Đối với một cây gỗ lâu năm, cuộc sống thị thành hiếm khi dễ thở, và các thách thức đang leo thang cùng với sự nóng lên toàn cầu. Nhưng sức khỏe của các đô thị trong mấy thập niên tới thực sự phụ thuộc vào những gì được gieo trồng ngày hôm nay.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiều đô thị đang đối mặt với thách thức nhân đôi, về cả khối lượng công việc lẫn ngân sách: vừa bảo vệ cây cũ vừa trồng thêm cây mới, sau đó giữ cho các mảng xanh, cả hiện hữu và mới tạo, sống sót.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 1.

Năm 2022, khi mùa hè khô hạn nhất trong sách kỷ lục của Seattle (bang Washington) kết thúc, cây cối trên khắp thành phố cảng Hoa Kỳ này đã kêu cứu trong thinh lặng. Môi trường khô hạn hơn và nóng hơn đã để lại những đám lá non sạm nâu, cành trụi và quá nhiều hạt giống - tất cả đều là dấu hiệu của sự căng thẳng.

"Bạn có thể trông thấy những cây phong lá to và cây độc cần mang đầy ắp nón [cơ quan sinh sản - NV] hoặc hạt, giống như nỗ lực cuối cùng của chúng để sinh sản", Hãng tin AP ngày 16-11-2022 dẫn lời Shea Cope, một "bác sĩ cây" (arborist) tại Vườn ươm công viên Washington.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 2.

Trong cái nóng, cây cối cũng trở nên yếu ớt. Nắng hạn buộc chúng phải tiêu hao năng lượng để sống sót, thay vì để tái sinh, tăng trưởng hoặc chống lại sâu bệnh.

"Mọi thứ từ bên ngoài đều cố xơi tái một cái cây, nên các mối căng thẳng càng trở nên trầm trọng" - theo Nicholas Johnson, một arborist của Công viên thành phố Seattle.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 3.

Hàng dài cây cổ thụ trên đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Gần đây, một nhóm nhà khoa học từ Pháp và Úc đã phân tích tác động của nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm đối với 3.100 loài cây ở 164 thành phố trên 78 quốc gia.

Một nửa số cây đã phải chịu đựng những điều kiện khí hậu vượt quá giới hạn của chúng, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change. Nếu chúng ta không hành động, 2/3 số cây xanh đô thị trên toàn thế giới sẽ gặp các rủi ro tiềm ẩn do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu do Manuel Esperon-Rodriguez dẫn đầu có đoạn: "Rủi ro được dự đoán là lớn nhất ở các thành phố có vĩ độ thấp - như New Delhi và Singapore - nơi tất cả các loài cây đô thị đều dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu". Hay ở Úc, gần như tất cả các loài cây đã được trồng trong các thành phố sẽ khó mà tồn tại trong điều kiện sống mới của năm 2050.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 4.

Các chuyên gia cây xanh thường suy nghĩ cẩn trọng về tương lai xa xăm của thành phố, vì trồng cây là nhiệm vụ dài hơn một đời người. Một cái cây được chăm sóc tốt có thể tồn tại 30 năm, 100 năm hoặc lâu hơn nữa, có thể chứng kiến những thăng trầm của vài thế hệ công dân. Cây xanh giống như cỗ máy thời gian, kết nối những suy nghĩ và tri thức của chúng ta với tương lai.

Tại Bellevue, một thành phố khác của bang Washington, giới chức cây xanh đang nỗ lực trồng thêm những cây cự sam sequoia (Sequoiadendron giganteum, hay sequoia khổng lồ), vì chúng chắc chắn có thể chịu được hạn hán và sâu bệnh.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 5.

Cây xanh trồng trên đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Vào lúc này, chúng chỉ là đám cây non e ấp trong những chiếc chậu ươm màu đen nhỏ bé. Nhưng như tên gọi "khổng lồ" của nó, đây là loại cây to nhất và cũng là một trong những sinh vật sống thọ nhất trên Trái đất.

Như vậy, Bellevue trong tương lai sẽ là một thành phố được che mát bởi những cái cây cao hơn 100 mét và có thể sống đến hàng nghìn năm.

Đó là một ví dụ cho phương pháp "hỗ trợ di cư", bởi vì cự sam không phải là loài bản địa ở Bellevue. Biến đổi khí hậu khiến nhiều arborist cân nhắc việc tăng số loài "di thực" cho mảng xanh của thành phố.

Nói chính xác hơn, họ tìm kiếm các loài cây không phải bản địa nhưng không có "khuynh hướng xâm lấn" và thích nghi với tương lai.

Cần hiểu rằng, khi một thành phố nóng lên nó không còn là nó nữa, vì vậy một loài thực vật dù đã tồn tại ở đó hàng trăm năm cũng cảm thấy xa lạ, không thể phát triển tốt.

Trên toàn thế giới, các loài phổ biến ở thành thị như mận anh đào, sồi, phong, dương, du, thông, bạch đàn và hạt dẻ nằm trong số hơn 1.000 loài sẽ chật vật với biến đổi khí hậu, theo nghiên cứu của nhóm Esperon-Rodriguez.

Một số loài cây có thể từ từ di cư về phương bắc, và các loài xâm lấn mới sẽ đến thế chỗ. Nếu các thành phố không liên tục thích nghi, mảng xanh đô thị sẽ bị thoái hóa đáng kể, cảnh quan cũng trở nên xấu xí hơn.

Ngoài ra, chiến lược "hỗ trợ di cư" còn giúp tăng sự đa dạng về chủng loại và độ tuổi của mạng lưới cây xanh đô thị. Khi đó, nếu chúng ta mất một loài, chúng ta sẽ không mất tất cả.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 6.

Hàng cây xanh mát trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 7.

Vào bất kỳ ngày nắng nóng nào, bạn hãy bước vào bóng râm để được nhắc nhở về vai trò của cây cối đối với sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.

Theo một nghiên cứu đầu năm 2023 trên tạp chí Lancet, nếu các thành phố châu Âu tăng gấp đôi độ che phủ của cây xanh (từ 15% lên 30%), hơn 2.600 người đã có thể được cứu sống trong đợt nắng nóng khắc nghiệt năm 2015, tức là giảm được gần 40% số ca tử vong.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 8.

Một con đường có hàng cây xanh che bóng mát ở quận 1

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy chỉ cần nhìn và ngửi cây cối cũng cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, và người Nhật còn có hẳn liệu pháp "tắm rừng" (shinrin-yoku).

Ngoài việc cung cấp bóng râm, cây cối còn làm mát không khí thông qua quá trình thoát hơi nước. Khi lá cây giải phóng nước ở thể lỏng, một lượng nhiệt năng trong không khí xung quanh sẽ được sử dụng để làm nước bốc hơi. Việc này còn có tác động tích cực đến biến đổi khí hậu.

Khi cây cối làm mát môi trường và che nắng cho các tòa nhà, con người sẽ tiết kiệm được một phần năng lượng, từ đó giảm phát thải. Nhờ tăng trưởng, cây xanh cũng giúp "khóa" CO2 vào các tế bào của chúng.

Nhưng nếu điều kiện khí hậu vượt quá khả năng chịu đựng tự nhiên của cây cối, hệ thống điều hòa hoàn hảo này sẽ giảm hiệu quả, thậm chí tắt ngóm - vào thời điểm chúng ta cần nó nhất!

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 9.

Trẻ em chơi đùa dưới bóng cây ở quận 7

Vì thế, nếu các thành phố muốn duy trì những lợi ích trên đây, họ cần bắt đầu lập kế hoạch cẩn thận cho một tương lai không mấy dễ chịu. Họ sẽ cần tự hỏi khí hậu của chúng ta sẽ như thế nào trong 20 - 30 năm tới hoặc loài nào sẽ có thể tồn tại trong những điều kiện đó.

Cùng lúc đó, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo cây cối được phân bổ đồng đều giữa các khu dân cư giàu và nghèo. Tree equity, "công bằng cây xanh", là trồng đúng số lượng cây xanh ở những nơi cần cây xanh nhất, để mọi người có thể trải nghiệm đồng đều những lợi ích mà cây cối mang lại.

May mắn thay, các chuyên gia cây xanh và "bác sĩ cây" là những người đã quen thuộc với kiểu suy nghĩ rất nghiêm túc này.

Nếu muốn một con đường rợp bóng cây cổ thụ 50 năm tuổi, họ thường phải đợi nửa thế kỷ để nhìn thấy thành quả lao động của mình... Không ngoa khi nói trồng cây là đỉnh cao của công tác quy hoạch đô thị.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 10.
Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 11.
Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 12.

Hàng cây xanh dọc kênh Hàng Bàng, quận 6

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 13.
Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 14.
Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 15.

Công viên trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 16.
Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 17.

Mảng xanh ở trung tâm quận 1

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 18.

Trong số những thú vui tuổi thơ có thể biến thành nghề nghiệp thực sự, leo trèo nhưng vẫn được gọi là chuyên gia, bác sĩ có lẽ là điều ít ai nghĩ đến.

Arborist, hay chuyên gia chăm sóc và bảo dưỡng cây, là "bác sĩ" thăm khám lẫn phẫu thuật cho cây, bởi khi cần, chính họ sẽ là người cắt bỏ cành hư để giữ cho cây khỏe mạnh.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 19.

Nick Crawford ở San Francisco (bang California, Mỹ) đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình với chuyện chăm sóc cây. Yêu cây xanh từ nhỏ vì cha làm nghề thiết kế cảnh quan, Crawford chọn ngành lâm nghiệp đô thị khi vào đại học, và cuối cùng trở thành bác sĩ cây.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của một người trồng cây đô thị như Crawford là tỉa bớt cành cây để chừa chỗ cho nhiều ánh sáng hơn; hoặc chặt bỏ các cành lớn, nặng có thể gây nguy hiểm.

Cắt tỉa cành thoạt nghe có vẻ dễ, nhưng để thực hiện đúng cách, cần một quá trình đào tạo và học hỏi rất lớn. "Có lẽ nó giống như cắt tóc. Có vẻ đơn giản khi bạn xem người khác làm, sau đó bạn cũng thử cắt và bạn để lại một cái sẹo suốt đời cho con mình" - Crawford nói với Atlas Obscura.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 20.

Trên thực tế, một người mới vào nghề sẽ cần học gần như mọi thứ và có trăm điều cần phải "hay", theo chia sẻ của chuyên gia Joy Venz ở Melbourne (Úc) với SMH.

Vốn là một giáo viên, Venz đến với nghề sau khi nghe một chuyên gia trồng cây nói chuyện tại một ngày hội tư vấn hướng nghiệp.

Cô nhớ lại: "Khi mới bắt đầu, ngay cả việc vận hành chiếc máy thổi lá cũng là một cuộc đấu tranh với bản thân. Tôi phải thi lấy bằng lái xe tải, học cách sử dụng và bảo trì cưa máy, lấy giấy phép vận hành sàn làm việc trên cao, sau đó tôi dành nhiều ngày để tìm hiểu về đường dây điện và luật liên quan để làm việc gần chúng".

Hiện Venz vẫn đang phải học tên gọi của từng loại cây và cách chúng phản ứng mỗi lần bị cắt tỉa, cũng như kỹ thuật cắt tỉa sao cho đẹp hơn và di chuyển trên cây nhanh hơn.

Để đáp ứng tất cả nhiệm vụ trên, một arborist giỏi phải là người tận tâm, có óc quan sát và hiểu biết khoa học, có kiến thức nền tảng về lâm nghiệp đô thị cũng như khả năng "xơi" các bài báo khoa học đầy biệt ngữ, theo Eric Ong - một "bác sĩ cây" lão làng với 19 năm kinh nghiệm của Ủy ban Vườn quốc gia Singapore (NParks).

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 21.

Hồ Con Rùa với hàng cây cổ thụ được trồng xung quanh hồ

Trong một phiên làm việc tiêu biểu, Ong sẽ kiểm tra, ghi chép các dấu hiệu sinh tồn của cây như một bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhân hoặc ngắm nghía kỹ lưỡng từng cành cây xem chúng mạnh, yếu ra sao, có bị sâu hay nhiễm nấm không, có vết lõm hoặc lồi nào không.

Anh luôn mang theo máy tính bảng để tra cứu tình trạng hiện tại của một cái cây với cơ sở dữ liệu của những lần thăm khám trước, theo mô tả của Atlas Obscura trong một chuyến tận mục sở thị Ong làm việc.

Thỉnh thoảng Ong sẽ khoan vào thân cây hoặc dùng vồ đập vào thân cây và dùng công cụ chuyên dụng để đo sóng âm truyền qua. Đây là cách bác sĩ khám xem cây có mục bên trong hay không (nếu đường sóng uốn khúc chậm, có thể có lỗ sâu trong thân).

Quá trình kiểm tra mất khoảng 15 phút, nhưng đó chỉ là một cái cây.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 22.

Ong và đồng nghiệp ở NParks đặc biệt bận rộn ngay trước các mùa gió Đông Bắc và Tây Nam, vốn luôn đi kèm dông bão, gió giật và lũ quét, khiến cây dễ gãy đổ.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 23.

Trong số 6 triệu cây do NParks quản lý, 1/3 mọc dọc theo các con đường, trong công viên, vườn và trên đất công, số còn lại cách xa giao thông, sinh hoạt của con người, chẳng hạn ở các khu bảo tồn thiên nhiên.

Tất cả chúng cần được kiểm tra mỗi 6 đến 24 tháng. Những cây trưởng thành và cây di sản ở những vị trí đặc biệt cần được kiểm tra thường xuyên hơn.

Lý do là vì cây cũng như người, "các cụ thì cần khám và tầm soát sức khỏe thường xuyên hơn" - Ow Siew Ngim, nhân viên NParks với trên 20 năm thâm niên và mới chuyển sang làm arborist hơn 10 năm nay, nói với CNA.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 24.

Xe buýt hai tầng chạy dưới bóng mát cây xanh trên đường Võ Văn Tần, quận 3

Để tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả làm việc cho các "bác sĩ cây", NParks gần đây đã áp dụng nhiều công nghệ. Chẳng hạn, du khách tham quan Vườn bách thảo Singapore và Vườn Jurong Lake (hai vườn quốc gia do NParks quản lý) thời gian gần đây có thể bắt gặp một chiếc xe thăm dò địa hình (rover) hao hao giống người máy Wall-E đang ghi chép thông số kỹ thuật của tất cả cây cối ở định dạng 3D và những tấm ảnh panorama 360°.

Theo CNA, với một máy quét laser và hai camera được gắn trên khung màu đỏ, chiếc xe di chuyển bằng hai bánh xích cao su và có thể chinh phục mọi loại địa hình nhưng vẫn đảm bảo không làm hại bất kỳ cây xanh nào. Người dùng chỉ việc ngồi lên xe và điều khiển.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 25.

Theo dự đoán, đến năm 2030 số lượng cây thuộc quản lý của NParks sẽ tăng ít nhất 50% từ kết quả mà phong trào OneMillionTrees (Một triệu cây) do Singapore phát động năm 2020 mang lại.

Trước đây khi chưa có xe tự hành, các chuyên gia của NParks phải dùng xe đẩy di chuyển máy quét laser và giá ba chân nặng hàng chục ký phục vụ việc kiểm tra.

Công việc là khổng lồ nếu tính tới số lượng cây họ phải kiểm tra. Mãi tới sau năm 2010, NParks mới ứng dụng các thiết bị di động đầu tiên, mỗi thiết bị được ví von là "những vũ khí tự vệ" có thể nặng tới 2kg và chủ yếu chỉ để cập nhật số liệu.

Ngày nay, NParks sử dụng các thiết bị di động nhẹ hơn và đa năng hơn. Chúng cho phép các bác sĩ cây truy cập thông tin chi tiết của từng cây và cập nhật hồ sơ kiểm tra theo thời gian thực khi ở hiện trường. Việc dùng xe rover giúp các chuyên gia tiết kiệm một nửa thời gian thăm nom từng cây.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 26.

Minh họa về bất bình đẳng cây xanh. Ảnh: treeequityscore.org

Trong những năm gần đây, NParks còn sử dụng các công cụ khác, chẳng hạn cảm biến không dây phát hiện cây nghiêng, thiết bị bay không người lái để tiếp cận mọi ngóc ngách và thuật toán xử lý dữ liệu về độ ổn định của cây trong các điều kiện gió khác nhau.

Cơ quan này còn muốn ứng dụng máy học, trí tuệ nhân tạo và tạo bản sao kỹ thuật số để phát hiện các lỗ sâu hở, cũng như nghiên cứu một công cụ giải phóng mặt bằng theo chiều cao để phát hiện các chướng ngại vật tiềm ẩn từ các cành cây thấp và đảm bảo việc đi lại an toàn cho các phương tiện cao.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 27.


Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 28.
Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 29.

Các "bác sĩ cây" không chỉ chăm nom sức khỏe cho cây đô thị mà còn có thể là nguồn tham mưu quan trọng cho các nhà quy hoạch đô thị để bảo đảm việc xây dựng, phát triển hạ tầng không làm ảnh hưởng nhiều đến mảng xanh của thành phố.

Trong bài viết "Các bác sĩ cây có thể làm việc với các nhà phát triển hạ tầng để bảo tồn hạ tầng xanh dưới áp lực thế nào", trang Deeproot chia sẻ kinh nghiệm của David Dockter, một arborist làm việc tại Cơ quan quy hoạch và môi trường đô thị của TP Palo Alto (California, Mỹ).

Palo Alto, nằm ở trung tâm Thung lũng Silicon, là điểm đến hàng đầu của các công ty và start-up trong lĩnh vực công nghệ. Việc quản lý cây đô thị ở đây vốn chỉ gồm chuyện cắt tỉa cành, xử lý cây gãy đổ nhưng về sau áp lực bảo vệ mảng xanh ngày càng lớn khi tốc độ xây dựng tăng mạnh.

Cột mốc thay đổi là năm 1997, khi hội đồng thành phố quyết định phải có chuyên gia về cây trong bộ máy quy hoạch và môi trường đô thị. Dockter là người đầu tiên giữ vị trí này.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 30.

Hàng cây sequoia khổng lồ bên ngoài Trung tâm giải trí và giáo dục ngoài trời (Đại học Stanford, Mỹ). Ảnh: Trees of Stanford

Palo Alto sẽ tổ chức các buổi họp giữa các chủ đầu tư xây dựng và sở ngành địa phương trước mỗi dự án lớn để các bên cùng thảo luận các phương án liên quan đến mảng xanh có thể bị ảnh hưởng.

Theo luật California, các thành phố được quyền đặt ra các điều kiện phê duyệt liên quan đến cây trước khi cấp phép xây dựng.

Một trong các yêu cầu chính quyền Palo Alto thường đưa ra nhất là dự án nếu có ảnh hưởng đến cây ven đường thì phải bảo đảm lượng đất tối thiểu cho mỗi cây - khoảng 10m3 cho cây nhỏ, 20m3 cho cây vừa và 30m3 cho cây lớn.

Dockter thừa nhận chỗ đất này quá ít ỏi nếu so với môi trường rừng, nhưng đã là khó đạt được trong bối cảnh đô thị.

Tuy vậy, cơ quan của ông vẫn luôn thảo luận với chủ dự án, và mọi vấn đề phải được giải quyết trước khi giấy phép được cấp.

"Thật lòng mà nói chúng tôi cũng nhận được một số phản hồi tiêu cực về chi phí để đáp ứng các điều kiện này (….) nhưng đa số các chủ đầu tư sẽ làm những gì cần thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn lâm nghiệp đô thị" - ông nói thêm.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 31.

Cách thuyết phục tốt nhất là nhắm vào hiệu quả kinh tế. Nhóm của Dockter thường dẫn kết quả nghiên cứu của giáo sư Kathy Wolf (Đại học Washington): khi mua sắm ở khu vực có nhiều bóng cây, người tiêu dùng có xu hướng ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Nếu điều này khó hình dung, họ có ngay ví dụ trực quan: đại lộ University ở Palo Alto, với 90% rợp bóng mát cây tiêu huyền, không khi nào là vắng bóng người.

Theo Dockter, cơ quan quy hoạch đô thị Palo Alto hướng tới việc mọi dự án xây dựng phải đảm bảo các mảng xanh có độ mất mát ròng (net loss) bằng 0.

"Khi có ai muốn dỡ bỏ cây trên đường, chúng tôi sẽ nói rằng sẽ là điểm cộng nếu họ trồng lại chúng ở đâu đó" - ông giải thích.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 32.

Có những cây xanh không chỉ đem lại bóng mát mà trở thành ký ức thân thương, biểu tượng của một vùng đất khiến ai cũng muốn giữ gìn.

Cây dầu đôi Diên Khánh đã trở thành di sản trong lòng người dân huyện Diên Khánh và cả tỉnh Khánh Hòa trước khi được Nhà nước công nhận là Cây di sản năm 2016.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 33.

Năm 2000, UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai dự án mở rộng đường 23 Tháng 10 (nối TP Nha Trang và quốc lộ 1). Theo phương án ban đầu, con đường này sẽ được mở rộng sang hai bên từ tim đường, vị trí cây dầu đôi nằm giữa các làn xe hướng từ ngã ba Thành về TP Nha Trang.

Số phận cây dầu đôi được người dân quan tâm đặc biệt. Sau khi bàn bạc, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khi ấy đã chọn phương án đường phải né cây, yêu cầu Sở Giao thông vận tải làm đường nhưng phải giữ được cây dầu đôi. Đường 23 Tháng 10 sau đó phải thiết kế lại, gốc cây dầu đôi được đưa vào vị trí dải phân cách giữa hai làn đường.

Tuy nhiên, vì cây dầu đôi quá lớn, rễ cây "bơi" đến gần giữa đường nên đơn vị thi công phải cắt bớt một phần rễ cây để đào đất, đổ bê tông làm móng.

Thời gian sau, lá cây dầu đôi bắt đầu héo úa, một số cành cây bị khô tưởng chết đến nơi. "Công ty phải cầu cứu các chuyên gia lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tìm cách cứu cây.

Nhưng nói thẳng là lúc đó chúng tôi cũng không có nhiều hy vọng sẽ cứu được cây bởi hai nhánh rất lớn của cây đã bị chết khô" - ông Trần Đức Thắng, nguyên giám đốc Công ty Môi trường đô thị Nha Trang, kể.

Đó cũng là lúc tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị kỷ niệm 350 năm thành lập tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bấy giờ là ông Phạm Đức Chi chỉ đạo: tốn bao nhiều tiền cũng phải cứu sống cây dầu đôi!

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 34.

Nhắc lại chuyện cứu cây dầu đôi Diên Khánh, ông Trần Đức Thắng nhớ lại khi đó công ty không tìm được đơn vị hay cá nhân nào có kinh nghiệm cứu sống cây cổ thụ mấy trăm tuổi như vậy. Vì thế, phương pháp nào thấy hữu ích thì họ làm, kiểu "có bệnh thì vái tứ phương".

Việc cứu cây dầu đôi tựa như cứu người đang bị bệnh nặng, nguy kịch và thực hiện đồng thời nhiều biện pháp. Bên trên thì cắt, tỉa những cành cây khô, phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng, dưỡng lá... Dưới đất thì đào dỡ bớt phần nhựa đường, xi măng quanh gốc cho rễ cây có chỗ thở.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 35.

Sau đó, dù cây dầu đôi đã bắt đầu hồi tỉnh, lá xanh tăng dần lá vàng giảm đi nhưng việc phục hồi phát triển cây không nhanh chóng, dễ dàng.

Công ty Môi trường đô thị Nha Trang lo xa nên đã tìm một cây dầu đôi khác, cũng có một gốc hai thân, trồng bên cạnh cây dầu đôi cổ thụ phòng khi cây dầu đôi lớn không sống được thì cũng có cây bên cạnh thay thế.

"Lúc tìm mua cây dầu đôi thay thế, chúng tôi cũng giữ kín tiếng để tránh bị hét giá quá cao - ông Thắng kể - Cây con này cũng phải giống cây sinh trưởng ở Khánh Hòa cho hợp thổ nhưỡng, cây dễ sinh trưởng, phát triển bình thường".

Một người dân ở ngã ba Thành cho biết cây dầu đôi nhỏ khi mua về trồng chỉ cao chừng 4-5m, ban đầu được trồng bên đường, nằm về phía nam cây dầu đôi lớn. Nhưng sau đó cây nhỏ được dời vào bên trong tường rào miếu thờ Trịnh Phong. Cây dầu đôi "hậu duệ" trồng vào năm 2004, đến nay cả hai thân đều đã vươn cao chừng hơn 20m.

Ông Lê Văn Thắng - bí thư Đảng ủy xã Diên An, huyện Diên Khánh - kể mấy năm trước mưa lớn nước ngập cả sân miếu thờ nên UBND xã định cải tạo, nâng nền sân miếu để tránh ngập. Khi khảo sát thì đụng hồ chứa nước ngầm cung cấp nước cho cây dầu đôi nên xã dừng cải tạo miếu để tránh ảnh hưởng đến cây.

Sau hơn 20 năm được cứu sống, hồi sinh, cây dầu đôi Diên Khánh đã có thêm nhiều nhánh mới, tàn lá đã xanh hơn. Đi trên đường 23 Tháng 10 từ Nha Trang lên Diên Khánh, nhìn từ xa bóng cây dầu đôi vẫn tròn đều tán, đứng gần giữa đường.

Trên thân cây hiện vẫn còn những sẹo to, dấu vết của trận bệnh thập tử nhất sinh năm nào. Với người dân Diên Khánh, việc cứu sống được cây dầu đôi những năm 2000 vẫn được xem như một kỳ tích. Đó cũng là một kinh nghiệm trong việc giữ gìn, cứu sống cây xanh.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 36.
Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 37.

Trong hai năm (từ 2017 đến 2018), TP.HCM xử lý 258 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng để xây cầu Thủ Thiêm 2, trong đó di dời 115 cây, đốn hạ 143 cây. Theo tuyên bố của Sở GTVT TP.HCM lúc đó, 115 cây được di dời về Trường ĐH Nông lâm.

Hiện các cây xanh được đưa về từ đường Tôn Đức Thắng năm năm trước được trồng xen kẽ với các cây xanh khác trong Trường ĐH Nông lâm ở phường Linh Xuân, TP Thủ Đức (TP.HCM).

Có cây được trồng trong sân trường, trong vườn ươm hoặc khu thực hành, thực nghiệm của các khoa. Nhiều nhất là một hàng 20 cây ở đường dẫn vào khoa lâm nghiệp dài khoảng 200m.

Nhiều cây vẫn còn đeo "vòng kiềng" làm bằng thép. TS Tăng Kim Hồng - trưởng khoa lâm nghiệp, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết những "vòng kiềng" này theo cây từ khi mới "nhập cư" từ trung tâm TP về ĐH Nông lâm.

Khi thay đổi môi trường sống, bộ rễ chưa vững, các vòng kiềng giúp ổn định thế đứng và hạn chế ngã đổ do mưa gió.

Một nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm từng tham gia chăm sóc các cây xanh từ đường Tôn Đức Thắng khi mới được chuyển về cho biết nhiều cây không sống được do bộ rễ bị tổn thương.

Trong quá trình bứng cây, đội nghiệp vụ đào không đúng cách làm đứt một số đoạn rễ quan trọng. Với những cây lâu năm, bộ rễ chỉ thiếu một nhánh sẽ không thể sống.

Sau khi chuyển sang môi trường mới, điều quan trọng nhất là chăm sóc bộ rễ cây. Vì vậy, thời gian đầu đội chăm sóc cây đã bổ trợ các loại phân bón, thuốc kích thích rễ. Sau khoảng 3-6 tháng, bộ rễ có dấu hiệu để biết liệu nó có bám tốt vào đất mới hay không.

Những cây không vượt qua được giai đoạn này sẽ rất khó có thể sống tiếp. Nhưng với những cây xanh có tuổi đời hàng trăm năm như các cây trên đường Tôn Đức Thắng, thay đổi nơi sống không hề dễ dàng và chúng cần nhiều thời gian hơn để thích nghi.

Cây xanh đô thị - “đọc vị” tương lai - Ảnh 38.

Đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) tháng 7 năm 2015

Hiện các cây xanh di dời từ đường Tôn Đức Thắng về Trường ĐH Nông lâm năm năm trước đang được phòng quản trị vật tư Trường ĐH Nông lâm TP.HCM quản lý. Tuy nhiên trong quá trình tác nghiệp, phóng viên TTCT gặp khó khăn khi muốn biết số lượng cụ thể các cây xanh "xuất thân" từ đường Tôn Đức Thắng hiện còn sống được tại Trường ĐH Nông lâm. Phóng viên được nhà trường giới thiệu qua vài phòng ban vẫn chưa nhận được thông tin cần có.

Một cán bộ trường cho biết hiện không có thống kê cụ thể về số lượng cây đã chết, số cây còn sống. Một phần vì sau nhiều năm, các cây xanh này đã được trồng xen kẽ vào hàng ngàn cây rừng đang có ở trường. "Nếu muốn thống kê, chúng tôi sẽ phải đi đếm tay từng cây một", vị cán bộ này nói.

_______________________________________________________

LÊ MY - PHAN BẢO - TỊNH ANH - PHAN SÔNG NGÂN - TRỌNG NHÂN
QUANG ĐỊNH
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên