03/01/2019 18:44 GMT+7

Charlotte - một hình dung khác về tiểu thuyết đương đại

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TTO - Charlotte (David Foenkinos, Hoàng Nhụy dịch) đem đến cho người đọc một hình dung khác về tiểu thuyết đương đại. Bạn sẽ hỏi đâu là chỗ cho hư cấu?

Charlotte - một hình dung khác về tiểu thuyết đương đại - Ảnh 1.

Ảnh: N.V.N.

Charlotte Salomon, họa sĩ người Do Thái, bị sát hại trong Thế chiến II khi mới 26 tuổi và đang mang thai ở tháng thứ năm.

Câu chuyện bi thương đó được trải ra trên trang viết khá lạnh lùng, chỉ chưa đến hai trang mô tả cái chết trong trại tập trung diệt chủng, không trực tiếp, nếu không muốn nói là "nhẹ hều" so với toàn bộ tiểu sử cuộc đời Charlotte.

Trong bối cảnh cái chết cận kề, người mẹ trẻ đang mang thai Charlotte nói như ký thác trước những kẻ vô luân: "Tôi là một họa sĩ".

Đó là một cuộc đời nặng nề với nhiều ẩn ức. Ám ảnh về chuyện những người đàn bà ruột thịt trong gia đình lần lượt tự sát, sự "lạc lối" của những người đàn ông mà cô nhìn thấy, yêu thương trong cuộc đời... đã tạo nên các góc khuất, uẩn khúc trong đời sống tinh thần của người đàn bà bé nhỏ.

Một Charlotte được tái hiện giữa những khắc khoải đời riêng với những xô đẩy của bối cảnh từ gia đình đến trường học, từ khát vọng tự do sáng tạo với môi trường nghệ thuật trong bối cảnh toàn trị, từ nước Đức thời cuồng tín chủ nghĩa dân tộc cực đoan đến trại tập trung diệt chủng Do Thái.

Cuốn tiểu thuyết thành công khi tạo ra được sự tương phản mạnh mẽ giữa một không gian bị bủa vây bởi những bức tường, những áp đặt của thứ lý thuyết độc đoán đã tạo ra "những màn hành quyết nghệ thuật", hủy diệt quyền tự do sáng tạo với một Charlotte "chọn đứng về phe những nghệ sĩ bị khinh miệt", "hứng thú với những bước tiến triển của hội họa".

Khởi đầu là cuộc tiếp xúc tình cờ của David Foenkinos với tác phẩm của Charlotte tại một triển lãm ở Berlin và từ đó, nhà văn bước vào một vùng miền thời gian khác, nơi ông chạm vào một "sự sống lặng thinh", một cuộc quẫy đạp kiếm tìm tự do trong sáng tạo của Charlotte và những nghệ sĩ sống chết cho sáng tạo giữa đời sống gông cùm.

David Foenkinos đôi khi bước thẳng vào văn bản để thuật lại quá trình sưu khảo tài liệu tiểu sử của mình. Nhà văn trong vai một nhà biên khảo chính hiệu, làm cho cuốn tiểu thuyết toát lên sắc thái của sự khám phá sử liệu cá nhân, chứ không lệ thuộc vào năng lực bịa đặt của trí tưởng tượng.

Nếu những cuốn tiểu thuyết về các nhân vật trong quá khứ thường tạo cho người đọc cảm giác bán tín bán nghi bởi quyền năng hư cấu của các nhà văn, thì David Foenkinos cố tình triệt tiêu tính hư cấu và đẩy cao phong cách ngôn ngữ tiểu sử để Charlotte thực sự là một cuộc tái tạo tiệm cận đời thực, đi dần đến sự chân xác.

Bằng cách đó, Charlotte phục sinh dưới câu chữ gãy gọn, chối bỏ viễn mơ của David Foenkinos. Khi ấy, tiểu thuyết đã âm thầm chống lại sự quên lãng.

David Foenkinos

David Foenkinos (phải) trò chuyện với độc giả VN - Ảnh: N.N.

Nhà văn, nhà biên kịch người Pháp David Foenkinos sinh năm 1974, vừa có chuyến thăm Việt Nam, gặp gỡ độc giả tại Hà Nội và Sài Gòn vào tháng 11-2018. Các tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam: Những lần chia tay, Mối tình Paris, Chỉ tại vợ tôi gợi tình, Charlotte.

Với Charlotte, mỗi đoạn là một câu văn ngắn. Lối viết "rớt dòng" tạo ra khoảng trống văn bản gần như thơ, nhưng đó là thứ thi ca đang nhoài về phía tiểu sử, khiến ta nghĩ cuốn tiểu thuyết này là một bản lược khảo chuẩn xác và cô đọng.

Sách dở tràn lan, bộ trưởng 5 năm được tặng… 3 tấn sách Sách dở tràn lan, bộ trưởng 5 năm được tặng… 3 tấn sách

TTO - Hàng nghìn câu lạc bộ thơ nhưng không có thơ hay, hàng vạn đầu sách mỗi năm nhưng 70% là “sách vô bổ”, điện ảnh lai căng, sân khấu như người ốm phải hồi sức cấp cứu, còn bộ trưởng “phát khóc” vì 5 năm được tặng... 3 tấn sách.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên