12/01/2016 11:58 GMT+7

Cháy xe hơi, bình chữa cháy nhỏ không thể dập tắt

 MAI NGUYỄN - TRÙNG DƯƠNG
MAI NGUYỄN - TRÙNG DƯƠNG

TTO - Tiếp tục có ý kiến về sự vô dụng và nguy hiểm của bình chữa cháy trong xe hơi, nhiều chuyên gia chỉ ra thêm sự vô lý trong yêu cầu trang bị bình chữa cháy trong xe hơi.

Người dân đổ xô đi mua bình chữa cháy cho ôtô. Theo các chuyên gia, những bình chữa cháy nhỏ như thế này không giải quyết được vấn đề gì nếu xảy ra cháy xe - Ảnh: Nguyễn Khánh
Người dân đổ xô đi mua bình chữa cháy cho ôtô. Theo các chuyên gia, những bình chữa cháy nhỏ như thế này không giải quyết được vấn đề gì nếu xảy ra cháy xe - Ảnh: Nguyễn Khánh


PGS - TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng hiện tượng nổ, gây cháy lớn trong xe do chập điện là rất hiếm, thậm chí chưa hãng xe nào hứng chịu hậu quả như vậy.

Cháy xe, việc đầu tiên là chạy!

Theo PGS - TS Đỗ Văn Dũng, trường hợp cháy do sơ sẩy hút thuốc, ngọn lửa cũng khó bùng lớn, do phần lớn chi tiết xe được làm từ vật liệu chống bắt lửa.

Hiện tượng nổ, gây cháy lớn trong xe hầu như không xảy ra, vì được bảo vệ bởi hệ thống các cầu chì. Khi một chi tiết nào chập điện, cầu chì đó tự động ngắt, đảm bảo an toàn cho các bộ phận khác trong xe.

Hiện tượng cháy lớn, nguy hại đến tính mạng con người chỉ xảy ra ở động cơ xe. Nếu xảy ra, những bình chữa cháy nhỏ cũng khó lòng dập tắt.

Mặc khác, không ai loay hoay tìm bình chữa cháy, việc đầu tiên họ làm là tháo chạy ra ngoài để bảo toàn tính mạng.

Bình chữa cháy chỉ nên được trang bị trên xe 9 chỗ trở lên. Với không gian rộng, chứa nhiều hành khách, những vụ cháy bên trong xe có thể gây thiệt hại về của cải vật chất, song cũng không nguy hại đến tính mạng con người.

Từ thực tế đó, PGS - TS Đỗ Văn Dũng cho rằng việc trang bị PCCC trên các phương tiện xe 35-45 chỗ sẽ khoa học hơn. Vì độ sốc của xe “đầm” hơn so với xe dưới 9 chỗ, không ảnh hưởng đến việc phát nổ bình chữa cháy.

Không phải ai cũng có thể dùng bình chữa cháy

Trong khi đó, theo tiến sĩ, kỹ sư hóa học Christopher Van Lang (ĐH Stanford), bình chữa cháy chỉ nên được sử dụng bởi những người đã tập huấn kỹ càng.

Thêm vào đó chúng không được mặc định dành cho người điều khiển ôtô mặc dù những người này có thể đã được đào tạo sử dụng.

Khi các phương tiện lớn như máy bay, xe buýt hay tàu thuyền gặp sự cố thì những người được đào tạo chữa cháy có thể dễ dàng tiếp cận ngay với bình cứu hỏa. Trong khi đó những phương tiện nhỏ hơn như ôtô không cho phép điều này.

Khi xảy ra hiện tượng cháy nổ, người ta rất không thể vào xe để lấy bình cứu hỏa mà cách tốt nhất là tránh xa nó ra chứ không phải chữa cháy.

Chỉ khi được tập huấn kỹ càng mới nên nghĩ tới chuyện chữa cháy vì nếu không có kinh nghiệm hay kiến thức thì càng cố gắng chữa cháy càng có nguy cơ gặp nguy hiểm.

Các quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ và hầu hết các nước châu Âu đều không có quy định bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy trong ôtô. 

Một số nước như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển chỉ liệt kê thiết bị này trong danh sách những vật dụng nên có khi lái xe. Các nước ngoại lệ bắt buộc trang bị bình chữa cháy chính là Hi Lạp và Bỉ... Ngoài ra chỉ có các phương tiện công cộng như xe buýt, xe taxi… hay các phương tiện lớn như xe tải mới bắt buộc. 

 

MAI NGUYỄN - TRÙNG DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên