Nhưng cũng có ý kiến phản bác rằng đó là những mặc định chưa đúng. Cha nuôi con không hẳn là không tốt.
Các chuyên gia tâm lý lại đưa ra nhìn nhận chuyện nuôi dưỡng con tốt nhất phải đi liền với sự yêu thương, sự kết nối và bao dung của người lớn.
Luôn phải là mẹ?
Gần đây trong một group về hôn nhân và gia đình trên mạng xã hội, có tài khoản Facebook H.M.A. chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình. Tài khoản này giới thiệu 33 tuổi, đã chia tay chồng được 5 năm. "Trước đây vì không có thời gian nhiều nên tôi để con cho ông bà nội chăm nuôi. Giờ tôi tính đi bước tiếp. Các chị em trong hội cho tôi xin lời khuyên, có nên kết hôn lại không?", tài khoản này đặt vấn đề xin được tư vấn.
Thay vì mong được tư vấn, chỉ những dòng tâm sự ngắn mà tài khoản này nhận gần 400 lượt bình luận. Đa số chỉ trích, lên án; số ít nhìn nhận câu chuyện công tâm hơn.
Phẫn nộ với quan điểm đặt ra là M.A. để con 5 năm qua cho ông bà, tài khoản G.T. phản ứng: "Một người phụ nữ tự tin bước vào cuộc hôn nhân mới trong khi con mình không sắp xếp nổi thời gian nuôi. Đó là nguời vô trách nhiệm với con và cả cuộc hôn nhân mới. Chẳng có lý do gì biện hộ cho việc nuôi con để rảnh rỗi. Nhiều trường hợp bố mẹ phải xa con, dễ thông cảm. Nhưng trường hợp này thì không".
Cho rằng ở với ông bà dù rất tốt cũng không bằng mẹ, chị Nguyễn Thị Th. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ý kiến trong nhóm: "Nuôi con để còn rèn con tính nết, đồng hành cùng con… Còn nếu không có thời gian, để cho ông bà do bận rộn kiếm tiền chỉ là cái chị vin vào đó ngụy biện cho bản thân thôi. Phụ nữ nhiều người lăn như bi, kiếm tiền không ít nhưng chăm con vẫn từng li từng tí".
Thông cảm và có cái nhìn trung dung hơn, tài khoản G.T.Q. bày tỏ: "Không phải cứ ở với con là yêu con, không phải không ở với con là vô trách nhiệm. Là phụ nữ nên mở lòng với nhau, ngừng phán xét. Tôi sợ những người đang nuôi con, rồi phán xét người không nuôi con trực tiếp".
Và cũng không ít người đồng tình quan điểm của chị Huyền Tr. (Hà Nội) lên tiếng trong nhóm. Chị cho rằng hôn nhân sai lầm thì làm lại, con cái không phải là sự cản trở để người vợ/chồng đến với tình yêu mới, mà chính là thử thách ngọt ngào xem ai mới thật lòng với mình.
"Đã làm mẹ đơn thân thì mẹ con gắn liền, từ đó nâng cao giá trị cả đôi chứ không phải tự hạ thấp nhu cầu, chọn lựa của mình.
Nhưng rất lạ ở chỗ con là con chung, khi chia tay, người cha không nuôi con thì không ai lên án. Người cha đi lấy vợ mới cũng không ai nói câu nào. Nếu mẹ không nuôi con, chính người phụ nữ với nhau lại buông lời cay nghiệt. Có phải mấy chị đang mặc định ly hôn là người mẹ phải nuôi con?", chị Tr. đặt ra sự hoài nghi.
Chăm nuôi trẻ cần nhất tình yêu thương và bao dung
Nhìn nhận vấn đề không mới nhưng cách tranh luận, bày tỏ nhiều quan điểm về nuôi nấng con sau ly hôn, trong cuộc sống hiện đại… rất phong phú, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng việc ai nuôi con không phải là vấn đề quyết định.
Đa số các chuyên gia đồng tình quyết định để nuôi nấng đứa trẻ cốt lõi vẫn là tình thương, kết nối, sự bao dung của người lớn.
Theo một giảng viên khoa tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, pháp luật quy định rõ sau khi ly hôn thì vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
Trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
"Nhưng đó là lý, còn về tình, đa số ở VN người mẹ thường chọn nuôi con. Vì thứ nhất thuộc vào đặc thù của người phụ nữ chăm chút, khéo léo, tỉ mỉ và "thuận tay" hơn người cha.
Nhưng nói như vậy cũng không phải người cha thô cứng, vụng về không nuôi chăm con được. Mà thực tế cuộc sống có rất nhiều ông bố chăm con trọn vẹn, tuyệt vời. Tuy nhiên, cần nhìn thoáng việc ai nuôi con, việc cha mẹ tái hôn thì con sống với ai có phù hợp, chứ không phải đó là tội lỗi", giảng viên này đánh giá.
Giảng viên này phân tích thêm có những gia đình trọn vẹn nhưng ba mẹ đi làm xa, con cái phải gửi ông bà, đứa trẻ vẫn rất hạnh phúc.
Việc con cái ở với ông bà mà cha mẹ chia tay, nếu cha mẹ biết kết nối, biết "phủ" đầy yêu thương cho con như ngày chưa rạn vỡ, mọi vấn đề nuôi dưỡng con sẽ được cân bằng.
Đồng tình ý kiến, tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp bày tỏ con trẻ sau đổ vỡ của cha mẹ sẽ thiệt thòi.
Vì thế theo thầy Điệp, cha mẹ phải làm sao để bước qua rạn vỡ để cho con có cuộc sống mới, nhưng hạnh phúc và đủ đầy tình thương. Chứ không phải con sống với mẹ mới được yêu thương, sống với cha hoặc ông bà là thiếu đi yêu thương…
Tiến sĩ Điệp phân tích: "Tôi chứng kiến có gia đình nuôi con nhưng bỏ bê, không quan tâm chăm sóc. Nhưng có những lần tận mắt tôi nhìn thấy vợ chồng người bạn, họ bỏ qua hết chuyện của người lớn để lo cho con mãi về sau.
Đến trường dự tổng kết cho con; có mặt cả cha lẫn mẹ trong tiệc sinh nhật con, khi bạn bè cũng đến dự tiệc; thay phiên nhau đi họp phụ huynh cho con, du lịch hè với con… Tức là người lớn đã bao dung, nhìn ra được vấn đề ở chính mình để lo cho con tốt hơn".
Cần đồng hành với con
"Quan trọng là cha mẹ dù ở đâu, ở với ai, làm gì… phải đồng hành cùng con, có mặt ở những sự kiện học tập, vui chơi, trải nghiệm quan trọng của con. Theo dõi, yêu thương con mỗi ngày. Còn ông bà nuôi dưỡng chăm sóc hằng ngày dù tốt vẫn chưa phải là tất cả. Bỏ rơi con cái mới là tội lỗi chứ không phải con không ở với cha mẹ là tội lớn của phụ huynh", một chuyên gia tâm lý nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận