Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghe Đồng Nai báo cáo tiến độ đền bù, giải tỏa mặt bằng làm dự án sân bay - Ảnh: H.MI
Tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Thanh - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cùng một số bộ ngành liên quan đã nghe UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo về tiến độ dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Đại biểu Quốc hội lo ngại dự án chậm tiến độ
Ông Thanh nói thời gian để làm sân bay không còn nhiều nên các đại biểu Quốc hội lo ngại tiến độ chậm. Nhiều đại biểu cũng quan tâm việc tái định cư cho người dân, đào tạo việc làm, thời hạn giao mặt bằng vào cuối năm 2020 có kịp không...
Đại diện Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội cũng cho biết Quốc hội ban hành nghị quyết vào cuối năm 2017 để làm giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, nhưng đến nay tiến độ và giải ngân vẫn chậm trong khi tiền không thiếu, vậy nguyên nhân vướng mắc từ đâu.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để thực hiện dự án sân bay, Nhà nước cần thu hồi hơn 5.000ha đất của 18 tổ chức, gần 5.300 gia đình với hơn 15.000 nhân khẩu. Tổng nguồn vốn chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ổn định cuộc sống người dân gần 23.000 tỉ đồng.
Với dự án giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư giao Đồng Nai thực hiện, đến thời điểm này tỉnh đã thực hiện giai đoạn ưu tiên giải phóng mặt bằng 1.810ha, trong đó đã thu hồi 1.180ha của Tổng công ty Cao su Đồng Nai.
Ông Vũ Hồng Thanh nói về dự án sân bay Long Thành - Video: HÀ MI
Đối với 630ha của hơn 1.000 hộ gia đình, cá nhân đã phê duyệt, chi trả đền bù và đang tiếp tục áp giá, lập phương án bồi thường để bàn giao mặt bằng giai đoạn ưu tiên cho Bộ GTVT trong tháng 10-2020.
Đối với xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, sau hơn hai tháng thi công, khối lượng công việc của năm gói thầu ưu tiên đã hoàn thành hơn 50%.
"Các nhà thầu đang huy động nhân lực, máy móc làm việc ngày đêm trên công trường để hoàn thành trong tháng 10. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai đang chuẩn bị khởi công xây dựng trước các công trình trường học, trung tâm văn hóa và trụ sở UBND xã để đưa vào sử dụng đồng bộ, phục vụ người dân về sinh sống tại khu tái định cư" - ông Cao Tiến Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Cũng theo ông Dũng, với khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang xây hơn 280ha, tỉnh đã xác định là khu đô thị mới, hình thành những ngành nghề mới, gần khu công nghiệp...
Ban đầu người dân tự chọn nên lên phương án 2 khu tái định cư, nhưng khi làm khu Lộc An - Bình Sơn người dân thấy đẹp muốn ra đây. Vì vậy tỉnh sẽ phải xin điều chỉnh, không xây thêm khu tái định cư Bình Sơn để tránh lãng phí.
Với phần diện tích 3.180ha còn lại của dự án sân bay, UBND tỉnh Đồng Nai cho hay đã huy động thêm lực lượng, dốc sức cho việc đo đạc, kiểm đếm để áp giá cho xong vào cuối năm 2020 nhằm sớm đền bù, bàn giao mặt bằng này cho Bộ GTVT.
Hạ tầng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có quy mô hơn 280ha được chỉ đạo thi công ngày đêm - Ảnh: H.MI
Kết luận buổi làm việc, ông Thanh cho rằng việc giải phóng mặt bằng, đền bù là khâu khó khăn nhất của dự án nhưng Đồng Nai đã huy động thêm gần 100 cán bộ đến huyện Long Thành tổ chức đo đạc, kiểm đếm để hạn chế xảy ra sai sót, khiếu nại là đáng ghi nhận.
Ông Thanh nói đây là dự án trọng điểm quốc gia nên Quốc hội đã đồng ý cho tỉnh Đồng Nai áp dụng tối ưu các cơ chế, chính sách để thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do đó tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện để bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng.
Đồng thời lưu ý đến tâm tư, nguyện vọng của người dân, thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân trong diện giải tỏa, di dời để thực hiện dự án, chống trục lợi chính sách.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, để khi Đồng Nai bàn giao mặt bằng thì làm ngay dự án hạ tầng sân bay, tránh tình trạng để trống đất, dễ bị chiếm dụng...
Có chậm tiến độ, chậm giải ngân không?
Trả lời câu hỏi của đoàn công tác, ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết dù nghị quyết Quốc hội cho làm dự án nhưng đến tháng 11-2018 tỉnh mới được giao thực hiện 5 dự án thành phần gồm giải phóng mặt bằng, làm các thủ tục cho 2 khu tái định cư, đào tạo nghề trên khu dự án 5.000ha.
"Có hồ sơ làm theo Luật xây dựng, có hồ sơ làm theo Luật đất đai nên tỉnh phải tính toán đền bù, làm hạ tầng để "ráp" lại đồng bộ nhằm đuổi kịp thời gian đã được ấn định. Tất cả các thủ tục hồ sơ bồi thường, hợp đồng đã mất hết 1,5 năm.
Đến năm 2020 mới đền bù, làm tái định cư. Khi có khối lượng thật thì mới giải ngân được 10% số tiền trung ương đã rót xuống. Nếu nói Đồng Nai ôm tiền không giải ngân thì oan cho tỉnh vì phải có khối lượng công việc mới dám giải ngân được".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận