Ngán ngẩm với xe khách giường nằm
Chúng tôi giới thiệu các ý kiến của chuyên gia và cơ quan quản lý hướng đến việc tạo yên tâm cho người đi xe.
* PGS.TS Phạm Xuân Mai:
Xe khách giường nằm vẫn có ưu thế
Một số người trong ngành giao thông vận tải (GTVT) cho rằng xe khách giường nằm dễ gây tai nạn, điều này cần được nói rõ: xe khách giường nằm VN được thiết kế theo tiêu chuẩn VN và quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn. Thực tế tai nạn giao thông đã chứng minh từ năm 2011 đến 2013, toàn quốc có khoảng 40.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết khoảng 30.000 người, trong khi xe khách giường nằm là 18 vụ (chiếm 0,05%), làm chết 25 người (chiếm 0,08%) và lỗi chủ yếu phát sinh do hành vi lái xe, chất lượng đường sá và loại xe nâng cấp từ xe khách thường lên xe khách giường nằm, không đảm bảo kỹ thuật.
Số lượng xe khách giường nằm của cả nước hiện nay vẫn còn hạn chế nên vấn nạn nhồi nhét khách đã xảy ra, mặc dù chưa phải là mùa cao điểm như lễ tết. Đó là do người dân có xu hướng bỏ đường sắt, chuyển sang đường bộ vì có nhiều ưu điểm nổi trội như tính linh động, tiện nghi, phí vận chuyển rẻ hơn và đặc biệt là hành khách dễ dàng tiếp cận các điểm dừng, nghỉ và đến đúng nơi mình muốn với thời gian đi lại nhanh hơn. Nhu cầu vận chuyển hành khách đường bộ từ năm 2000 trở lại đây có tốc độ tăng trưởng cao trên 12%/năm (trong khi đường sắt chỉ là 1%/năm), vận chuyển hành khách đường bộ hoàn toàn chiếm ưu thế với thị phần 94-96% so với các loại hình vận tải khác.
Theo quy hoạch của Bộ GTVT, đến năm 2020 toàn quốc cần có 500.000 xe khách các loại, gấp 5 lần con số hiện nay, trong đó số xe khách đường dài cần khoảng 400.000 chiếc. Đây là nhu cầu rất lớn và Nhà nước đã thấy rõ xu hướng vận chuyển đường dài bằng xe khách sẽ còn tiếp tục diễn ra đến hết giai đoạn 2020-2030, khi VN đã cơ bản cải tạo xong hệ thống đường sắt.
Việc đi lại trên tuyến đường bộ Bắc - Nam thường mất 25-32 giờ, tức là ít nhất phải trải qua liên tục một ngày đêm. Do vậy ngoài về an toàn, nhu cầu về tiện nghi, thái độ phục vụ, thoải mái khi ngủ nghỉ là rất cần thiết. Hiện nay, các loại xe khách giường nằm đường dài đều do trong nước sản xuất với 40-43 chỗ ngồi. Hành khách có thể ăn nghỉ, đi vệ sinh trên xe và rút ngắn được thời gian đi lại của mình. Hành khách đi trên xe giường nằm đều có nhận xét tốt về sự tiện nghi, thoải mái, nhanh hơn và chi phí rẻ hơn tàu hỏa khá nhiều. Có thể nói trong 10-15 năm nữa, trong khi chờ đợi đường sắt cải tổ và phát triển lại, xe khách giường nằm sẽ vẫn là một phương tiện vận tải đường dài chủ lực, có nhu cầu lớn và hiệu quả cao.
* Ông Nguyễn Hữu Trí (phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN):
Không kiểm định xe giường nằm cơi nới
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Cục Đăng kiểm đã thông báo đến các cơ sở thiết kế và cơ sở thi công về việc dừng cải tạo ôtô khách thông thường thành ôtô khách giường nằm. Đồng thời Cục Đăng kiểm đã chấn chỉnh công tác kiểm định. Trong đó chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm từ chối kiểm định và đề nghị chủ xe khắc phục đối với những xe khách giường nằm có dấu hiệu lắp đặt thêm giường ở lối đi trên xe hoặc thiếu dây đai an toàn.
Để kiểm soát được quá trình kiểm định và có cơ sở giúp lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm cơi nới, lắp thêm chỗ, từ ngày 15-6 việc chụp ảnh khoang hành khách của ôtô vào kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm cũng được thực hiện. Hình ảnh này được lưu cùng hồ sơ kiểm định và in vào giấy chứng nhận kiểm định theo quy định của thông tư số 10/2014/TT-BGTVT. Cục Đăng kiểm cũng đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý việc duy trì tình trạng khoang hành khách của ôtô khách giữa hai kỳ kiểm định tại các bến xe, bãi đỗ xe của các công ty vận tải giống như việc kiểm tra duy trì kích thước thùng chở hàng của ôtô tải tự đổ giữa hai kỳ kiểm định theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng.
* Ông Nguyễn Văn Huyện (tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, nguyên chánh thanh tra Bộ GTVT):
Tăng cường kiểm tra đột xuất
Ngoài việc đăng kiểm từ chối kiểm định xe giường nằm cơi nới thêm chỗ, Tổng cục Đường bộ chỉ đạo thanh tra của tổng cục, các sở GTVT tăng cường kiểm tra đột xuất loại xe khách giường nằm tại các bến xe để đảm bảo an toàn. Một số xe đời cũ không có dây an toàn thì yêu cầu bổ sung đầy đủ.
Có một số kiến nghị là quy định cung đường hoạt động, hạn chế tốc độ khai thác của xe giường nằm để đảm bảo an toàn, tuy nhiên hiện nay việc quản lý xe khách vẫn theo quy định chung chứ chưa có quy định riêng cho xe giường nằm. Theo tôi, những cung đường đèo dốc, góc cua lớn cũng tiến tới hạn chế xe giường nằm hoạt động vì có vấn đề về ổn định của loại xe này. Tuy nhiên, muốn sửa quy định pháp lý hiện nay phải lấy ý kiến của các đơn vị, cơ quan liên quan để sửa quy định của nghị định, thông tư về kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Trong tháng 3-2014, lực lượng thanh tra GTVT đã thực hiện 445 cuộc kiểm tra xe khách giường nằm tại 57 tỉnh, thành trên cả nước. Qua kiểm tra 2.800 xe giường nằm đã phát hiện trên 1.200 lỗi vi phạm như: thiếu dây an toàn, thiếu búa thoát hiểm, lắp thêm ghế, giường nằm, tháo bỏ ghế, giường để chở hàng... Trong đó số xe vi phạm có đăng ký ở TP.HCM và Thanh Hóa chiếm nhiều nhất. Sau khi có kết quả kiểm tra, chánh thanh tra Bộ GTVT đã báo cáo Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị Chính phủ cần sớm bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động của xe khách. Đồng thời Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm chỉ kiểm định đối với những xe giường nằm khi chủ xe đã khắc phục những thay đổi về kết cấu không đúng quy định. T.P. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận