một bạn đọc viết..

Bạn đọc Thanh Tâm còn hiến kế mọi người nên đi bộ và đi xe đạp. “Những TP kẹt xe thường có các quy định như sau: Cấm xe tải vào TP trong giờ cao điểm, xe hơi phải đi xe chung trong giờ cao điểm, cấm đậu xe trên lòng đường trong giờ cao điểm, trường học mở cửa đón học sinh trước hoặc sau giờ cao điểm từ 30 đến 60 phút, cấm chợ, trung tâm thương mại, quán ăn không có chỗ để xe mở cửa trước 10 giờ sáng...

Có bạn đọc còn kiến nghị người đi xe máy vào những giờ cao điểm, tại những ngã tư đông xe, chỉ cho xe chạy thẳng và quẹo phải, không nên cho quẹo trái. Xe nào muốn quẹo trái thì phải chịu khó đánh vòng vậy.

Mỗi năm lượng xe tại TP.HCM tăng 10% trong khi đường giao thông chỉ tăng 2%. Vậy câu chuyện tiếp theo ở đây là gì nếu không là ý thức người điều khiển từng phương tiện này tham gia giao thông - trong đó có chủ của hàng chục triệu xe máy trên các nẻo đường, nhất là ở những tỉnh thành lớn như TP.HCM, Hà Nội...

Rừng xe kinh hoàng nhích từng chút một. Hàng ngàn xe cộ phải nhích từng chút một trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

* Qua các ý kiến bạn đọc Tuổi Trẻ mấy hôm nay và kết quả thăm dò bước đầu của bạn đọc xem ra xe nào cũng góp phần gây cảnh lộn xộn giao thông đường phố, không nhiều thì ít. Tại sao vậy? Điều gì ẩn sâu sau điều mà người ta hay nói là văn hóa giao thông, ý thức tham gia giao thông?

Mời bạn chỉ ra những điều ẩn sâu ấy trong phần bình luận dưới bài!

 

V.H - M.C
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên