13/05/2014 08:24 GMT+7

Cha con người lính ở Trường Sa

TRÍ NHIÊN
TRÍ NHIÊN

TT - 1 - Công việc dạo này sắp đặt xong chưa?

m4RMV3s5.jpg
Sau giờ làm nhiệm vụ, cha con người lính này cũng có những phút giây yên bình của tình cha - con - Ảnh: Trí Nhiên

- Dạ xong ạ! Hôm qua con mới trực, nay được nghỉ.

- Ra đây sống mấy tháng rồi khí hậu môi trường có tốt không, thấy thế nào?

- Nắng bố ạ.

- Nắng mùa này làm sao tránh được. Tháng 4, tháng 5 là nắng nhất, nóng nhất. Không có gió, không có mưa. Thế nước sinh hoạt có đủ không?

- Thoải mái bố ạ.

- Bằng tầm này tháng sau là gió trở lại rồi, gió tây nam... Em đi học trong Sài Gòn, mẹ giờ ở nhà một mình chăm con gà, trồng cái cây cho đỡ buồn chứ biết làm gì.

- Mẹ ở nhà nhớ con gọi suốt.

- Thế à. Mẹ cũng gọi cho bố suốt ấy mà.

Tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của hai bố con vào giờ nghỉ trưa giữa đảo Trường Sa. Cha, trung tá Trần Quang Oanh, chỉ huy trưởng cụm chiến đấu 3 đảo Trường Sa, và cậu con trai Trần Quang Trường vừa ra đảo được vài tháng.

2. Trung tá Trần Quang Oanh tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân 3 (Dục Mỹ, Ninh Hòa, Khánh Hòa) năm 1985 và được phân công về Quân khu 2. Năm năm sau, ông chuyển về Vùng 4 hải quân cũng là lúc vợ ông sinh cậu con trai đầu lòng Trần Quang Trường. Đến cuối năm 1999, ông có chuyến công tác đầu tiên ra đảo Trường Sa. Đời binh nghiệp rày đây mai đó, ông đã có thâm niên sáu năm không liên tục công tác tại các đảo trên quần đảo Trường Sa. Vậy nên có cậu con trai theo chân bố vào quân chủng hải quân mà còn ra đảo làm nhiệm vụ cùng thì ông “tự hào thay cho con ấy chứ”, ông cười.

Còn Trường, tốt nghiệp khoa xây dựng Trường đại học Nha Trang, đi làm được một năm thì có giấy gọi nhập ngũ, được biên chế về hải quân. Với Trường, đó là điều tình cờ thú vị vì bố mình cũng công tác trong quân chủng hải quân.

Trường tâm sự: “Xóm mình ở là khu bộ đội, bố và các chú ai cũng đi Trường Sa. Trước mình cũng có một bạn đi Trường Sa rồi về đi học tiếp. Mình nghĩ trách nhiệm mỗi thanh niên nên đóng góp một phần công sức để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Đi lính cũng là một cách tự rèn luyện để trưởng thành. Ra Trường Sa là một thử thách của cuộc đời, sẽ có rất nhiều trải nghiệm”. Vậy là Trường lên đường.

“Ngày xưa nghe bố, các chú đi về kể thấy Trường Sa vất vả lắm. Điện chưa có phải chạy máy phát. Nước ngọt khan hiếm, bộ đội phải nhịn tắm để nấu cơm. Sóng điện thoại chưa có, liên lạc với gia đình, bạn bè đều qua thư. Giờ đã tốt hơn nhiều”, Trường cho biết.

3. Vừa rồi, hai cha con đã có một cái tết thật ý nghĩa giữa đảo khơi. Trường đến đảo vào những ngày cuối năm, khi đó trung tá Oanh đã ra đảo được vài tháng. Đón con nơi cầu tàu, ông vui mừng vì sau bao tháng huấn luyện, con trai đã rắn rỏi, săn chắc hẳn ra. Đêm giao thừa, sau những phút chung vui cùng anh em trong đơn vị, hai bố con mới có cơ hội điện thoại về nhà thăm vợ, thăm mẹ. “Phút giao thừa đầu tiên trên đảo thiêng liêng lắm. Mình cũng nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu lắm chứ. Nhưng xác định đã đi bộ đội là phải như vậy nên mình vững tâm hơn” - Trường kể lại.

Cuối tháng 7 này người bố sẽ về lại đất liền, còn Trường cuối năm cũng hết thời hạn nghĩa vụ quân sự, ra quân, trở về với công việc chuyên môn của mình, một kỹ sư xây dựng. Trường tâm sự: “Mình chỉ mong hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người lính, trách nhiệm của một thanh niên đối với việc bảo vệ Tổ quốc. Sau đó sẽ tìm một công việc để phát huy ngành nghề chuyên môn mà mình đã được đào tạo”.

Hai cha con chung một màu áo, một bổn phận, một chí hướng và nhận nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió gian lao nhất. Câu chuyện của cha con người lính cứ theo tôi suốt trên những con sóng bồng bềnh trở về đất liền.

TRÍ NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên