24/05/2015 11:24 GMT+7

Chật vật tìm bãi chứa rác phóng xạ

MAI VINH
MAI VINH

TT - Nhiều cơ sở công nghiệp, y tế mua thiết bị có nguồn phóng xạ về sử dụng nhưng chưa tính toán việc xử lý khi những thiết bị đặc biệt, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này trở thành rác phóng xạ.

Điều chế biệt dược từ đồng vị phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân - Ảnh: M.Vinh
Điều chế biệt dược từ đồng vị phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân - Ảnh: M.Vinh
Khó có thể nói việc thất lạc nguồn phóng xạ sẽ không lặp lại, vì đặc điểm của thiết bị đã qua sử dụng rất dễ bị lãng quên, không được chú ý bảo vệ thường xuyên
Chuyên gia Nguyễn Tiến Mạnh (Cục An toàn bức xạ)

Câu chuyện xử lý rác phóng xạ được nhiều chuyên gia quan tâm tại Hội nghị pháp quy hạt nhân năm 2015 diễn ra tại Đà Lạt mới đây.

Tập trung về Đà Lạt?

Mỗi năm, lượng thiết bị công nghiệp, y tế có sử dụng nguồn phóng xạ tăng khoảng 10%. Theo thông tin từ Cục An toàn bức xạ (Bộ Khoa học - công nghệ), cả nước hiện có gần 4.000 nguồn phóng xạ, trong đó hơn 1.800 nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, trở thành rác phóng xạ cần được lưu giữ, xử lý tập trung theo một quy trình an ninh chặt chẽ, nhằm tránh gây hậu quả khó lường cho người dân và môi trường xung quanh.

Hiện đa số các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng được giao cho chính các đơn vị sử dụng - là các cơ sở công nghiệp, y tế - lập kế hoạch lưu giữ, bảo vệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Ông Vương Hữu Tấn, cục trưởng Cục An toàn bức xạ (Bộ Khoa học - công nghệ), cho biết cục đang tính phương án đưa các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng về lưu giữ tại bãi thải phóng xạ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Ông Tấn cho biết nếu để cho các cơ sở công nghiệp, y tế lưu giữ, bảo quản các nguồn phóng xạ phế thải sẽ dễ dẫn đến tình trạng thất lạc, mất mát hoặc không tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn phóng xạ, gây nguy hại cho cộng đồng.

Ông Tấn lý giải lý do chọn bãi thải của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt làm nơi tập kết nguồn phóng xạ phế thải:

“Viện là nơi hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu phóng xạ nên có kinh nghiệm và kỹ thuật lưu trữ tốt. Viện cũng là nơi được đảm bảo an ninh hạt nhân tốt nhất, trong khi bãi thải của viện vẫn chưa sử dụng tối đa sức chứa”.

Dân ở đâu cũng sợ hạt nhân

Hàn Quốc phát triển công nghệ hạt nhân từ những năm 1960 nhưng đến gần đây mới tính toán xây dựng bãi thải phóng xạ quốc gia.

Họ đã gặp khó khăn trong việc chọn địa điểm xây dựng bãi thải, do người dân tại nơi được chọn xây dựng bãi thải phản đối.

Dù quy trình đảm bảo an toàn bức xạ được đảm bảo ở mức cao, nhưng người dân lo sợ tất cả các vấn đề liên quan đến hạt nhân.

(Theo Cục An toàn bức xạ)

Trong khi đó, một cán bộ cấp cao Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt lại nhận định nguồn phóng xạ phế thải trong lĩnh vực công nghiệp, y tế thường đa dạng kích cỡ, trọng lượng, hoạt độ nên kho chứa thải của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt không thể nào lưu giữ được hết nguồn phóng xạ phế thải hiện có tại Việt Nam.

Một lý do khác, bãi thải của viện thiết kế dành riêng cho việc nghiên cứu công nghệ hạt nhân, nên chỉ phù hợp với một số loại rác thải phóng xạ nhất định.

Cán bộ này nhấn mạnh: “Bãi thải của viện không thể trở thành nơi tập kết hàng loạt nguồn phóng xạ phế thải của các cơ sở công nghiệp tại Việt Nam.

Viện chỉ hỗ trợ các bệnh viện trong việc lưu giữ nguồn phóng xạ phế thải, vì các cơ sở y tế chật chội nên khó cách ly nguồn phóng xạ đến vị trí an toàn như mong muốn, dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân, người dân, y bác sĩ.

Các cơ sở công nghiệp phải tự tổ chức lưu giữ hoặc có nguồn kinh phí riêng để tổ chức lưu giữ, xử lý nguồn thải phóng xạ sau sử dụng”.

Bối rối

Nhiều cán bộ quản lý an toàn bức xạ tại các cơ sở công nghiệp cho biết đang lo lắng về việc không biết sẽ xử lý rác phóng xạ như thế nào.

Ông Trần Đại Tính, chuyên gia quản lý an toàn bức xạ Công ty Vietsovpetro, cho biết trong khoảng năm năm tới hàng loạt thiết bị có chứa nguồn phóng xạ của công ty sẽ tới hạn ngưng hoạt động cần lưu giữ hoặc tiêu hủy, nhưng hiện tại các phương án cho việc này vẫn còn đang bỏ ngỏ.

“Địa chỉ mà công ty muốn gửi là bãi thải của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nhưng không chắc chắn sẽ được nhận, vì bãi thải của viện không được quy định phải tiếp nhận rác thải phóng xạ của đơn vị khác.

Nếu tự tổ chức lưu giữ thì khó lòng mà một đơn vị kinh tế đảm bảo được. Đặc biệt, vấn đề an ninh nguồn phóng xạ thì lại càng hết sức khó khăn. Mất cắp hoặc thất lạc là giả thuyết hoàn toàn có thể xảy ra” - ông Tính nói.

Bà Nguyễn Thị Ngà, phụ trách an toàn bức xạ Xí nghiệp xây lắp thuộc Vietsovpetro cho biết: “Mới đây công ty có sáu thiết bị được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khuyến cáo không còn đảm bảo an toàn theo quy chuẩn quốc tế.

Công ty đi tìm nơi xử lý nhưng hết sức khó khăn, không có nơi nào nhận lưu giữ vì thiết bị chứa nguồn phóng xạ có trọng lượng lớn. Hiện chúng tôi đang có 15 máy sử dụng nguồn phóng xạ dùng trong công nghiệp, giờ không biết phải gửi ở đâu khi sắp tới một số máy sẽ tới hạn phải cất giữ hoặc tiêu hủy”.

Các chuyên gia phụ trách an toàn bức xạ tại các bệnh viện lớn có thế mạnh về y học hạt nhân như Bạch Mai, Ung bướu...với quy mô hàng chục thiết bị có nguồn phóng xạ đều bày tỏ sự khó khăn, không thể chủ động chuẩn bị địa điểm để xử lý rác phóng xạ phát sinh.

Hiện cả nước có bốn đơn vị có bãi chứa nguồn phóng xạ đã qua sử dụng thuộc Liên đoàn Vật lý địa chất (Tổng cục Địa chất) và các đơn vị thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam như Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm Đánh giá không phá hủy NDE. Tuy nhiên do nằm giữa khu dân cư nên từ năm 2013 kho chứa chất thải phóng xạ của Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, Trung tâm Đánh giá không phá hủy NDE không nhận lưu giữ thêm các nguồn phóng xạ của các đơn vị khác.

Sớm lập bãi thải phóng xạ quốc gia

Chuyên gia Nguyễn Tiến Mạnh (Cục An toàn bức xạ) cho rằng để giảm lượng rác thải phóng xạ phát sinh trong thời gian tới cần yêu cầu các tổ chức làm dịch vụ xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ hoặc các cơ sở công nghiệp, y tế tự nhập khẩu nguồn phóng xạ phải cam kết trả lại nhà sản xuất nguồn (chủ yếu ở nước ngoài).

Cam kết trên gửi kèm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu nguồn phóng xạ. Nếu không có cam kết, coi như cơ sở chưa đủ điều kiện để được cấp phép nhập khẩu nguồn phóng xạ.

Theo thống kê, lượng thiết bị có nguồn phóng xạ tăng hằng năm khoảng 10%, lượng rác thải phóng xạ phát sinh cũng tăng mức tương đương.

Các chuyên gia nhấn mạnh phải nhanh chóng có bãi thải quốc gia nguồn phóng xạ, yêu cầu này càng khẩn thiết khi thời gian triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đang đến gần, lượng rác thải phóng xạ sẽ tăng nhiều lần.

Bãi thải này sẽ là nơi được thiết kế để lưu giữ nguồn phóng xạ phế thải từ các cơ sở công nghiệp, y tế trên toàn quốc.

Chuyên gia Nguyễn Nữ Hoài Vi (Cục An toàn bức xạ) cho rằng: “Việc không có cơ sở lưu giữ quốc gia đã khiến các cơ sở sử dụng lưu giữ nguồn phóng xạ phế thải trong điều kiện không an toàn và an ninh”.

Nếu bãi thải quốc gia được thành lập thì đây sẽ là cơ quan chuyên nghiệp xử lý rác thải phóng xạ với tất cả các bước: tháo dỡ, vận chuyển, lưu giữ và chôn vĩnh viễn. Các cơ sở là chủ sở hữu nguồn phóng xạ phế thải phải chi trả kinh phí để xử lý theo quy định.

Ông Mạnh giả định: nếu để các cơ sở công nghiệp, y tế tự quản lý và bảo vệ thiết bị chứa nguồn phóng xạ thì lỡ các cơ sở này phá sản, giải thể thì nguồn phóng xạ đã qua sử dụng sẽ trở thành vô chủ, không có ai quản lý và chịu trách nhiệm.

Đó là việc rất nguy hiểm do dễ gây thất lạc. Bãi thải phóng xạ quốc gia sẽ giải quyết được chuyện này. Liên tưởng đến hai trường hợp thất lạc nguồn phóng xạ tại TP.HCM vào năm 2014 và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2015, ông Mạnh nói: “Hai trường hợp nguồn phóng xạ thất lạc này đều đã qua sử dụng và do các đơn vị công nghiệp tự quản lý. Khó có thể nói việc này sẽ không lặp lại, vì đặc điểm của thiết bị đã qua sử dụng rất dễ bị lãng quên, không được chú ý bảo vệ thường xuyên”.

Ông Vương Hữu Tấn, cục trưởng Cục An toàn bức xạ, khẳng định phải sớm thành lập bãi thải phóng xạ quốc gia và công ty quản lý chất thải phóng xạ để quản lý nguồn phóng xạ sau sử dụng một cách tập trung, an toàn.

“Đây là một trong những tiêu chí cần thực hiện để phát triển khoa học hạt nhân tại Việt Nam mà IAEA khuyến nghị” - ông Tấn nói.

Theo ông Tấn, đến thời điểm này việc cần thiết để có bãi thải phóng xạ quốc gia đã rõ, lộ trình thành lập bãi thải sẽ căn cứ vào thời gian xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Vi phạm an toàn bức xạ ngày càng tăng!

“Năm 2013, Cục An toàn bức xạ và sở khoa học - công nghệ các tỉnh đã tiến hành thanh tra các cơ sở công nghiệp, y tế trên toàn quốc và xử phạt 57 đơn vị vi phạm các quy định 

về an toàn bức xạ với tổng số tiền 360 triệu đồng. Trong năm 2014, cũng qua thanh tra về an toàn bức xạ, các cơ quan chức năng đã xử lý tổng cộng 80 đơn vị và xử phạt hơn 600 triệu đồng”.

Ông Vương Hữu Tấn (cục trưởng Cục An toàn bức xạ)

 

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên