05/01/2020 12:22 GMT+7

Chất lượng đào tạo lái ôtô nằm ở đâu?

NGUYỄN XUÂN TRUNG
NGUYỄN XUÂN TRUNG

TTO - Đào tạo lái xe rõ ràng có liên quan đến tai nạn và ùn tắc giao thông. Những năm qua, nhiều biện pháp "nâng cao chất lượng đào tạo" đã liên tục được thực hiện, gần đây nhất là một quy định mới được ban hành. Nhưng liệu như vậy đã đủ chưa?

Chất lượng đào tạo lái ôtô nằm ở đâu? - Ảnh 1.

Nhiều người đi học và thi lái ôtô tại Trung tâm sát hạch lái xe Hoàng Gia (huyện Bình Chánh) - Ảnh: LONG HOÀNG

Giám sát bằng công nghệ, khỏi... trốn 

Thực hiện theo quy định mới, trên xe tập lái và trong phòng học lý thuyết sẽ có các thiết bị nhận dạng khuôn mặt, vân tay để theo dõi thời gian học, số kilomet thực hành của từng học viên. Dữ liệu theo dõi sẽ được truyền về Tổng cục Đường bộ để giám sát trực tuyến.

Người học lái xe phải có đủ số giờ học, số kilomet và đạt kết quả kiểm tra mới được dự sát hạch. Quá trình sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng được giám sát trực tuyến hầu như toàn bộ, từ lý thuyết đến thực hành. Các dữ liệu này còn được lưu trữ tập trung để phân tích, nghiên cứu đến từng học viên, giáo viên và từng chiếc xe tập lái trên quy mô toàn quốc.

Vì vậy, so với theo dõi bằng sổ sách (lưu ở cơ sở đào tạo) và camera giám sát (lưu ở trung tâm sát hạch) như hiện nay, giám sát tập trung bằng công nghệ sẽ loại trừ được nhiều tiêu cực từ cả học viên, giáo viên và sát hạch viên.

Điều này đảm bảo rằng người học được học đủ thời lượng, được sát hạch đúng cách và đạt được kết quả đào tạo như thiết kế của chương trình. Và rõ ràng là sẽ có chất lượng hơn so với khi học tắt, học nhanh hay đạt sát hạch theo kiểu "bao đậu".

Đào tạo phải hướng tới thái độ tài xế 

Theo cá nhân tôi, tăng số giờ thực hành lái xe không giúp làm giảm vi phạm và TNGT, mà điều cần thiết là các chương trình đào tạo lái xe phải hướng tới thái độ và hành vi lái xe an toàn. Nghĩa là chương trình đào tạo phải được thiết kế với mục tiêu lái xe an toàn.

Như vậy, quản lý chất lượng đào tạo lái ôtô bằng cách kiểm soát rõ ràng là chưa đủ. Hiện nay trong giáo dục, kiểm soát chất lượng đã trở nên lạc hậu và được thay bằng đảm bảo chất lượng, bao gồm chất lượng nhà giáo, chất lượng chương trình đào tạo và chất lượng cơ sở đào tạo. Bước sau cùng là chương trình, cơ sở đào tạo phải được kiểm định chất lượng và công bố bởi các tổ chức kiểm định quốc gia hoặc khu vực và quốc tế.

Do đó, đảm bảo và kiểm định chất lượng vừa là con đường để ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, vừa là cách thức hiệu quả để cam kết trách nhiệm, xây dựng thương hiệu, uy tín với người học nói riêng và với toàn xã hội nói chung.

Tuy nhiên, đào tạo lái ôtô, với vị trí là một nghề trình độ sơ cấp, vẫn chưa từng được quy định hay thực hiện đảm bảo chất lượng cũng như kiểm định chất lượng.

Chất lượng đào tạo lái ôtô nằm ở đâu? - Ảnh 2.

Giáo trình các môn học lý thuyết lái ôtô xuất bản năm 2018 - Ảnh: NGUYỄN XUÂN TRUNG

Chất lượng đào tạo chưa đạt chuẩn?

Có 7 tiêu chí kiểm định chất lượng một chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, chỉ cần không đạt một tiêu chí là không đạt chuẩn.

Qua sơ bộ đánh giá, có thể thấy rằng chương trình đào tạo lái ôtô mới vừa ban hành không đạt ít nhất hai tiêu chí là (4) Chương trình, giáo trình và (7) Giám sát, đánh giá chất lượng. Do đó chưa đạt chuẩn quốc gia theo quy định trong giáo dục nghề nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH - Lê Quân, để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới, bộ này đã xác định triển khai thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp, trong đó "Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng" là một trong 3 nhóm giải pháp đột phá. Theo tôi, đây có lẽ cũng là nhóm giải pháp đột phá để tiếp tục "nâng cao chất lượng đào tạo lái ôtô".




Cụ thể là chương trình đào tạo không có mục tiêu, không có "yêu cầu năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp" và chưa "đưa ra được phương pháp đánh giá kết quả học tập, xác định mức độ đạt chuẩn đầu ra".

Còn giáo trình các môn học lý thuyết cũng không có mục tiêu, bài tập (hoặc câu hỏi) và yêu cầu đánh giá kết quả học tập của chương, bài. Môn học thực hành lái xe không có cách thức đánh giá nhiều khoa mục luyện tập trên đường giao thông công cộng, đặc biệt là về an toàn và ý thức chấp hành pháp luật.

Việc giám sát, đánh giá chất lượng, chủ yếu bao gồm "thu thập ý kiến của đơn vị sử dụng lao động", "đánh giá về chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo và sự phù hợp của chương trình đào tạo với vị trí việc làm của người tốt nghiệp", chưa từng được thực hiện trong đào tạo lái ôtô, dĩ nhiên là chỉ với lái xe chuyên nghiệp (từ hạng B2 trở lên).

Từ nay học lái xe, phải học thêm 2 tiếng về tác hại của rượu, bia Từ nay học lái xe, phải học thêm 2 tiếng về tác hại của rượu, bia

TTO - Kể từ ngày 1-1-2020, những người học thi lấy bằng lái xe phải học thêm 2 tiếng về nội dung phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

NGUYỄN XUÂN TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên