23/10/2013 10:38 GMT+7

Chẳng lẽ "trời kêu ai nấy dạ"?

Chị NGUYỄN THỊ KHUYÊN
Chị NGUYỄN THỊ KHUYÊN

TT - Sau tai nạn, người đàn ông quê Kiên Giang nằm thực vật chờ chết trong một bệnh viện tại TP.HCM. Chị vợ cũng thường trực 13 tháng trong bệnh viện để chăm chồng. Hai đứa con nhỏ bơ vơ phải tự bươn chải kiếm ăn, không học hành.

Kỳ 1: Bán mạng không văn tự Kỳ 2: Coi trọng lợi nhuận, xem nhẹ mạng người

Y6sIRwDY.jpgPhóng to
Chị Khuyên và nỗi đau gia đình vì tai nạn lao động - Ảnh: Lê Vân

Tất cả chỉ vì một tai nạn lao động của người cha, người chồng...

Ngày định mệnh

"Ngày anh ấy nhập viện, dù bác sĩ đã khuyên nên để ảnh đi sớm thì đỡ khổ cho ảnh sớm, tui cũng không chịu. Còn nước còn tát. Nhưng bây giờ tôi không nghĩ gì nữa. Tới đâu hay tới đó..."

Chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Khuyên ở Bệnh viện Điều dưỡng - phục hồi chức năng (Q.8, TP.HCM). Quê chị Khuyên ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Chị Khuyên mới 40 tuổi, là vợ anh Lê Văn Mạnh - bệnh nhân bị hôn mê sâu do nhiễm khí độc tại một công ty sản xuất giấy. Mỗi lần nhắc lại tai nạn của chồng, với chị Khuyên là một nỗi đau trở thành tiếng nấc nghẹn trong lời kể.

Tháng 7-2012, tai nạn đau lòng đã biến người chồng vốn khỏe mạnh đang gánh vác cả gia đình thành một người giờ chỉ nằm chờ chết.

Chị Khuyên kể: “Hai vợ chồng làm cùng công ty giấy tại Bình Dương. Ảnh làm ở khâu chế biến pha màu, tui làm ở khâu kiểm hàng. Lương hai vợ chồng được 12 triệu đồng/tháng, cuộc sống cũng ổn vì vợ chồng có hai đứa con đang tuổi đi học. Nhưng vào ngày 14-7-2012, lúc tui đang giao ca thì nhận được tin dữ: chồng tui và bốn người nữa bị nhiễm độc khí trong hầm chứa bột giấy. Hai người chết, hai người tuy đi lại được nhưng đã mất trí nhớ hoàn toàn. Còn anh Mạnh thì nằm đây, không biết gì nữa...”.

Không có đồ bảo hộ khi làm việc ở đây, chị Khuyên nói trong nước mắt: “Hồi nào tới giờ người ta sao mình vậy. Cứ quần cộc, đầu trần vào hầm làm thôi. Người ta nói với tui là đợt ấy công ty nghỉ mấy ngày, hầm bị đóng kín nên có khí độc. Mấy ổng không biết lao vào thế là dính”.

Sau tai nạn, công ty cũng hỗ trợ viện phí, chi phí phục hồi chức năng tại bệnh viện cho chồng chị. Nhưng nỗi đau của chị Khuyên không chỉ bởi người chồng nằm bất động trên giường bệnh, liên tục thở dốc trong ống ôxy mỗi khi khí tràn qua phổi. Chị còn đau đáu về hai đứa con đang bơ vơ ở nhà trọ tại Bình Dương - nơi trước kia hai vợ chồng chị làm việc. Cả hai đứa giờ đã nghỉ học, đứa lớn đi làm nuôi em vì cha mẹ phải ở viện hơn một năm nay.

Buông xuôi

Một năm chăm chồng nằm một chỗ, tiền bạc tiêu tán vì chị Khuyên cũng không đi làm được. Có người nói sao không đi đòi công ty bồi thường này nọ, chị bảo: “Họ lo cho viện phí rồi, giờ ảnh vậy, đòi hỏi chi nữa. Phải chi lúc trước mình đòi người ta trang bị đồ bảo hộ, phải chi mình cẩn thận thì đâu nên nỗi. Giờ nước mắt hết rồi, đợi ảnh “đi” khi nào đỡ cho ảnh khỏi đau đớn khi đó”.

Người phụ nữ gầy gò giấu những giọt nước mắt cô đơn trong căn phòng chỉ có tiếng thở khò khè của người chồng đang nằm bất động. Số phận của chị, của chồng, của hai đứa con cũng như bao gia đình lâm vào cảnh bất hạnh vì tai nạn lao động, mà lẽ ra họ phải được chứ không phải “trời kêu ai nấy dạ”!

Chủ doanh nghiệp vì chủ quan, vì lợi nhuận mà coi thường trang bị an toàn lao động; người lao động vì miếng cơm manh áo mà bất chấp hiểm nguy, cứ phải làm để có cái ăn. Vụ “kiện củ khoai” của gia đình ông thợ hồ Phạm Xưởng vẫn rơi vào vô vọng. Chưa biết kiện được gì, trước mắt là với hậu quả gãy cột sống, cậu con trai mới 19 tuổi của ông Xưởng sẽ không thể lao động nặng, chưa kể di chứng sau này đến sức khỏe của một thanh niên mới lớn.

Như con cá bỏ giỏ cua, người lao động tự do càng vẫy vùng càng trầy da tróc vẩy. Nhưng không lẽ bỏ dở cuộc mưu sinh? Gia đình ông Xưởng vẫn phải đi kiếm việc thợ hồ ở một công trình khác để có tiền trang trải. Chị Khuyên sau khi về quê vẫn còn gánh nặng hai đứa con nhỏ và ba má chồng già cả. Trên những công trình đang xây mới phục vụ cho cơ sở hạ tầng văn minh vẫn còn đó những bóng áo xanh chông chênh trên giàn giáo, trong hầm mỏ đối diện với bao nguy cơ. Trách nhiệm khi xảy ra sự cố không thể chỉ đổ lên đôi vai đang gồng gánh gia đình của người lao động.

Giải pháp mờ nhạt

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Việt, phó chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, về giải pháp bảo đảm môi trường lao động an toàn cho người lao động.

* Thưa ông, các vụ tai nạn lao động làm chết người tăng hằng năm, theo ông đâu là nguyên nhân?

- Có nhiều lý do, trong đó có thể kể đến những kẽ hở của luật để bảo vệ người lao động khi chưa bắt kịp thực tiễn. Bên cạnh đó là ý thức của doanh nghiệp trong giám sát, thực hiện Luật an toàn vệ sinh lao động, ý thức của chính người lao động khi không đòi hỏi những quyền chính đáng cho mình.

Một vấn đề nan giải khác là lao động thời vụ, lao động tự do. Họ chủ yếu xuất thân từ nông dân, khi mùa vụ qua thì lên thành phố tìm việc. Vì vậy không được đào tạo bài bản, không được bảo hộ về quyền lao động, trang bị an toàn khi lao động. Trong công tác thanh tra, kiểm tra cũng có chỗ khó, ví như địa bàn thành phố với hàng ngàn doanh nghiệp, đội công tác thanh tra an toàn lao động của sở hiện nay chỉ có 10 người làm không xuể.

* Nhưng phải có giải pháp chứ, thưa ông, chẳng lẽ bó tay thừa nhận thực trạng tệ hại này?

- Từ tháng 8 đến tháng 11-2013, sở cử người xuống tận doanh nghiệp để hướng dẫn công tác an toàn vệ sinh lao động. Song song đó là tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn lao động trên nhiều mảng, xử phạt nghiêm để răn đe. Sắp tới, sở sẽ công khai toàn bộ tên, địa chỉ của doanh nghiệp vi phạm lên báo chí, thông báo đến địa phương khi xử lý. Đây là việc gắn với thương hiệu của doanh nghiệp nên họ sẽ phải có ý thức hơn khi bảo đảm an toàn cho người lao động.

Chị NGUYỄN THỊ KHUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên