01/09/2019 23:05 GMT+7

Cha mẹ ôm con, con có ôm mẹ cha

PHẠM THƯ
PHẠM THƯ

TTO - Tôi từng đọc được rằng một nghịch lý của đời người là khi còn bé con rất gần gũi với cha mẹ, nhưng khi trưởng thành lại "xa" cha mẹ, rồi đến khi hiểu được và mong muốn "về gần" có khi đã muộn rồi.

Cha mẹ ôm con, con có ôm mẹ cha - Ảnh 1.

Minh họa: KIM DUẨN

Tôi nhớ đến người thầy hằng ngày đi xe máy 60km từ chỗ dạy về nhà để được nhìn thấy cha, biết cha còn khỏe mạnh và ngủ cùng cha. Thầy từng dạy tôi rằng: cha mẹ đã dành tất cả cho chúng ta, còn chúng ta dù có cư xử tốt với họ đến mấy cũng chỉ là đền trả lại chút ít những gì mình đã nhận mà thôi.

Tôi sống ở một nước phương Tây được cho là thuộc hàng tiến bộ bậc nhất về giáo dục, nơi người ta cư xử với nhau rất ôn hòa. Nhưng khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình vẫn là đề tài đáng bàn cãi khi người trẻ thường có khuynh hướng không thích gần gũi với người lớn.

Một lần vô tình tôi xem được mẩu quảng cáo hàng tiêu dùng, có gia đình nọ quây quần bên bàn ăn. Cậu thiếu niên gương mặt tươi tắn ngồi vào ghế của mình trong khi người mẹ dọn ra món cuối cùng. Ánh mắt đầy yêu thương, người mẹ đưa tay xoa đầu con và lùa tay vào mái tóc cậu làm những ngọn tóc tung lên. Cậu khẽ cau mày, nhún vai tỏ vẻ khó chịu và đưa tay vuốt nhanh lại mái tóc cho thẳng nếp.

Phân đoạn ngắn đó có thời lượng chưa đến 3 giây nhưng khiến tôi cứ nghĩ ngợi mãi. Tự hỏi có phải mình quá nhạy cảm, hay bất cứ ai khi xem đoạn quảng cáo ấy cũng sẽ cảm thấy có chút chênh chao và hụt hẫng. Nếu như cậu trai trẻ cứ để mặc cho mái tóc hơi rối và vui vẻ mỉm cười, tôi nghĩ đoạn quảng cáo ấy sẽ có giá trị nhiều hơn vì đẹp hơn, tinh tế hơn.

Hay lần nọ đi chơi cùng gia đình một người bạn Việt Nam như chúng tôi, anh bạn của chồng tôi nắm lấy bàn tay của cậu con trai mười mấy tuổi, thằng nhóc vội rút tay lại. Sau đó, anh lại khoác vai nó, nó lập tức cúi người lách khỏi cánh tay cha. 

Một cảm giác buồn khó tả dâng lên trong tôi khi nhìn lại thằng nhóc mới hơn 2 tuổi của tôi đang ngoan ngoãn trong vòng tay cha nó. Tôi tự hỏi khi thằng bé lớn hơn, lẽ nào đến tuổi biết xấu hổ cũng là lúc nó tách mình khỏi cha mẹ và cảm thấy ngượng ngùng khi tiếp nhận sự yêu thương và quan tâm, thay vì tự hào và vui vẻ.

Tôi từng đọc được rằng một nghịch lý của đời người là khi còn bé con rất gần gũi với cha mẹ, nhưng khi trưởng thành lại "xa" cha mẹ, rồi đến khi hiểu được và mong muốn "về gần" có khi đã muộn rồi.

Tôi nhớ lại mình, thấy cũng có khi mình phủ định vai trò của cha mẹ, nhất là ở giai đoạn "nửa người lớn, nửa trẻ con". Tôi nhớ đến người cha đã mất và vô cùng hối tiếc vì những điều chưa kịp nói và làm cho ông.

Tôi nhớ hình ảnh người đàn ông trung niên Thụy Điển dắt tay cha vào tiệm ăn, tỉ mẩn và yêu thương đút cho cha từng muỗng mì và nở nụ cười khi ông cụ hắt hơi làm dây thức ăn ra áo cả hai cha con.

Và tôi nhớ hình ảnh chồng tôi bước đến ngồi xuống, ôm bờ vai bố anh khi thấy ông đang ngồi một mình trước thềm nhà. Hai người đàn ông yên lặng, không nói gì cả... nhưng hình ảnh ấy đẹp như tranh, đẹp hơn tất cả những lời lẽ văn hoa trên đời.

Cuối cùng thì chúng ta mong chờ gì ở những đứa con, hẳn cha mẹ ta cũng thế. Điều mong cầu ấy đơn giản lắm... chỉ là cái ôm, bàn tay nắm chặt lấy tay cha, hay đơn giản chỉ là đừng cố sửa lại mái tóc cho ngay ngắn khi mẹ xoa đầu và vô tình làm rối tóc ta.

Giải cứu tuổi thơ con khỏi áp lực từ cha mẹ Giải cứu tuổi thơ con khỏi áp lực từ cha mẹ

TTO - Carl Honoré là nhà báo, tác giả sách chuyên về sống chậm. Ông viết cuốn Tuổi thơ tìm thấy như một lời kêu cứu, vừa nghiệt ngã vừa châm biếm, cho những đứa trẻ thời đại mới đang chịu đè nén bởi áp lực nặng nề từ chính cha mẹ chúng.

PHẠM THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên