19/09/2018 19:34 GMT+7

Chân dung việc làm trong tương lai

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy một bức tranh rất khả quan về tương lai việc làm. Theo đó, có nhiều việc làm hơn dành cho cả con người và máy móc.

Chân dung việc làm trong tương lai - Ảnh 1.

Công nhân và máy móc làm việc cùng nhau trong một dây chuyền sản xuất ở Kazo, Nhật Bản - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là người lao động phải chuẩn bị và học những kỹ năng mới.

Thêm 58 triệu công việc

Theo báo cáo "Tương lai việc làm" vừa được WEF công bố, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và robot làm mất đi 75 triệu việc làm nhưng tạo ra 133 triệu việc làm mới. Viễn cảnh tương lai nhìn chung rất tích cực, vì các công ty có hiểu biết rõ nét hơn về những cơ hội mới do sự phát triển của công nghệ mang lại. Sau khi trừ số việc làm bị mất đi, vẫn còn 58 triệu công việc mới cho con người trong 5 năm tới.

"Tuy nhiên, công việc sẽ có sự thay đổi lớn về vị trí, chất lượng và cách thức: việc làm toàn thời gian, dài hạn sẽ giảm và tăng số lao động bán thời gian, làm tự do (freelancer) hoặc làm theo hợp đồng ngắn hạn. Tự động hóa sẽ được triển khai ở nhiều khâu hơn. Các công ty cần có bộ kỹ năng mới cho người lao động, vì trong tương lai công việc sẽ là sự kết hợp giữa máy móc với công nhân" - báo cáo viết.

Khảo sát của WEF dự báo máy móc sẽ làm 42% công việc ở công sở vào năm 2022 so với mức 29% hiện nay. Con người sẽ làm trung bình 58% giờ lao động chuyên môn vào thời điểm trên, giảm so với hiện nay là 71%.

Báo cáo của WEF căn cứ trên khảo sát với các nhà quản lý nhân sự, giám đốc chiến lược và giám đốc điều hành của 300 doanh nghiệp trên toàn cầu thuộc nhiều ngành. Những người trả lời đại diện cho hơn 15 triệu lao động ở 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi, đại diện khoảng 70% nền kinh tế thế giới.

Báo cáo kết luận triển vọng việc làm trong tương lai vẫn tích cực dù gần một nửa doanh nghiệp dự đoán số lao động toàn thời gian của họ sẽ giảm trong vài năm tới, do các công ty hiểu rõ hơn về cách công nghệ mới mang lại cơ hội cho công ty. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đầu tư vào nguồn nhân lực để duy trì tính cạnh tranh, Đài CNBC đưa tin.

Kỹ năng của tương lai

Cũng theo báo cáo trên, những kỹ năng tư duy phức tạp, tinh tế sẽ là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của người lao động bao gồm: tư duy phân tích và sáng tạo; học chủ động và có chiến lược; sáng tạo và có tư tưởng phát kiến; thiết kế và lập trình; tư duy phản biện và phân tích; khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp; kỹ năng lãnh đạo và tầm ảnh hưởng xã hội; trí tuệ cảm xúc; lập luận, giải quyết vấn đề, có sáng kiến; phân tích và đánh giá hệ thống.

Sở dĩ những kỹ năng trên được coi trọng vì hiện nay máy móc vẫn chưa thể thay thế con người trong những lĩnh vực cần tư duy phân tích và cảm xúc. Tuy nhiên, máy móc lại hơn hẳn chúng ta ở những thao tác chính xác từ đơn giản đến phức tạp và ưu việt hơn ở chỗ luôn lịch sự, không nghỉ phép, không đi trễ, không gặp sự cố sức khỏe, không già, không đòi tăng lương, không khiếu nại do bị phân biệt đối xử hay kỳ thị.

Đào tạo lại người lao động

Theo trang Big Think, tình hình sản xuất hiện tại cho thấy rất nhiều ngành nghề sẽ bị mất việc làm vào tay robot. Người lao động thiếu kỹ năng trong nhóm ngành được trả lương thấp sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.

Do đó, cần có chính sách ưu tiên giáo dục về công nghệ cho những người lao động trình độ thấp hiện nay để họ có thể chống chọi với thách thức trong tương lai và vượt qua. Tình hình hiện tại buộc người trẻ phải cân nhắc những cơ hội của mình, trong khi đa số những người trong độ tuổi 40-50 không muốn nghĩ tới việc đi học lại, theo báo The Guardian.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên