28/05/2022 08:56 GMT+7

Chậm giải ngân: lạ mà không lạ

TS Nguyễn Sĩ Dũng
TS Nguyễn Sĩ Dũng

TTO - Phát biểu trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phàn nàn rằng đầu tư công có tiền mà vẫn không tiêu được, "lạ quá!".

Chậm giải ngân: lạ mà không lạ - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt dài 208km đến nay mới đầu tư được 19km đoạn Liên Khương - Prenn (Đà Lạt) - Ảnh: T.T.D

Đúng là kiếm tiền mới khó, chứ tiêu tiền thì đâu có khó. Thế nên đầu tư công có tiền mà không tiêu được thì nghe có vẻ rất lạ.

Tuy nhiên lạ mấy rồi cũng thành quen. Bởi vì rằng giải ngân các dự án đầu tư công chậm trễ là chuyện xảy ra đã từ rất lâu. Không phải chỉ bây giờ, không phải chỉ năm nay và cũng không phải chỉ nhiệm kỳ này mới xảy ra. Nó là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm...".

Giải ngân đầu tư công chậm trễ là do những vướng mắc về thể chế, do sự thiếu quyết đáp, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm... và do cả sự sợ trách nhiệm.

Những vướng mắc về thể chế đã được tháo gỡ một bước. Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 1-2022, một loạt các sửa đổi, bổ sung cho Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật đấu thầu... đã được thông qua. 

Đã có một sự phân cấp, phân quyền khá mạnh cho các chủ thể ở cấp trung ương, cũng như ở cấp địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, cũng như các dự án hợp tác công tư. 

Đã có sự cho phép tiến hành trước một loạt các hoạt động liên quan đến việc mua sắm và lựa chọn nhà thầu cho các dự án sử dụng vốn ODA...

Vấn đề là để tháo gỡ những vướng mắc về thể chế thì phải nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Kiểu gì thì kiểu, các đạo luật vẫn khó có thể quy định một cách đủ chi tiết để có thể thi hành được ngay. 

Ngoài ra cũng cần xem xét thêm ngoài những vướng mắc đã được tháo gỡ còn có những vướng mắc nào nữa không. Có vẻ như những vướng mắc về thể chế rất nhiều, một kỳ họp bất thường khó có thể tháo gỡ hết được.

Sự thiếu quyết đáp, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm và sự sợ trách nhiệm gắn liền với nhau. Đã sợ trách nhiệm thì quả thực ít ai dám quyết đáp, dám nghĩ, dám làm. 

Có một thực tế là hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán... được tăng cường một mặt giúp cho hoạt động phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả hơn, mặt khác cũng làm cho đội ngũ cán bộ, công chức sợ trách nhiệm nhiều hơn. 

Bảo đảm một sự cân đối ở đây có lẽ rất quan trọng. Ngoài ra Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 14 về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tinh thần của kết luận này phải trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán... nói trên. 

Đồng thời Nhà nước cũng cần sớm thể chế hóa các chủ trương quan trọng của kết luận trên thành các quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Việc để giải ngân đầu tư công bị chậm trễ là rất đáng trách. Nhưng với không ít người, đáng trách thì vẫn ít rủi ro hơn là bị kỷ luật, bị áp đặt chế tài. Đây là lý do sâu xa nhất của hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, hiện tượng trình bẩm vòng vo hiện nay, mà việc giải ngân đầu tư công bị chậm trễ chỉ là một biểu hiện cụ thể.

Bảo đảm an toàn cho bản thân, bất chấp những tổn hại cho nền kinh tế, cho sự phát triển của đất nước quả thật là một "xu thế" rất thiếu lành mạnh. Với "xu thế" này, một mặt chúng ta cần đề cao các chuẩn mực của đạo đức công vụ, của trách nhiệm cá nhân. 

Mặt khác chúng ta cũng cần phải bảo vệ cho được những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Giải ngân đầu tư công chậm vì... đấu thầu cả tháng, giải phóng mặt bằng cả năm Giải ngân đầu tư công chậm vì... đấu thầu cả tháng, giải phóng mặt bằng cả năm

TTO - Các địa phương cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ngoài yếu tố khách quan như tăng giá nguyên vật liệu, thì gặp phải những vướng mắc trong triển khai quy trình thủ tục kéo dài, giải phóng mặt bằng...

TS Nguyễn Sĩ Dũng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên