Để có được niềm hạnh phúc vô bờ ấy, sáu năm ròng rã ông Lương Bá Huynh (thôn La Hà 1, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bỏ công việc cùng con đến lớp. 12 năm từ ngày con chào đời, ông vẫn cố giữ nụ cười để tạo nguồn lực cho đứa con trai thiếu may mắn của mình.
Con đường bêtông nhỏ chạy từ thôn La Hà 1 đến Trường THCS Nghĩa Thương, người dân đã quen với hình ảnh cháu Hiệp (lớp 6D Trường THCS Nghĩa Thương) đôi tay co quắp ngồi sau xe đạp bám chặt lấy người cha trên đường đến lớp.
Ngày đầu tiên con bước vào mẫu giáo, ông đứng ngoài cửa sổ nhìn con chồm người xem bạn đồ chữ cái rồi ngơ ngác nhìn quyển tập trước mặt mình. Cô giáo cố giữ tay thế nào Hiệp cũng không làm gì được ngoài những nét nguệch ngoạc.
“Tôi chỉ muốn vào ôm con về thôi, nhưng nhìn cháu vui khi chơi cùng bạn nên tôi nghĩ dù không học chữ, cháu cũng có được niềm vui”, ông Huynh tâm sự.
Để con viết được chữ như chúng bạn, ông Huynh chẳng thể nhớ đã bao đêm Hiệp ghì chặt đôi tay yếu ớt của mình tự cầm bút rồi khóc thét vì không thể làm được điều đơn giản đối với bao đứa trẻ khác.
Thương con, ông bỏ công việc để tập cùng, mất nửa năm Hiệp mới giữ được cây bút trên tay. “Đó là kỳ tích với gia đình tôi, bởi chính bác sĩ người Mỹ cũng nói cháu không thể cầm nắm bất cứ vật gì vì đôi tay quá yếu”.
Rồi Hiệp viết được chữ dù không đẹp. Lần đầu tiên Hiệp viết được hai chữ cha và mẹ, ông ôm lấy con sung sướng. Rồi ông bỏ luôn nghề thợ xây để đưa con đến trường.
Ông nói có thể lỡ hẹn với tất cả mọi người nhưng không bao giờ dám lỡ hẹn với Hiệp. Có lần ông đến muộn, Hiệp ngồi trong lớp khóc một mình, từ đó ông không dám đến muộn.
Bữa cơm trưa đạm bạc chỉ có hai cha con, bà Võ Thị Cường (47 tuổi) mẹ Hiệp đi bốc gạch thuê chưa về. Hai cha con ăn rồi lo sách vở, thay quần áo, cột chiếc gối lên yên xe rồi đến trường.
Tôi nhìn hai cha con khó khăn thay áo quần mà không cầm được nước mắt. Hiệp ghì đôi tay yếu ớt vào chiếc xe lăn, người cha cố làm nhanh nhất có thể để kéo chiếc quần lên cho con. “Tôi vui nhất là thay đồ và thắt khăn quàng cho con, đó là công việc thiêng liêng của một người cha”, ông nói.
Chiếc xe đạp băng qua cánh đồng rồi vào khu dân cư, hai cha con nói cười suốt đường đi. Những người đi đường vẫy tay chào hỏi thăm: “Chở con đi học hả? Cố học giỏi cho cha vui nghen cháu...”.
Đến trường, Hiệp nhìn lũ bạn cười tinh nghịch, còn ông Huynh mồ hôi đẫm áo cõng con lên những bậc cầu thang đến chỗ ngồi rồi dặn dò đủ chuyện mới ra khỏi lớp.
Ông ngồi ở chiếc ghế đá giữa sân trường rợp bóng mát, chờ con tan lớp trong tiếng cô giáo giảng bài và học sinh phát biểu vọng ra từ những phòng học.
Dù biết con mình phải sống suốt đời với bệnh nhưng ông Huynh vẫn hi vọng một ngày trong tương lai, y học phát triển sẽ cứu chữa được cho con.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận