31/08/2024 11:51 GMT+7

Cha mẹ tranh giành, con có nguy cơ thất học

N.N.N. (ngụ quận 7, TP.HCM) năm nay gần 12 tuổi, đáng lẽ sẽ bước vào lớp 7 như hầu hết các bạn cùng trang lứa khác. Nhưng trước thềm năm học mới 2024-2025, N. tiếp tục có nguy cơ bị thất học vì… cha mẹ tranh chấp quyền nuôi con, 'giam' học bạ.

Cha mẹ tranh giành, con có nguy cơ thất học - Ảnh 1.

N.N.N. mân mê cuốn sách trước thềm năm học mới 2024-2025 - Ảnh: M.N.

"Hôm nay các bạn học sinh lớp 6 đều đã tựu trường rồi. Em cũng muốn được đến trường như các bạn lắm mà sao khó quá", N. đã nói như vậy trong ngày học sinh bậc THCS tại TP.HCM tựu trường vào năm học mới 2024-2025, hôm 26-8.

Nhiều lần xin học nhưng đều bị từ chối

Mân mê những cuốn sách giáo khoa lớp 6, N. buồn bã với việc mình không được đi học như các bạn. "Được học trường nào cũng được. Em đã mất một năm học lớp 6 rồi…" - N. nghẹn ngào không nói nên lời. Cô bé gần 12 tuổi trầm tĩnh đến lạ so với tính cách lứa tuổi của một học sinh lớp 6, lớp 7.

Sinh năm 2012, N. là con gái của ông N.D.Đ. (Hà Nội) và bà N.T.M. (Hà Nội) nhưng năm N. 5 tuổi (2017) bố mẹ ly hôn. N. lúc này ở với ông Đ. và đến trước tháng 11-2023, N. theo học tại Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội.

Sau đó, N. theo mẹ vào TP.HCM sinh sống theo nguyện vọng của em. Lúc này người mẹ nghĩ rằng có thể chuyển cho con vào học một trường tư thục tại TP.HCM. Tuy nhiên, trường tư thục tại TP.HCM sau hai tuần cho N. học tiếp chương trình lớp 6 thì không nhận được học bạ chính thức của N. cộng với những email của người bố đến trường này đã khiến N. không thể được trường nhận vào học tiếp lớp 6.

Bà M., mẹ của N., cho biết sau khi con không được vào học trường tư thục này, bà tiếp tục tìm đến một số trường THCS khác tại TP.HCM để xin cho con đi học lớp 6 nhưng cũng không được chấp thuận vì con không có học bạ. 

Nhiều lần xin rút học bạ của con từ Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng bà M. không được nhà trường chấp thuận. Nguyên nhân vì họ nói rằng bố của bé không cho rút học bạ và trong giấy tờ ly hôn quyền nuôi N. thuộc về bố của bé.

"Con muốn ở với mẹ và nhiều lần xin bố cho đi học lại nhưng bố từ chối" - N. rơm rớm nước mắt kể.

Từ tháng 11-2023 đến nay, giữa cuộc chiến ly hôn, cô bé lớp 6 N. đành ngưng việc học tập và người mẹ kêu cứu chuyện học của con trong vô vọng. 

"Nhìn con cái người khác được đi học, tôi nhiều lần xin bố cháu rủ lòng thương nhưng bố cháu vẫn không chấp thuận chuyện đề nghị Trường THCS Cầu Giấy trả lại học bạ của con cho tôi, để tôi xin cho cháu đi học", bà M. rơm rớm nước mắt khi nói với Tuổi Trẻ.

Nguy cơ tiếp tục bị thất học

Ngày 14-8-2024, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội có bản án sơ thẩm về việc tranh chấp yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn giữa bà M. và ông Đ.. Bản án sơ thẩm nêu rõ: 

"Giao cháu N. cho bà M. trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng kể từ tháng 8-2024 cho đến khi con chung đủ tuổi trưởng thành hoặc đến khi có sự thay đổi khác", và "ông Đ. có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con chung, không ai được cản trở".

Những tưởng đã có kết quả bản án sơ thẩm với quyền nuôi con thuộc về người mẹ thì N. sẽ sớm được trả lại hồ sơ và học bạ để xin vào học trước năm học mới nhưng từ đó đến nay bà M. nhiều lần liên hệ Trường THCS Cầu Giấy mong muốn rút học bạ cho con vẫn chưa được. 

Nguyên nhân vì bố của N. đã gửi yêu cầu đến Trường THCS Cầu Giấy và cho biết bản án vẫn chưa có hiệu lực pháp luật và lúc này quyền chăm sóc, nuôi dưỡng N. vẫn thuộc về ông Đ..

Trong nhiều nỗ lực với mong muốn con không bị thất học, thời gian qua bà M. đã gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng ngành giáo dục cũng như Hội bảo vệ quyền trẻ em...

"Tôi đêm nào cũng mất ngủ, thổn thức và đau đớn vì con chưa được đi học trở lại. Tôi mong các cấp, các ngành, các đơn vị xem xét giải quyết cho con tôi được đi học trở lại. Mong mọi cơ quan, ban ngành hãy bảo vệ quyền được đi học của con tôi", bà M. nức nở chia sẻ với Tuổi Trẻ sau gần 1 năm con gái của bà không được đi học.

"Tôi không cấm con đi học"

Chúng tôi nhiều lần liên hệ với ông N.D.Đ., bố của em N., để tìm hiểu căn nguyên của việc này. Trong trao đổi hồi tháng 5-2024, ông Đ. nói: 

"Tôi không bao giờ là người không đồng ý cho N. đi học tiếp. Bởi vì N. đang học Trường THCS Cầu Giấy, cháu tự ý bỏ đi theo mẹ không trao đổi bàn bạc gì. Với Trường THCS Cầu Giấy, tôi đã làm bảo lưu học cho con trong năm học 2023-2024, chấp nhận con bị lưu ban lại. 

Tôi không là người cấm cháu đi học nhưng tự ý mẹ cháu đưa cháu vào TP.HCM và cháu bị thất học. Đó là bản chất sự việc".

Cũng theo ông Đ., điều mà ông Đ. lo lắng nhất là N. vào TP.HCM sống với mẹ trong khi cuộc sống của mẹ rất phức tạp. 

Trường không có lý do gì để trì trệ trả hồ sơ cho trẻ

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ, luật sư Trần Thị Thu Hà, phó trưởng cơ quan phía Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết hội này đã có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội), Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7, TP.HCM đề nghị giải quyết hồ sơ và tiếp nhận cho cháu N. đi học.

Trả lời Tuổi Trẻ trong trường hợp bố của em N. kháng cáo bản án sơ thẩm thì việc Trường THCS Cầu Giấy trả lại hồ sơ học bạ cho em N. có đúng luật hay không, luật sư Trần Thị Thu Hà khẳng định: "Không có gì không đúng luật ở đây".

Theo bà Hà, cho dù người bố kháng cáo thì theo luật, trẻ 7 tuổi đã phải hỏi ý kiến trẻ. Hiện nay em N. có nguyện vọng ở với mẹ và đã thất học gần 1 năm rồi và em đang ở tại TP.HCM nên em cần được trả lại hồ sơ để được đi học tại TP.HCM.

Trường không có lý do gì trì trệ, không trả hồ sơ cho N. để N. đi học. Đi học là quyền của trẻ em và trẻ ở đâu sẽ theo học ở đó.

Quận 7 sẽ bố trí chỗ học cho em N. sớm nhất

Ngày 29-8, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ, ông Đặng Nguyễn Thịnh, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7, TP.HCM, cho biết cơ quan này đã biết trường hợp của em N. bị thất học và ngay đầu năm học mới sẽ bố trí chỗ học cho N.. "Chúng tôi sẽ làm mọi cách và mọi biện pháp để đảm bảo quyền được đi học cho N.", ông Thịnh khẳng định.

Bị "giam" học bạ, trẻ lớp 6 đứng trước nguy cơ thất học năm thứ hai - Ảnh 2.Tiếp sức đến trường: Mẹ nhận mình cả đời thất học, con gái điểm thi hạng 26 toàn tỉnh Quảng Trị

Mở đầu câu chuyện, chị Cao Thị Sen quả quyết: "Tôi phải cho con đi học, chỉ mong có sức khỏe, vất vả cỡ nào tôi cũng chấp nhận được. Đời tôi thất học rồi, không thể để cháu theo chân mẹ được".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên