Vào khoảnh khắc thành phố Sydney (Úc) lấp lánh dưới pháo hoa rực rỡ và hàng triệu người tụ tập ở Quảng trường Thời Đại (New York, Mỹ) để trao nhau những lời chúc mừng trong đêm giao thừa 31-12, tiếng bom đạn vẫn rền vang ở các điểm nóng xung đột tại Ukraine, Dải Gaza và Israel.
Thông điệp của Mỹ - Trung
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngay trước thềm năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận các doanh nghiệp ở nước này đã có khoảng "thời gian khó khăn" trong năm 2023, giữa bối cảnh hoạt động sản xuất suy giảm, tỉ lệ thất nghiệp kỷ lục ở giới trẻ, khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
"Trên đường đi, chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải những cơn gió ngược", ông Tập nói và khẳng định Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hồi phục kinh tế mạnh mẽ hơn vào năm 2024 và cải cách sâu rộng để giữ vững phát triển kinh tế. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không quên khẳng định ý chí "thống nhất" Đài Loan - hòn đảo chuẩn bị bước vào cuộc bỏ phiếu quan trọng trong tháng 1-2024.
"Trung Quốc chắc chắn sẽ được thống nhất và tất cả người Trung Quốc ở cả hai bên eo biển Đài Loan phải bị ràng buộc bởi ý thức chung về mục đích và chia sẻ vinh quang trong việc hồi sinh đất nước Trung Quốc", ông Tập dùng những lời lẽ mạnh mẽ hơn so với thông điệp năm ngoái khi gọi người dân ở hai bờ eo biển là "cùng một gia đình".
Trong năm qua, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng được theo dõi chặt chẽ. Ngày 1-1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập đã gửi lời chúc mừng đến Tổng thống Mỹ Joe Biden nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa hai cường quốc nằm bên bờ Thái Bình Dương.
Ông Tập cho biết việc hai nước thiết lập mối quan hệ là "một sự kiện lớn" trong lịch sử và khẳng định sẵn sàng hợp tác với ông Biden để định hướng quan hệ song phương.
Mối quan hệ Mỹ - Trung lạnh nhạt đang được hâm nóng thời gian qua với các chuyến thăm Bắc Kinh của các quan chức Mỹ và ông Tập đến Mỹ vào cuối năm 2023, được đánh giá là cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đối với Mỹ, năm 2024 đặc biệt quan trọng khi nước này sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống được dự đoán là cuộc đua giữa ông Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.
"Tôi hy vọng người dân hiểu rằng chúng ta đang ở vị thế tốt hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để dẫn đầu thế giới. Chúng tôi sẽ quay trở lại, và đã đến lúc" - tờ New York Times dẫn lời ông Biden nói, không quên nhắc rằng thêm 14 triệu người Mỹ đã có việc làm sau thời gian khó khăn do đại dịch.
Các điểm nóng vẫn nóng
Phát biểu từ điểm nóng Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định nước này đã trở nên mạnh mẽ hơn khi vượt qua những khó khăn trong cuộc chiến với Nga kéo dài gần hai năm.
"Cho dù kẻ thù có phóng bao nhiêu tên lửa, cho dù có bao nhiêu cuộc pháo kích và tấn công hèn hạ, tàn nhẫn, quy mô lớn nhằm khuất phục, đe dọa, đánh gục Ukraine, đẩy nước ta vào lòng đất, chúng ta vẫn sẽ trỗi dậy" - Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Zelensky nói, trong đó ông đề cập đến từ "chiến tranh" 14 lần trong bài phát biểu dài 20 phút.
Trong đêm giao thừa, Ukraine hứng chịu các đợt không kích lớn từ Nga khi cuộc chiến tiếp tục tăng nhiệt.
Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin - người chuẩn bị tham gia cuộc bầu cử vào tháng 3-2024 - chỉ đề cập thoáng qua về cuộc chiến ở Ukraine, ca ngợi những người lính "anh hùng" và nhấn mạnh đến sự đoàn kết và quyết tâm chung.
"Chúng ta đã hơn một lần chứng minh rằng chúng ta có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất và sẽ không bao giờ rút lui, bởi vì không có thế lực nào có thể chia rẽ chúng ta", ông Putin nói trong bài phát biểu ngắn gọn kéo dài bốn phút ở Điện Kremlin.
Ở Gaza và Israel, người dân đón giao thừa trong tiếng pháo kích của Tel Aviv khắp Dải Gaza và Hamas tấn công vào Israel. Tổng thống Israel trong thông điệp năm mới đã kêu gọi thế giới hành động để giải cứu khoảng 133 con tin còn lại ở Gaza, trong khi quân đội nước này tuyên bố sẵn sàng cho cuộc chiến "trong suốt năm 2024".
Tại điểm nóng ở Đông Bắc Á, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ đạo quân đội nước này phải sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cứng rắn nhất để tiêu diệt Mỹ và Hàn Quốc trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên "tiến gần đến bờ vực xung đột vũ trang".
Đức kêu gọi người dân tin vào tương lai
Ở châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết năm 2024 sẽ là "năm của niềm tự hào của nước Pháp" được đánh dấu bằng Thế vận hội mùa hè Olympic Paris 2024 và việc mở cửa trở lại nhà thờ Đức Bà sau trận hỏa hoạn kinh hoàng năm 2019.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chia sẻ năm 2023 có "rất nhiều đau khổ và đổ máu", đề cập đến hai cuộc xung đột lớn Ukraine - Nga và Israel - Hamas, và kêu gọi người dân giữ niềm tin vào tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận