23/08/2024 11:55 GMT+7

Cảnh báo thí sinh bỏ nhập học để xét tuyển lại

Chuyên gia cảnh báo việc thí sinh đang 'đứng núi này trông núi nọ', tính đến việc bỏ nhập học sau khi trúng tuyển để xét tuyển lại sẽ gặp nhiều rủi ro.

Cảnh báo thí sinh bỏ nhập học để xét tuyển lại - Ảnh 1.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NHƯ QUỲNH

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chậm nhất là 17h ngày 27-8, tất cả các thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Sau thời gian này, nếu thí sinh không xác nhận nhập học coi như từ chối trúng tuyển.

Đã trúng tuyển nhưng muốn xét lại ngành khác

Cán bộ tuyển sinh của các trường đại học cho hay những ngày qua, nhiều thí sinh, phụ huynh liên hệ để hỏi có thể không nhập học để xét tuyển lại ngành khác, trường khác.

Ông Lương Thanh (phụ huynh ở Gia Lai) có con đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ vào một trường đại học tư thục ở Đà Nẵng, nhưng nay gia đình ông có ý định không nhập học nữa để đăng ký xét tuyển lại vào một trường đại học công lập ở TP.HCM.

"Con tôi tự tìm hiểu và đăng ký xét tuyển sớm vào một trường đại học tư ở Đà Nẵng do trường này giới thiệu sẽ trao học bổng lớn. Tuy nhiên, đến giờ người thân của chúng tôi ở TP.HCM bảo đăng ký xét tuyển lại vào đại học công lập ở TP.HCM. Cả tôi và con chưa biết tính sao", ông Thanh băn khoăn.

Trong khi đó, ông Lâm Quang (phụ huynh ở Quảng Ngãi) có con đã trúng tuyển ngành kinh tế ở một trường đại học công lập ở TP.HCM, nhưng nay con ông lại không muốn học ngành này nữa dù đã xác nhận nhập học trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Thật ra nguyện vọng 1 của con tôi là muốn vào ngành công nghệ thông tin nhưng không đậu, rồi trúng vào nguyện vọng 4 ngành kinh tế. Giờ cháu tính không nhập học để chờ xét tuyển bổ sung vào ngành công nghệ thông tin", ông Quang chia sẻ.

Từ chối nhập học để xét tuyển lại sẽ đầy rủi ro

TS Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, cho biết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 phải làm xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống chung. Bên cạnh đó, hiện nhiều trường yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trên website của trường. Sau đó mới đến trường làm thủ tục nhập học trực tiếp.

"Thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học. Từ ngày 28-8 đến tháng 12-2024, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của các trường thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của trường (nếu trường xét tuyển bổ sung).

Chỉ những trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1 mới tiếp tục xét tuyển bổ sung. Thực tế số trường công bố xét tuyển bổ sung đến thời điểm này không nhiều, hầu hết là các trường đại học tư thục. Một số trường công xét tuyển bổ sung với chỉ tiêu rất ít. Do đó, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định bỏ nhập học để xét tuyển lại", ông Nhân khuyên.

Bên cạnh đó, hiện nhiều thí sinh đang tỏ ra tiếc nuối khi ban đầu thích các ngành "hot", nhưng không tự tin với mức điểm của mình nên không dám đăng ký, nhưng khi có kết quả thấy điểm chuẩn thấp hơn dự đoán nên tính bỏ nhập học để đăng ký xét tuyển bổ sung.

"Em thực sự rất yêu thích ngành khoa học máy tính. Em nghe dự báo điểm chuẩn ngành này rất cao, sợ không trúng tuyển nên không đăng ký, sau khi có điểm chuẩn thì mới biết mình dư 0,5 điểm. Nay em đã trúng tuyển ngành kỹ thuật điện tử của một trường công. Em có nên xét lại ngành khoa học máy tính ở trường khác?", thí sinh Mạnh Hùng (tỉnh Bình Dương) thắc mắc.

ThS Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cũng lưu ý: "Nếu thí sinh bỏ xác nhận nhập học thì phải đăng ký xét tuyển lại từ đầu vào các trường có xét tuyển bổ sung.

Tuy nhiên thí sinh cần hết sức lưu ý điểm trúng tuyển ở đợt xét tuyển bổ sung sẽ lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn đợt 1. Do vậy, thí sinh cần cân nhắc kỹ để đưa ra quyết định phù hợp. Thực sự xét tuyển bổ sung rủi ro rất cao vì số trường xét tuyển ít và chỉ tiêu còn lại không nhiều".

Không nhất thiết phải chuyển ngành

Liên quan đến thắc mắc của thí sinh, phụ huynh đã trúng tuyển vào một ngành nhưng có nguyện vọng muốn chuyển đổi ngành khác, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết quy chế đào tạo trình độ đại học quy định rất rõ về việc này.

Sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác, hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo, hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính khi có đủ các điều kiện: không đang là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa…

Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo, của trụ sở chính (hoặc phân hiệu) trong cùng khóa tuyển sinh. Cơ sở đào tạo có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Được sự đồng ý của thủ trưởng các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo (nơi chuyển đi và chuyến đến) và của hiệu trưởng cơ sở đào tạo.

"Tại Trường đại học Bách khoa, sinh viên có thể học song ngành bằng cách đăng ký học trước một số môn của ngành khác. Thậm chí sau này học lên cao học có thể rẽ chuyên ngành hẹp phù hợp với tình hình kinh tế xã hội lúc đó và sở thích cá nhân. Theo tôi, sinh viên không nhất thiết phải xin chuyển ngành", ông Thắng nhấn mạnh.

Nhiều rủi ro khi bỏ nhập học để xét tuyển lại - Ảnh 3.Thí sinh phản ánh bị yêu cầu nhập học sớm, Trường đại học Quốc tế nói gì?

Nhiều phụ huynh, thí sinh phản ánh Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) buộc thí sinh phải nộp hồ sơ nhập học trực tiếp và hoàn thành các khoản thu trước 16h ngày 24-8.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên