11/03/2015 10:08 GMT+7

​Cây roi mây giữ nghiêm luật ở Singapore

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Ở Singapore, luật lệ luôn được giữ vững một cách nghiêm khắc tuyệt đối, vì thế đôi khi gây tranh cãi trên thế giới.

Hai thanh niên Đức Andreas Von Knorre (trái) và Elton Hinz trên đường đến tòa án hồi tháng 11-2014 - Ảnh: Reuters
Luật phải xử lý mạnh thì người ta mới tuân thủ nghiêm túc. Những vết roi để lại sẹo suốt đời còn gì. Ai nhìn vào đấy cũng phải sợ. Cũng nhờ đó mà Singapore rất sạch sẽ
Anh Nguyễn Văn Thanh Huy

Tuần trước, tòa án ở Singapore đã tuyên phạt hai du khách trẻ người Đức 9 tháng tù giam và ba roi mỗi người vì đã xịt sơn vẽ bậy lên tàu điện của đảo quốc này. Hai du khách trẻ này là Andreas Von Knorre (22 tuổi) và Elton Hinz (21 tuổi).

Họ đã đột nhập vào ga bảo dưỡng tàu điện ở Singapore hồi tháng 11-2014 và xịt sơn lên các toa tàu. Họ kịp thoát sang nước Malaysia láng giềng nhưng rồi vẫn bị bắt ngay tại sân bay Kuala Lumpur và bị dẫn độ về lại Singapore.

Von Knorre đau đớn thừa nhận trước tòa: “Đây là khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời tôi”, trong khi Hinz hứa với tòa sẽ không tái phạm. Mặc dù hai du khách trẻ đã nhận tội nhưng thẩm phán vẫn chấp nhận đề nghị của cơ quan công tố về mức phạt kể trên.

Tôn trọng nhưng phản đối

Theo Reuters, một quan chức Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin nói chính phủ nước này tôn trọng Singapore nhưng vẫn “lên tiếng phản đối nhục hình như một hình phạt”.

Báo The Local của Đức dẫn lời luật sư Christopher Bridges nói ông đã xin cho hai thân chủ trẻ của mình được giảm hình phạt xuống còn 5 tháng tù và ba roi cho mỗi người nhưng không được. Ông Bridges dẫn chứng cả hai thân chủ của mình đã ăn năn hối cải và gia đình họ đã quyên góp tiền gửi bồi thường chi phí sửa chữa hư hại (dù bị công ty điều hành tàu điện SMRT trả lại).

Tại một nơi đề cao sự sạch sẽ, kỷ luật và trật tự như Singapore, xịt sơn vẽ bậy là một tội rất nghiêm trọng và bị coi là phá hoại. Theo luật, tội phá hoại có thể bị phạt tới 2.000 SGD (khoảng 1.450 USD), tù giam tới 3 năm và bị đánh từ 3-8 roi.

Hình thức phạt roi có từ thời thuộc địa Anh ở Singapore và người thụ án bị đánh bằng roi mây vào mông trần. Các vết thương sẽ để lại sẹo vĩnh viễn. Những người từng bị đánh roi kể lại rằng họ bị đau thấu xương. Có người từng bị đánh một roi vào mông mà phải nằm nghiêng cả tháng sau đó!

Quân pháp bất vị thân

Trước việc hai du khách trẻ người Đức bị tuyên án đánh roi, Tổ chức Theo dõi nhân quyền của Mỹ (HRW) đã chỉ trích kịch liệt Singapore, gọi việc đánh roi là hình thức tra tấn. Tuy nhiên, hôm 9-3 chính quyền Singapore đã lên tiếng bảo vệ bản án của tòa và bác bỏ những chỉ trích của HRW.

AFP trích lời người phát ngôn cơ quan công tố Singapore: “Luật chống phá hoại của Singapore không phải lạ lẫm. Luật này áp dụng đối với bất kỳ ai vi phạm”. Người phát ngôn cũng nói thêm đánh roi không phải tra tấn. “Ở Singapore nó được thực hiện theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và được bác sĩ theo dõi mọi lúc” - bà giải thích.

Đây không phải lần đầu tiên người nước ngoài bị đánh đòn ở Singapore và cũng không phải lần đầu tiên vụ việc kiểu này gây tranh cãi. Năm 2010, công dân Thụy Sĩ Oliver Fricker đã bị phạt 7 tháng tù giam và ba roi sau khi đột nhập vào ga bảo dưỡng tàu điện và xịt sơn lên toa tàu.

Nhưng vụ đầu tiên và đình đám nhất có lẽ là vụ cậu thiếu niên người Mỹ Michael Fay bị kết tội phá hoại xe hơi và tài sản công cộng hồi năm 1994. Fay bị tuyên phạt tới sáu roi. Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ấy đã nỗ lực tác động để Fay không bị đánh. Chính quyền Singapore “nể tình” giảm xuống bốn roi nhưng vẫn nhất quyết thi hành bản án.

Singapore cũng phạt roi chính công dân của mình. Binh sĩ 20 tuổi Dave Teo Ming hồi năm 2008 đã bị đánh 18 roi vì ăn cắp súng trong khi đang làm nhiệm vụ. Theo Sydney Morning Herald, Malaysia và Brunei cũng áp dụng hình thức phạt roi nhưng dành cho các tội khác.

Theo Reuters, người nước ngoài ở lại Singapore quá hạn thị thực cũng là tội có thể bị phạt bằng đòn roi. Các tội hình sự khác như bắt cóc, cướp giật, lạm dụng ma túy và ngược đãi tình dục cũng có thể bị phạt theo cách này.

Số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay trong năm 2012, Singapore đã tuyên án 2.203 trường hợp bị đòn roi, trong đó có 1.070 người nước ngoài vi phạm các tội về di trú.

Nhập gia tùy tục

Anh Nguyễn Văn Thanh Huy, một người Việt sống và làm việc lâu năm ở Singapore, cho rằng hình phạt đánh roi cho tội phá hoại là nghiêm khắc nhưng hiệu quả. Anh Huy kể lại trường hợp người bạn của anh lỡ vứt tàn thuốc lá và bị cảnh sát mặc thường phục (dù đã hết ca làm việc) bắt và phạt 200 SGD (145 USD).

“Ngay cả chuyện bạn uống lon nước ngọt ở ghế đá nơi công cộng, đứng dậy bỏ đi mà lon nước ngọt vẫn còn đó cũng sẽ bị phạt” - Huy cảnh báo.

Vì thế du khách Việt Nam đi Singapore thường được dặn dò kỹ lưỡng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Trường, giám đốc Công ty du lịch Thanh niên xung phong (TP.HCM), cho hay các đoàn khách trước khi đi nước ngoài đều được họp lại để thông báo và dặn dò.

“Riêng với khách đi Singapore, chúng tôi còn phải dặn dò thêm là không được đem theo kẹo cao su, không hút thuốc ở những nơi có biển cấm, không được xả rác hay nhổ nước bọt bừa bãi vì những lỗi như vậy sẽ bị phạt nặng” - ông Trường khẳng định.

Dĩ nhiên hướng dẫn viên cũng không quên kể những câu chuyện về công dân nước ngoài bị phạt roi vì tội phá hoại ở Singapore.

Là một người làm trong ngành du lịch và từng đi nhiều nước trên thế giới, ông Trường nhấn mạnh quan điểm nhập gia tùy tục. “Anh có thể lựa chọn không đến nhà người ta. Còn nếu muốn đến thì phải tuân thủ luật lệ ở đó” - ông Trường khuyến cáo.

 

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên