19/10/2018 17:58 GMT+7

Chạy tiếp sức giữa lòng Hà Nội vì an toàn giao thông

MINH HUỲNH
MINH HUỲNH

TTO - EKIDEN là môn thể thao truyền thống của Nhật Bản, được ra đời tại xứ sở hoa anh đào cách đây 101 năm.

Chạy tiếp sức giữa lòng Hà Nội vì an toàn giao thông - Ảnh 1.

Đây là một loại hình chạy tiếp sức đường dài hay còn gọi là Relay Marathon (Marathon tiếp sức) rất được ưa thích. Những năm gần đây, bộ môn này đã được lan rộng sang nhiều nước trên thế giới.

Môn thể thao sản sinh ra những vận động viên điền kinh đẳng cấp

Khi nói đến các môn thể thao Nhật Bản, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Judo, Karatedo hay Sumo… vốn là những môn võ truyền thống, là biểu tượng của Nhật Bản trên trường quốc tế. Ít ai ngờ, ở đất nước mặt trời mọc này còn có một môn thể thao đã tồn tại hàng trăm năm qua là Ekiden.

Là môn thể thao phổ biến, nên người Nhật thường xem Ekiden vào mỗi dịp năm mới. Nhiều người Việt Nam đang sống tại Nhật cho biết, cứ tới nhà người Nhật vào dịp đầu năm, thường trực trên tivi sẽ là giải New Year Ekiden nam 100km giữa các công ty, được đầu tư hoành tráng.

Theo ông Kawashima Hiroshi (Tokyo, Nhật Bản), giải mà mọi người chờ đợi nhất thường là Hakone Ekiden , diễn ra vào ngày mùng 2 và mùng 3 hàng năm. Cũng theo ông Kawashima Hiroshi, cha đẻ của bộ môn này là vận động viên marathon Kanaguri Shizo.

Sau khi lập kỷ lục tại một cuộc thi marathon trong nước, Kanaguri là vận động viên marathon đầu tiên đại diện cho Nhật Bản tham dự Olympic Mùa hè 1912 tại Stockholm (Thụy Điển).

Chạy tiếp sức giữa lòng Hà Nội vì an toàn giao thông - Ảnh 2.

Ông Suzuki Daichi, Cục trưởng Cục Thể thao Nhật Bản (giữa), hướng về đích với Tasuki, Jarkata, Indonesia sáng 15-5-2016 - Ảnh: MAINICHI

"Tuy nhiên, tại đấu trường quốc tế này, Kanaguri đã không thành công vì bị ngất xỉu trên đường đua. Chính sự thất bại này đã trở thành động lực để ông dốc sức phát triển môn chạy tiếp sức rèn luyện thể lực này. Là một vận động viên marathon có sức ảnh hưởng, ông đã thuyết phục các trường đại học cùng tổ chức cuộc thi chạy tiếp sức Hakone Ekiden", ông Kawashima cho biết.

Theo đó, năm 1920, cuộc thi đầu tiên được tổ chức. Chặng đường đua nối giữa nhà ga Otemachi (Tokyo) đến thị trấn Hakone (tỉnh Kanagawa). Chỉ có vận động viên nam được tham gia và phải chạy trên quãng đường dài 217,9 km trong thời gian 2 ngày. 

Sự nhiệt thành và quyết tâm về đích của họ đã tạo tiếng vang lớn cho cuộc thi với sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Cuộc thi hoàn tất cũng là lúc bộ môn này được ca ngợi là môn thể thao thể hiện ý chí kiên cường của con người.

Có thể nói, đây là cái nôi mà nhiều vận động viên marathon của xứ phù tang này đạt được nhiều thành công vang dội trên các đường đua quốc tế. Cụ thể, năm 1964, vận động viên Usami Akio giành chiến thắng trong cuộc thi Hakone Ekiden và đạt thành tích cao tại Olympic Mùa hè năm 1968 ở thành phố Mexico (Mexico).

Đại diện cho đất nước tham dự nhiều cuộc thi marathon danh tiếng trên thế giới và cả Olympic Mùa hè năm 1988 tại Seoul (Hàn Quốc), Seko Toshihiko cũng là chàng trai đã gặt hái thành tích nổi bật với việc lập kỷ lục thế giới trong nội dung chạy 25.000 mét vào năm 1981(30 năm sau kỷ lục này mới được phá vỡ).

Trường Đại học Nippon Taiku cũng đóng góp một gương mặt đẳng cấp là Taniguchi Hiromi, vận động viên chạy tiếp sức và marathon nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Anh đã mang về cho môn điền kinh này chiếc huy chương vàng duy nhất dành cho nam tại giải Vô địch Điền kinh Thế giới năm 1991 diễn ra tại Tokyo.

Theo đó, tinh thần vượt qua thử thách để về đích của bộ môn này hiện đã lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản, đặc biệt là trong giới thanh niên và học sinh sinh viên. Mỗi năm, có hàng chục cuộc thi chạy tiếp sức Ekiden được tổ chức tại nhiều tỉnh thành của Nhật, với những thách thức khiến các bạn trẻ vô cùng hào hứng để chờ đợi được tham gia.

Chạy tiếp sức giữa lòng Hà Nội vì an toàn giao thông - Ảnh 3.

Từ một Ekiden hơn trăm tuổi

Khác với Marathon, Ekiden là môn thể thao chạy tiếp sức đề cao tinh thần tập thể bằng một đội 4 người. 4 vận động viên sẽ thay nhau chạy trong mỗi phần.

Điều này được thể hiện qua chiếc khăn tiếp sức (Tasuki). Các vận động viên sau khi hoàn thành quãng đường chạy của mình sẽ trao khăn Tasuki cho bạn chạy thực hiện lượt chạy kế tiếp cho đến khi kết thúc cuộc đua.

Theo các chuyên gia, vận tốc và sức bền của những con ngựa truyền tin đường dài đã tạo cảm hứng cho sự ra đời của Ekiden. Cuộc thi Ekiden đầu tiên diễn ra tại Nhật Bản vào năm 1917, trên quãng đường dài 508 km nối giữa Kyoto và Tokyo.

3 năm sau, lịch sử Ekiden chứng kiến sự ra đời của Hakone Ekiden – một trong những nội dung chạy tiếp sức nổi tiếng nhất tại Nhật Bản hiện nay.

Theo đó, việc sử dụng khăn tiếp sức Tasuki thay gậy trong Ekiden có ý nghĩa đặc biệt. Không chỉ là biểu tượng cho sự bền bỉ và trách nhiệm, đây còn là sợi dây gắn kết không thể tách rời giữa các thành viên trong cùng một đội. "Và đó cũng là điều mà KIZUNA EKIDEN 2018 – chạy vì an toàn giao thông mang đến cho người dân Hà Nội năm nay", ông Kawashima cho biết.

Là một người Việt đã sống và làm việc tại Nhật Bản hơn 10 năm qua, chị Võ Bảo Khanh cho biết rất thích cuộc thi này vì có tính truyền thống lâu đời. "Số lượng thành viên mỗi đội không giống nhau nên các đội thi với nhau không chỉ nhờ sức mà còn nhờ trí, chiến thuật và tinh thần đoàn kết. Ngày xưa, võ sĩ khi đấu nhau đeo tasuki nên các vận động viên cũng mang tinh thần võ sĩ khi chạy đua", chị Khanh cho biết.

Theo chị Lê Hoàng Anh, cựu du học sinh Nhật Bản, thời gian đầu ở Nhật, chị chưa biết nhiều về đất nước này nên không mấy quan tâm đến Ekiden. 

"Thấy các bạn Nhật rất tích cực tham gia nên tôi cũng thử. Vì chương trình khá hay và vui nên tôi đã tham gia thường xuyên hơn. Cái chính là tập luyện cùng cả đội nên tinh thần teamwork rất tốt. Đặc biệt là qua đó, tôi có thêm nhiều bạn hơn, thêm cơ hội giao lưu với các bạn ở các khoa khác nhau, các nước khác nhau nữa", chị Hoàng Anh cho biết.

Bên cạnh tính chất thể thao, Ekiden còn là hoạt động xã hội, hoạt động hướng tới cộng đồng vì nhiều mục đích thiết thực, cao cả. Theo đó, vào năm 2000, ngọn núi lửa Miyake-jima trên đảo Miyake, cách thủ đô Tokyo 180 km về hướng nam, bất ngờ thức giấc sau 17 năm ngủ yên. 

Núi lửa phun tro bụi và khí oxit lưu huỳnh kéo dài từ năm 2000 đến năm 2006 đã khiến hòn đảo gần như hoang tàn, 3.800 cư dân quay trở về nhà sau nhiều năm đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống.

Nhằm hỗ trợ cư dân nơi đây, một cuộc chạy tiếp sức Ekiden với mục đích quyên góp tiền và vật dụng đã được tổ chức. Sự kiện ý nghĩa này đã nhận được sự đồng lòng, chung tay góp sức của nhiều tầng lớp nhân dân Nhật Bản. Không chỉ có cá nhân mà các tập đoàn cũng tham gia tích cực cuộc vận động trên.

Theo ông Kawashima, gần đây nhất, Nhật Bản lại hứng chịu thảm họa tự nhiên khác – trận động đất, sóng thần ở vùng Đông Bắc xảy ra ngày 11-03-2011. Để cổ vũ tinh thần cũng như trợ giúp vật chất cho người dân, các cuộc vận động từ thiện Ekiden đã được tổ chức trên khắp Nhật Bản.

Đến Kizuna Ekiden đầu tiên tại Việt Nam

Kizuna Ekiden 2018 – Chạy vì an toàn giao thông sẽ xuất phát từ khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ, mỗi lượt chạy 2 vòng Hồ Hoàn Kiếm, tổng 4 lượt chạy 8 vòng với tổng cự ly chạy là 14 km, chia đều cho các thành viên trong đội.

Đối với Kizuna Ekiden đầu tiên tại Việt Nam, Tasuki không chỉ là vật để truyền qua đồng đội lúc đến khu vực chuyển tiếp, mà còn truyền đi niềm tin, sức mạnh và ý chí của tập thể, đại diện cho tinh thần đoàn kết của các đội, của cộng đồng chung tay vì an toàn giao thông, cũng là góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị của hai nước Việt – Nhật.

Theo nhà báo Xuân Toàn, ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ, đây là hoạt động kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Vận động viên của 2 nước sẽ truyền cho nhau dải tiếp sức Tasuki như một biểu tượng cho sự kết nối hữu nghị thân thiện giữa Việt Nam và Nhật Bản, thúc đẩy giao lưu giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, không phân biệt là cá nhân hay doanh nghiệp…

"Chúng tôi mong muốn mang lại một sân chơi bổ ích cho cả người dân Việt Nam và cộng đồng người Nhật, như một cuộc hội ngộ lớn của những người con Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại mảnh đất này; đồng thời tạo ra cơ hội giao lưu kinh tế, văn hóa cho cộng đồng người Nhật là những người đã và sẽ vượt qua rào cản về văn hóa để hoạt động tại đây. Mỗi một cá nhân đều có cơ hội thử thách bản thân", nhà báo Xuân Toàn cho biết.

Dự kiến sẽ có 1.600 vận động viên tham gia, chia làm 400 đội, mỗi đội có 4 người (từ 13 tuổi trở lên, có đủ điều kiện về sức khỏe). Trong mỗi nhóm chạy sẽ phải có ít nhất 1 người Việt Nam, và 1 người Nhật Bản.

Cuộc thi không chỉ thu hút đông đảo người dân Việt Nam tham gia, mà còn nhận được sự quan tâm, đăng kí tham gia của rất nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản.

"Kizuna Ekiden 2018 – Chạy vì an toàn giao thông" là sự kiện do Bộ Công an, báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi phối hợp tổ chức vào sáng 18-11 tại Hà Nội, với sự đồng hành của VinGroup, Vietjet Air và các doanh nghiệp Nhật Bản… Chương trình được bảo trợ bởi Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tỉnh Kanagawa, JCCI, JETRO Hà nội, JICA Việt Nam.

Cuộc thi có tổng cộng có 8 giải (dành cho mọi đối tượng trừ Nhóm của Bộ CA và CQ CS Nhật Bản), bao gồm: Giải nhất: Cúp vô định, huy chương, quà của nhà tài trợ; Giải nhì đến giải 8: Huy chương, quà của nhà tài trợ; cùng nhiều giải thưởng giá trị khác.


MINH HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên