Công nhân đốn hạ hai cây phượng trước cổng Trường mầm non Hoa Sen, TP Vinh, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những hình ảnh, dòng trạng thái về việc chặt cây hàng loạt tại các trường để ngăn nguy cơ ngã đổ. Nhiều bạn đọc cũng bình luận, bày tỏ bức xúc về những cách cắt tỉa, mé nhánh "lạ kỳ" khiến cây trơ trụi.
Đừng "giết lầm" cây!
Ghi nhận của chúng tôi trong tuần qua cho thấy không ít trường tại TP.HCM đã tổ chức chặt cây, tỉa cành khiến cho mảng xanh trong các trường hầu như biến mất.
Tại Trường mẫu giáo Hương Sen (Q.Phú Nhuận), nhiều cây xanh trong khuôn viên trường được hạ độ cao "cào bằng" xuống còn khoảng 3-4m. Nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi hơn 10 cây hoàng nam, cây bồ đề, cây si... bị chặt "trụi lủi", chỉ còn loe hoe vài chiếc lá.
Tại Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh), khoảng 3 cây cổ thụ to cao giữa sân trường cũng được mé nhánh rất "kỹ", sát vào thân, nhìn cây không còn sức sống.
Ông T. - nhân viên Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP - cho biết có hiện tượng "chặt lầm" ở nhiều trường. Theo ông T., từng trường liên hệ với những đơn vị chăm sóc cây xanh khác nhau tùy nhu cầu.
Thậm chí, có trường liên hệ với các nhóm thợ nhỏ, không thuộc công ty nào, để đốn cây, chặt nhánh... miễn là các nhóm này "xoay" được hóa đơn đầy đủ. Dẫn câu chuyện một trường ở Q.Bình Thạnh cho đốn hạ 4 cây, trong đó có một cây vẫn còn tốt, ông T. cho rằng nhiều trường đã "giết lầm" cây chưa đến lúc phải đốn bỏ do những nhóm tư vấn còn thiếu năng lực.
Một chuyên gia về cây xanh cho rằng để đảm bảo an toàn cho học sinh là việc cần làm nhưng không vì thế mà các trường thực hiện "thà chặt lầm hơn bỏ sót", bởi để tạo được cây xanh, cho được bóng mát phải mất hàng chục năm. Theo vị này, cây xanh không chỉ là nơi che bóng mát, gắn liền kỷ niệm tuổi học trò mà còn tạo được không gian xanh mát, điều hòa không khí...
Trong một số vụ cây ngã, cây xanh không có lỗi mà lỗi ở cách quản lý, chăm sóc nó thế nào. "Vì vậy, thay vì đốn cây, chặt nhánh để cho an toàn, chúng ta nên thuê những đơn vị chuyên môn chăm sóc, kiểm tra định kỳ như cây xanh đường phố. Nếu chưa làm được việc này cũng nên tạm thời làm khung chống đỡ bằng sắt như một số nơi đã làm" - vị này đề xuất.
Cây xanh tại Trường mẫu giáo Hương Sen (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã được tỉa cành, mé nhánh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cây xanh cần được chăm sóc, bảo vệ
Trong khi không ít trường chặt bỏ cây xanh với lý do "an toàn" cho học sinh, nhiều trường cũng nhờ các cơ quan chuyên môn đánh giá trước khi "xử lý" cây xanh. Chẳng hạn, sau khi nhờ đơn vị chuyên môn thăm khám và tư vấn, Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh) đã tổ chức tỉa cành, mé nhánh cho 10 cây lớn, "chữa trị" cho 2 cây còn lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vũ Đức - phó hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập - cho biết việc xử lý số cây xanh trong khuôn viên trường được cân nhắc kỹ lưỡng bởi ngoài những kỷ niệm của nhiều thế hệ học sinh, việc chăm sóc một cây từ nhỏ tới lớn mất nhiều công sức và tiền bạc, không thể nói muốn chặt là chặt.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Q.3) - cho biết trường đã thuê một nhân viên "có nghề" ở Vĩnh Long chuyên chăm sóc và kiểm tra cây xanh, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường sẽ báo ngay cho lãnh đạo nhà trường hoặc tham khảo tư vấn từ công ty công viên cây xanh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trâm - phó hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Q.12), để chăm sóc số cây xanh trong khuôn viên, trường đã kết hợp với một nhóm công nhân cây cảnh từ một vườn ươm uy tín trong khu vực, thường xuyên đến kiểm tra, chăm sóc các loại cây xanh trong trường. "Trong những ngày mưa bão, gần như tuần nào đội ngũ này cũng đến chăm nom, mỗi tuần có khi đến 5-6 buổi" - bà Trâm cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) - cho biết hằng tháng nhà trường đều thuê một nhân viên chăm sóc cây xanh thuộc Công ty Công viên cây xanh.
"Anh ấy sẽ giúp trường chăm sóc các cây, trong đó có phượng. Nếu phát hiện gì bất thường, anh ấy sẽ báo trường kiểm tra đảm bảo an toàn" - ông Tuấn nói. Ông cũng cho biết nhân viên này cũng là người đưa ra ý tưởng và thiết kế "kiềng chân" bảo vệ cây phượng tại trường, gây "sốt" trên nhiều trang mạng xã hội những ngày qua.
Cây xanh Trường tiểu học Hồng Hà (Bình Thạnh, TP.HCM) được tỉa cành, mé nhánh trơ trụi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không thể chỉ "khám bệnh" thủ công
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Công Phương - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM - cho biết việc chăm sóc và phát hiện các dấu hiệu sâu bệnh của cây xanh thời gian qua vẫn còn thủ công, dựa vào kinh nghiệm là chính.
Các nhân viên thuộc các xí nghiệp sẽ quan sát trên thân cây để phát hiện mối mọt hoặc cành lá để xác định cây còn tươi hay có dấu hiệu héo úa. "Dù vậy, việc này không đem lại hiệu quả 100% vì có những cây dù xanh tốt bên ngoài nhưng bên trong đã mục ruỗng, hư hại" - ông Phương nhìn nhận.
Vào năm 2013, công ty này từng thử nghiệm máy "siêu âm" để phát hiện các dấu hiệu sâu bệnh của cây xanh nhưng đến nay vẫn chưa áp dụng thực tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp cho rằng chiếc máy này hiệu quả hơn đối với việc kinh doanh gỗ chứ không thích hợp để chăm sóc cây xanh đô thị. Do chiếc máy có thể phát hiện cây bị rỗng ruột nhưng chưa hẳn cây đó phải đốn hạ ngay vì sức sinh trưởng của cây xanh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như bộ rễ, tán cây.
Theo ông Phương, công ty cũng tham khảo một số máy có thể chụp được bộ rễ cây mà các nước phát triển đang áp dụng. Bộ rễ là yếu tố chính, quan trọng để biết sức sinh trưởng của cây xanh còn tốt hay không.
"Công ty đã tìm được chỗ đặt máy nhưng do dịch bệnh nên họ chưa thể cử chuyên gia qua Việt Nam để hướng dẫn, chuyển giao phương thức vận hành. Đây là vướng mắc lớn mà công ty gặp phải" - ông Phương chia sẻ.
Trong khi đó, tiến sĩ Đinh Quang Diệp - chuyên gia về cây xanh - cho rằng việc phát hiện các dấu hiệu của cây xanh hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Những người trong nghề nhìn vào cây xanh mới phát hiện được, còn người dân khó lòng thấy được các dấu hiệu này.
"Nhưng kinh nghiệm cũng chỉ đúng ở mức tương đối chứ không chính xác hoàn toàn" - ông Diệp nói.
* TS Nguyễn Thị Lan Thi (ĐH Khoa học tự nhiên):
Không đủ giới hạn an toàn để sinh trưởng
Giai đoạn 2014 - 2017, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã thực hiện đề tài "Xác định nguy hại, đánh giá rủi ro cây xanh đường phố tại TP.HCM đối với 21 loài cây được trồng nhiều". Kết quả nghiên cứu cho thấy cây xanh đường phố ở TP.HCM đang chịu áp lực rất lớn (độ rộng vỉa hè nhỏ, lưu lượng xe cộ...). TP.HCM không có một cây xanh nào có giới hạn an toàn để sinh trưởng.
Thông thường một cây xanh cần không gian rễ gấp 2 - 2,5 diện tích tán để phát triển, tối thiểu là bằng nhưng không có cây nào đạt. Khi có sự cố cây xanh bật gốc dễ thấy nhiều cây dù lớn nhưng bộ rễ rất nông và thưa. Ngoài ra còn nhiều bất cập khác như đào đường, gắn cáp cứ trúng cây xanh là đơn vị thi công cắt rễ.
Cần Thơ: không đốn hạ cây xanh ở trường học
Hàng phượng tại trường THCS Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã hơn 6 năm tuổi, hiện trường cũng chỉ mé nhánh cây chứ không chặt bỏ - Ảnh: T.TRANG
Ông Nguyễn Hữu Nhân, trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, đã đề nghị các trường trên địa bàn tìm phương án giữ lại cây xanh ở trường chứ không chặt bỏ.
"Các trường được yêu cầu khẩn trương kiểm tra toàn bộ cây xanh và các thiết bị có liên quan đến an toàn học sinh trong khuôn viên trường. Đặc biệt, các loại cây có tán cao, tàn rộng dễ có nguy cơ ngã đổ, gãy cành thì mé nhánh hoặc làm thêm giá đỡ ở gốc cây cho an toàn. Nếu cây đã quá suy, không thể cứu vãn thì có thể thay thế cây mới" - ông Nhân nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, một số trường tại Cần Thơ đã triển khai mé nhánh cây phượng trong khuôn viên trường như Trường tiểu học An Bình, Trường tiểu học Nguyễn Du, Trường Tương Lai... Một số trường đang lên phương án sẽ di dời cây phượng sang địa điểm khác cũng trong khuôn viên trường, để vẫn đảm bảo mỹ quan cho trường và an toàn cho học sinh.
Ông Nguyễn Thạch Em - phó giám đốc Công ty CP đô thị Cần Thơ - cho biết đơn vị này đang rà soát các tuyến đường trong nội ô thành phố, tổ chức mé nhánh cây cho gọn, tránh gãy đổ trong mùa mưa bão chứ không đốn bỏ cây. (T.TRANG)
Thừa Thiên Huế: lên phương án bảo vệ, không chặt hạ cây phượng
Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có công văn yêu cầu các trường học trên địa bàn chủ động phòng chống cây xanh ngã đổ trong trường học. Theo đó, các trường phải phối hợp với Trung tâm Công viên cây xanh Huế kiểm tra hiện trạng, xử lý các cây có nguy cơ gãy đổ.
Ông Lê Như Chinh - giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế - cho biết việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng cây xanh trong trường học đang được gấp rút hoàn thành. Sau khi đánh giá xong, dựa vào danh sách này trung tâm sẽ có giải pháp xử lý cây nào cần cắt tỉa, cây nào cần gia cố, cây nào đã quá tuổi cần loại bỏ...
"Tôi nghĩ việc vội vã chặt bỏ cây phượng vĩ trong nhà trường sau sự cố đáng tiếc tại TP.HCM là... có tội với cây phượng. Cần phải có đánh giá cụ thể hiện trạng cây xanh để đưa ra phương án xử lý đúng đắn" - ông Chinh nói.
Theo ông Hoàng Hải Minh - giám đốc UBND TP Huế, sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra ở Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM), UBND TP Huế đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ cây trên địa bàn. Nếu phát hiện cây xanh có nguy cơ ngã đổ thuộc cây xanh đường phố, cây xanh trong công viên... thì phải báo gấp cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế chặt hạ, cắt mé nhánh.
Đối với các cây to, cổ thụ nằm trong khuôn viên nhà dân, trụ sở cơ quan, đình làng, am miếu... các địa phương phải tổ chức tuyên truyền, vận động cắt mé nhánh để đảm bảo an toàn. (NHẬT LINH)
Bạc Liêu: đốn hạ cây xanh "lung tung" là không được
Ngày 4-6, một số người dân chụp cảnh cây bị cắt trơ trọi tại Trường tiểu học Phong Thạnh Tây B (xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu), đồng thời bày tỏ lo ngại cây xanh ở địa phương này sẽ bị "hạ sát" như nhiều địa phương khác đang làm.
Ông Trịnh Minh Trung, phó trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Giá Rai, cho biết sau khi xảy ra sự cố khiến một học sinh tại TP.HCM bị tử nạn, Phòng GD-ĐT thị xã Giá Rai đã có văn bản gửi tất cả các trường học trên địa bàn yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh của trường.
Một số cây cổ thụ, cây bóng mát như phượng vĩ, xà cừ, bàng... phải cắt tỉa gọn gàng, trường hợp cây có nguy cơ ngã, không an toàn cho học sinh thì trường phải xin ý kiến trưởng Phòng GD-ĐT thị xã để xử lý. Từ khi có văn bản chỉ đạo (từ ngày 26-5) đó đến nay, các trường học trên địa bàn chỉ cắt tỉa cành, chưa có trường nào xin ý kiến về đốn hạ cây xanh.
"Quan điểm của chúng tôi là phải bảo quản cây xanh vì phát động trồng cây rất khó khăn, một cây lớn phải qua biết bao nhiêu năm. Trường chỉ cắt tỉa cành không an toàn, còn đốn hạ thì phải xin ý kiến phòng, chứ đốn hạ lung tung là không được" - ông Trung nói. (CHÍ QUỐC)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận