30/04/2018 15:29 GMT+7

Châu Âu chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh thương mại

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Châu Âu đang chuẩn bị cho một chiến tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương khi chuyến công du của Thủ tướng Đức Angela Merkel không thể tháo ngòi quả bom thuế nhôm thép của Mỹ chuẩn bị bùng nổ ngày 1-5.

Châu Âu chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Các cuộn thép bên trong Nhà máy Volkswagen của Đức - Ảnh: Reuters

Sau chuyến công du cuối tuần trước, bà Merkel phó thác "quyết định nằm trong tay tổng thống Mỹ", về việc miễn trừ thuế nhập khẩu kim loại đối với Liên minh châu Âu (EU). 

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảnh báo chiến tranh thương mại sẽ hủy hoại thị trường việc làm. Đáp lại, ông Trump nói rằng các bên vẫn đang tìm cách để thương mại công bằng hơn.

“Chúng tôi đâu phải chịu trách nhiệm cho sự dư thừa thép và nhôm. Chúng tôi không nên chịu thiệt hại chung trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc

Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire

Tối hậu thư

Ông Trump ngày 29-4 (giờ Việt Nam) có vẻ đã đưa ra câu trả lời khi tuyên bố sẽ "chiến" với EU, Trung Quốc và không có gì ngăn được ông chấm dứt "những thỏa thuận thảm họa" và chỉnh đốn lại cán cân thương mại.

"Trước mắt có thể có vài vấn đề nhưng lâu dài thì mọi người đều hạnh phúc. Chúng ta phải buộc họ mở cửa thị trường hoặc ngưng làm ăn với những nước này" - ông Trump nói trước đám đông ở Michigan, chỉ trích các nước lợi dụng Mỹ.

Chính quyền Mỹ cuối tuần qua cũng đã ra tối hậu thư cho EU và các nước khác. "Chúng tôi yêu cầu tất cả các nước: áp dụng hạn ngạch nếu không muốn bị đánh thuế" - Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross, nhắc đến mức thuế gây tranh cãi nhắm vào các sản phẩm thép (25%) và nhôm (10%). Mức thuế gây phản ứng mạnh mẽ và đe dọa trả đũa từ các đồng minh.

Tháng trước Mỹ tuyên bố sẽ tạm hoãn chính sách thuế kim loại cho đến ngày 1-5 trong khi đại diện thương mại của Washington Robert Lighthizer đàm phán với các nước. 

Đến nay chỉ có Hàn Quốc chấp nhận cắt giảm 2,7 triệu tấn kim loại xuất khẩu mỗi năm và tăng gấp đôi số xe nhập khẩu của Mỹ. 

Ngoài ra, Washington cũng tạm miễn trừ cho một số đồng minh như Úc, Canada nhưng kèm theo điều kiện phải nhượng bộ trong đàm phán Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ.

Các nỗ lực cuối cùng trong tuần qua của thủ tướng Pháp và Đức, nước xuất khẩu thép lớn thứ năm thế giới và lớn nhất châu Âu, đều không thành công càng khiến giới quan sát lo lắng. 

"Tôi cá là vậy (ông Trump sẽ miễn trừ cho EU). Chiến tranh thương mại giữa các đồng minh là vô nghĩa" - ông Macron kỳ vọng. Nhưng giới phân tích không nghĩ như thế. 

"Ông Trump chẳng cho thấy gì là sẽ thay đổi ý định đối với các lời hứa tranh cử quan trọng, đặc biệt là về an ninh và thương mại" - CNN dẫn lời chuyên gia Jorn Fleck nhận định.

Sẵn sàng đáp trả

Các nguồn tin từ EU cho biết nhóm này sẽ không chấp nhận yêu cầu của Mỹ giảm lượng nhôm, thép xuất khẩu xuống còn 90% so với hai năm gần đây. 

Quả thực đòi hỏi này của Mỹ đặt châu Âu vào tình huống tiến thoái lưỡng nan bởi việc áp đặt hạn ngạch sẽ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, chưa kể đi ngược lại với tiêu chí thương mại của EU vốn được hình thành trên nguyên tắc thúc đẩy tự do hàng hóa.

"Chiến tranh thương mại là trò chơi thất bại cho tất cả" - Bộ trưởng tài chính Bỉ Johan Van Overtveldt nói tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính EU cuối tuần qua trong nỗ lực kêu gọi Mỹ suy nghĩ lại. 

"Về ngắn hạn nó có thể giải quyết cân bằng thương mại, nhưng về lâu dài sẽ khiến các điều kiện thương mại tệ hơn. Công cụ mà họ dùng để khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại có thể có kết cục sai lầm bởi tự do thương mại thế giới đã được chứng minh là giải pháp tốt nhất cho phát triển của thế giới đến nay" - Bộ trưởng tài chính Bulgaria Vladislav Goranov giải thích.

Nhưng châu Âu sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ cương quyết đánh thuế. EU đã công bố danh sách dài 10 trang các mặt hàng của Mỹ có thể bị ảnh hưởng như thuốc lá, rượu, thuyền buồm, bồn thép không gỉ... và dọa sẽ phản ứng chỉ trong vòng vài ngày. 

"Chúng tôi mong sẽ được miễn trừ nhưng chúng tôi đã sẵn sàng nếu cần thiết" - người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo. EC đến nay không bình luận gì về khả năng đạt được thỏa thuận với Mỹ về yêu cầu "miễn trừ lâu dài và vô điều kiện" dành cho châu Âu.

Theo giới quan sát, cuộc chiến thương mại Mỹ - EU nổ ra có thể sẽ lan rộng bởi ông Trump cũng từng dọa sẽ đáp trả các rào cản thương mại của EU bằng cách đánh thuế lên xe hơi của châu Âu. 

Hậu quả là "chúng ta có thể thấy một cú sốc chuỗi cung ứng lớn sẽ lây lan sang các thị trường tài chính" - AFP dẫn lo ngại của nhà kinh tế Gregory Daco.

Châu Âu muốn đánh thuế kỹ thuật số

EU đang cân nhắc chính sách đánh thuế kỹ thuật số nhắm vào hàng loạt gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Google, Facebook... đang tìm cách chuyển hàng tỉ USD thu nhập sang châu Âu để giảm thuế, bất chấp căng thẳng thương mại leo thang. "Một điều tôi học được khi ở Mỹ một tuần với Tổng thống Macron: người Mỹ chỉ tôn trọng việc khoe sức mạnh" - Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire nói.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên