Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hiền chất vấn các sở về quản lý trò chơi bắn cá - cờ bạc trá hình - Ảnh: Tự Trung |
Trong nhiều vấn đề, các lãnh đạo sở ngành tranh thủ “báo cáo thành tích”, còn trái bóng trách nhiệm được “chuyền” từ sở này sang ngành khác.
Trình bày khó khăn
“Sở ngành nào cũng đặt ra yêu cầu phải có sự phối hợp đồng bộ. Nơi nào cũng đổ tại các sở ngành khác không phối hợp với mình nên công việc không chạy. Vậy ai là người chủ trì sự phối hợp này? Và sự phối hợp ở đây ra sao?” - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm thốt lên như vậy khi nghe người đứng đầu các sở ngành có liên quan trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của TP dành phần lớn thời gian... trình bày khó khăn.
Ông Lê Văn Khoa, giám đốc Sở Công thương, lập luận: Nguồn cung thực phẩm thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khi đưa vào lưu thông là trách nhiệm của Sở Công thương.
“Dù trách nhiệm của chúng tôi là ở khâu phân phối, nhưng bản chất nguồn gốc thì nơi cung ứng là quan trọng. Hệ thống cung ứng của TP chúng ta không đủ” - ông Khoa nói.
Sau phần báo cáo “những việc mà ngành mình đã làm được” và bị Chủ tịch HĐND TP ngắt lời, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Phước Trung đánh giá: “Tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất mà chúng ta chưa thực hiện được mạnh mẽ trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm là những vấn đề liên quan... thể chế”.
Ông Phan Hoàng Kiếm, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, tham gia trả lời chất vấn cũng với phần mở màn là phần báo cáo kết quả trong năm qua. Chủ tịch HĐND TP nhắc: “Ở đây, các đại biểu hỏi rằng vì sao tình hình vệ sinh thực phẩm còn phức tạp? Vai trò, trách nhiệm của quản lý thị trường ra sao, giải pháp thế nào?”.
Tuy nhiên, ông Kiếm không đưa ra được giải pháp cụ thể nào mà chỉ bày tỏ mong muốn “các sở ngành cần... phối hợp đồng bộ”.
Đại biểu Từ Minh Thiện nhận xét: “Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm có liên quan tới ba sở. Sở nào cũng nói rằng có biện pháp rất chặt chẽ, nhưng cuối cùng tình trạng vi phạm vẫn tràn lan và người dân vẫn không yên tâm”.
Một game bắn cá dính tới ba sở
Câu chuyện về sự phối hợp giữa các cơ quan ngay sau đó lại nóng lên khi các sở trả lời đại biểu về vấn đề cấp phép, kiểm tra các điểm kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online) và các điểm game bắn cá núp bóng cờ bạc.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hiền (huyện Củ Chi) chất vấn: “Trò chơi máy bắn cá là trò cờ bạc trá hình, rất tinh vi trong khi cấp giấy phép rất dễ dàng, đề nghị tính toán lại việc cấp giấy phép”.
Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Sử Ngọc Anh nói kinh doanh trò chơi game bắn cá là ngành kinh doanh có điều kiện. Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 nhưng chưa có thông tư hướng dẫn thi hành.
“Nhưng tất cả việc này không thể đổ lỗi khách quan cho pháp luật. Sở đã mời những đơn vị liên quan ngồi với nhau bàn giải pháp quản lý chặt, không để biến tướng, lôi kéo học sinh” - ông Anh nói.
Chưa hài lòng với phần trả lời này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi lại: “Tôi muốn biết biện pháp nào được đưa ra sau cấp phép và những cơ quan nào có trách nhiệm liên quan tới vấn đề này?”. Trả lời Chủ tịch HĐND TP, ông Anh nói hậu kiểm là UBND quận huyện hoặc Sở Thông tin - truyền thông TP.
Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Lê Quốc Cường giải thích: Quản lý trò chơi trực tuyến tức game online thuộc phạm vi và trách nhiệm quản lý của Sở Thông tin - truyền thông.
Còn những hình thức game khác không kết nối mạng như trò chơi bắn cá là phạm vi quản lý của Sở Văn hóa - thể thao, còn cấp giấy phép kinh doanh là Sở Kế hoạch - đầu tư.
Được chỉ định trả lời, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Nguyễn Văn Minh cho biết game bắn cá tập trung nhiều nhất ở khu vực ngoại thành. “Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng văn hóa thông tin tăng cường kiểm tra giám sát, xử phạt”.
Theo ông Minh, đây là việc phức tạp ở chỗ không cho khảo sát trước mà cứ cấp giấy phép, thậm chí có những doanh nghiệp được cấp tại khu vực trung tâm nhưng lại cho chi nhánh hoạt động ở ngoại thành, gây khó khăn cho việc kiểm tra xử lý. “Rõ ràng công tác phối hợp này cần phải xem lại” - bà Quyết Tâm nói.
Chủ tịch quận không hiểu đồ án quy hoạch
Đăng đàn gần cuối chương trình chất vấn, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín làm nóng nghị trường bằng sự bức xúc trước thực trạng “Sở ngành thì nói xóa hết quy hoạch “treo” rồi mà đi đâu cũng nghe dân kêu về quy hoạch”.
Ông Tín nói thêm: “Bộ phận cán bộ cơ sở còn máy móc, còn quan liêu lắm - cái đó tôi phải công nhận”.
“Tôi xuống địa phương thấy có công khai treo lên cho dân coi thật. Nhưng hỏi anh chủ tịch có đọc cái đồ án này không thì anh nói không đọc được, không hiểu được. Hỏi phòng quản lý đô thị thì cả phòng chỉ có một anh chuyên viên đọc được” - ông Tín kể. Ông Tín đặt vấn đề: “Treo đồ án mà không phân tích, không đọc, không giải thích thì làm sao dân hiểu?”.
Ông Tín cho biết thêm khi Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP đi giám sát 10 dự án mà dân kêu là dự án “treo”, UBND TP đã triệu tập 10 chủ tịch quận huyện lên làm việc.
“Triệu tập lên mới thấy có nhiều việc cứ nạnh hẹ nhau cả năm trời không làm, không giải quyết cho dân, trong khi các đồng chí ở địa phương có đủ thẩm quyền giải quyết” - ông Tín nói.
Ông Tín yêu cầu giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc phải liên hệ, kết nối với chủ tịch UBND 24 quận huyện để chấn chỉnh ngay việc công khai quy hoạch không thực chất, làm sao cho người dân phải tiếp cận rõ thông tin quy hoạch.
“Ngay cả cấp phép xây dựng cũng vậy. Tôi muốn nói khâu tổ chức thực hiện phải đeo bám thực tế, theo sát nguyện vọng người dân để xử lý. Trường hợp nào người dân đủ điều kiện mà không cấp giấy thì báo cáo để xử lý cán bộ” - ông Tín nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Xây dựng TP: “Tôi thường xuyên nhận được phản ảnh về cán bộ nhũng nhiễu” Phó Ban pháp chế HĐND TP Trương Lâm Danh chất vấn: “Những kỳ họp trước tôi nghe giám đốc Sở Xây dựng hứa sẽ xử nghiêm xây dựng không phép. Nhưng tình hình xây dựng không phép thời gian gần đây lại có chiều hướng tăng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?”. Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết ông rất trăn trở về đội ngũ cán bộ, đặc biệt lực lượng thanh tra xây dựng. Từ tháng 6-2013 đến nay, đội ngũ có nhiều chuyển biến về năng lực, đạo đức, tác phong nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận. “Cá nhân tôi thường xuyên nhận được phản ảnh chuyện này. Chúng tôi đã kiểm tra, xác minh, thậm chí xử lý kỷ luật” - ông Tuấn nói. Giải pháp ông Tuấn đề ra là phải tiếp tục giáo dục đạo đức công vụ, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, nhất là các đội trưởng, tổ trưởng, các đảng viên trong đơn vị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận