19/04/2013 08:39 GMT+7

"Cha đẻ" túi nâng ngực dỏm cho 300.000 phụ nữ ra tòa

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Phiên tòa xét xử vụ bê bối túi nâng ngực dỏm từng làm rúng động toàn cầu về an toàn sức khỏe năm 2011 của Công ty Pháp Poly Implant Prothese (PIP) đã bước sang ngày thứ hai (18-4).

zURDwgie.jpgPhóng to
Nhà sáng lập PIP Jean Claude Mas (giữa) khi đến phiên tòa ngày 17-4 - Ảnh: AFP

Năm lãnh đạo của PIP ra trước vành móng ngựa...

Ngày 17-4, một tòa án hình sự tại Pháp đã mở phiên tòa xét xử năm bị cáo là các lãnh đạo cấp cao của Công ty PIP về tội che giấu và lừa đảo vụ cung cấp túi nâng ngực dỏm cho hàng trăm ngàn phụ nữ trên khắp thế giới.

Các bị cáo bao gồm nhà sáng lập PIP Jean Claude Mas cùng giám đốc tài chính Claude Couty, giám đốc kiểm tra chất lượng Hannelore Font, giám đốc kỹ thuật Loic Gossart và giám đốc sản phẩm Thierry Brinon. Năm bị cáo bị buộc tội lừa đảo kinh doanh với tình tiết tăng nặng vì đã sử dụng silicon công nghiệp để tự chế túi nâng ngực chưa qua thẩm định.

"Câu hỏi mà phiên tòa ở Marseille muốn hiểu là làm thế nào PIP đã có thể qua mặt tất cả các biện pháp kiểm tra kiểm soát và sử dụng silicon công nghiệp không được phép trong suốt 10 năm liên tiếp?"

Báo La Vie (Pháp)

Ước tính khoảng 300.000 phụ nữ tại 65 quốc gia trên thế giới đã phẫu thuật nâng ngực bằng sản phẩm của Công ty PIP từ năm 2001-2010.

Đông đảo người dự tòa gào thét phẫn nộ

Theo AFP, tham dự phiên tòa được xem lớn nhất trong lịch sử nước Pháp này là hơn 400 phụ nữ bao gồm 220 người nước ngoài trong tổng số hơn 5.000 nguyên đơn của vụ án cùng 300 luật sư.

Do số người tham dự phiên tòa quá lớn nên tòa án đã chuyển phiên xử đến một trung tâm hội nghị thuộc thành phố miền nam nước Pháp là Marseille.

Bị cáo Mas đã có mặt trước phiên xét xử ngày 17-4 khoảng một giờ với sự hộ tống của cảnh sát. Ngay khi hình ảnh của nhà sáng lập 73 tuổi của PIP hiện lên trên một màn chiếu lớn trong phiên xét xử, đám đông tham dự phiên tòa đã gào thét phẫn nộ.

Nhiều người tham dự phiên tòa đã thẳng thừng hét vào mặt ông Mas là “đồ khốn!” và la ó khi Mas cho biết ông đang sống rất khó khăn với mức lương hưu chỉ... 1.800 euro mỗi tháng. Một số người còn tỏ ra bất bình khi luật sư của các bị cáo cho rằng thân chủ của họ đã bị “suy nhược” bởi vụ bê bối này.

“Những gì chúng tôi trông đợi là các bị cáo sẽ bị trừng phạt một cách đích đáng, thậm chí ngay cả khi chúng tôi biết rằng hình phạt này sẽ không thể tương xứng với những gì họ đã làm” - người đứng đầu Hiệp hội PPP đại diện cho những phụ nữ đã phẫu thuật với túi nâng ngực dỏm của PIP là bà Alexandra Blachere chia sẻ.

Tin tức về việc túi nâng ngực PIP kém chất lượng, dễ nứt, gây rò rỉ silicon năm 2011 đã gây hoang mang cho hàng trăm ngàn phụ nữ trên thế giới.

Theo Reuters, các quan chức y tế tại nhiều quốc gia xác nhận sản phẩm này của PIP không chứa độc tố và không liên quan đến tỉ lệ người mắc bệnh ung thư vú.

Dù vậy, vẫn có hơn 4.000 phụ nữ đã phẫu thuật lấy túi nâng ngực PIP ra khỏi cơ thể. Tại Pháp, vào thời điểm đó, hơn 15.000 phụ nữ cũng đã đi đến quyết định tương tự. Nhiều phụ nữ không làm phẫu thuật đã luôn sống trong nỗi lo sợ túi nâng ngực của họ có thể bị rò rỉ bất cứ lúc nào.

Các bị cáo còn đối mặt tội ngộ sát và gian lận tài chính

Phiên tòa xét xử dự kiến kéo dài đến ngày 17-5. Tại phiên tòa, ông Mas đã tự bào chữa là bản thân ông “đã làm điều tốt nhất để bảo vệ họ”. Ông cũng luôn khẳng định sản phẩm của công ty không có bất kỳ mối đe dọa nguy hiểm nào đến sức khỏe người dùng.

Sky News dẫn lời nguyên cáo Nathalie De Michel chia sẻ: “Tôi muốn ít nhất ông ta cũng phải nhận ra những sai lầm của mình”.

Trong khi đó, đại diện 1.500 phụ nữ Colombia, luật sư Nathalie Lozano đã tham dự phiên xét xử để giúp các nguyên đơn tìm lại công lý. Bà Lozano cho biết do không được đền bù một cách thỏa đáng và không nhận được các hỗ trợ y tế sau khi xảy ra vụ bê bối nên nhiều nạn nhân đã phải gánh chịu nhiều tổn hại về sức khỏe lẫn tinh thần.

Theo Reuters, bị cáo Mas cùng bốn bị cáo khác có thể đối mặt với án tù tối đa 5 năm cùng một khoản tiền phạt lớn. Một số bị cáo, bao gồm ông Mas, cũng phải đối mặt với cáo buộc về tội ngộ sát và gian lận tài chính trong vụ bê bối này.

Cuộc điều tra về tội ngộ sát liên quan đến cái chết vì ung thư năm 2010 của một phụ nữ đã phẫu thuật cấy ghép túi nâng ngực của PIP.

Ông Mas đã thành lập PIP năm 1991 và bắt nhịp được nhu cầu làm đẹp của phụ nữ để trở thành công ty cung cấp sản phẩm nâng ngực lớn thứ ba trên thế giới. Để tiết kiệm khoảng 1,6 triệu USD mỗi năm, ông Mas đã sử dụng silicon công nghiệp thay thế silicon y tế để tự sản xuất khoảng 75% sản phẩm PIP.

OxWmoekb.jpgPhóng to
Túi ngực dỏm do PIP sản xuất - Ảnh: AFP

Trả lời phỏng vấn của báo La Vie (Pháp), nhà triết học Jean-François Mattéi, đồng thời là giáo sư Viện nghiên cứu chính trị ở Aix-en-Provence, cho rằng nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ của phụ nữ ngày càng trở nên cấp thiết và người ta phải sản xuất ra mũi và ngực theo dây chuyền công nghiệp và chuẩn hóa.

Các bác sĩ thẩm mỹ, do muốn thực hiện được càng nhiều ca phẫu thuật càng tốt, đã cố thỏa mãn nhu cầu làm đẹp của khách hàng với bộ ngực không những phải to, đứng và chắc mà còn phải nhanh và rẻ! Đã có xu hướng chạy theo doanh số cả trong việc sản xuất lẫn trong việc phẫu thuật cấy độn giả.

“Chúng ta đang sống trong một xã hội của thống kê và của các vụ bê bối về tài chính, trong đó ai cũng muốn tăng năng suất để có lợi nhuận nhiều. Theo logic này, người ta chẳng còn quan tâm đến sức khỏe mà chỉ chạy theo lợi nhuận đơn thuần... Do vậy, càng có nhiều nạn nhân thì lợi nhuận càng đáng kể” - ông nhấn mạnh.

GS Mattéi cũng cho rằng một bác sĩ không thể chỉ tuân thủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, bởi đòi hỏi về y đức còn cao hơn cả những quy định mà anh ta phải tuân theo và sự tôn trọng bệnh nhân còn vượt trên cả việc tuân thủ các quy định của luật pháp khi hành nghề. Thế mà ngày nay các bác sĩ phần đông lại trở thành một phần của ngành thương mại quốc tế.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên