10/06/2016 09:50 GMT+7

Cay đắng đời “rau răm”...

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Tối 10-6, sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ công diễn vở kịch Rau răm ở lại được cảm tác từ truyện ngắn Ơi Cải về đâu! của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Từ trái qua: Đoàn Thanh Tài (vai Thàn), NSƯT Thành Hội (vai Năm Nhỏ) và Hoàng Vân Anh (vai Thương) trong vở Rau răm ở lại - Ảnh: T.T.D.
Từ trái qua: Đoàn Thanh Tài (vai Thàn), NSƯT Thành Hội (vai Năm Nhỏ) và Hoàng Vân Anh (vai Thương) trong vở Rau răm ở lại - Ảnh: T.T.D.

Truyện ngắn Ơi Cải về đâu! ngay khi ra mắt đã gây xúc động cho độc giả với câu chuyện ông Năm Nhỏ mòn mỏi tìm con riêng của vợ. Truyện sau đó được Ngọc Tưởng viết kịch bản và dàn dựng trên sân khấu kịch Nụ cười mới với tên Cải ơi!. Tiếp đó, đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng dàn dựng thành vở kịch ngắn 90 phút cho nhóm kịch Hướng Dương diễn theo mô hình kịch cà phê.

Sau hơn một năm trở thành vở kịch hot của nhóm kịch Hướng Dương, lần này vở được đầu tư dàn dựng chuyên nghiệp và có chiều sâu hơn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh (kịch bản và đạo diễn: Thái Kim Tùng, biên tập: Hoàng Thái Thanh).

Nói về duyên nợ với Cải ơi!, đạo diễn Thái Kim Tùng chia sẻ: “Ngay từ lần đầu đọc truyện này tôi đã rất thích. Cải được xem là nhân vật chính trong truyện nhưng không xuất hiện trực tiếp. Thế nhưng xuyên suốt câu chuyện, Cải không bao giờ biến mất, Cải vẫn ở đó một cách gián tiếp, dai dẳng, ám ảnh và đau đáu... Truyện của chị Tư hay, nhưng để lên sàn dàn dựng thì có rất nhiều cái khó đòi hỏi chúng tôi phải tìm tòi để có cách kể đi vào trái tim người xem...”.

Từ trái qua: NSUT Thành Hội (vai ông Năm nhỏ), Hoàng Vân Anh( vai Thương) và Đoàn Thanh Tài (vai Thàn) trong vở Rau răm ở lại - ảnh: T.T.D
Từ trái qua: NSƯT Thành Hội (vai ông Năm nhỏ), Hoàng Vân Anh (vai Thương) và Đoàn Thanh Tài (vai Thàn) trong vở Rau răm ở lại - ảnh: T.T.D

Rau răm ở lại, điểm nhấn vẫn là câu chuyện hơn chục năm trời đi tìm đứa con tên Cải của ông Năm Nhỏ. Vì làm mất trâu nên Cải bỏ nhà đi biệt xứ. Ông Năm Nhỏ mang tiếng oan là đối xử tệ với con riêng của vợ, để Cải phải bỏ đi khi mới 8 tuổi. Xót đứa con không sinh nhưng thương như con ruột, lại bị miệng đời đàm tiếu, ông Năm lang bạt khắp nơi tìm Cải.

Vô tình, ông gặp Quách Phú Thàn - anh chàng bán kem mê hát bị gia đình cấm đoán, đã bỏ nhà đi với lời thề khi nào thành ca sĩ nổi tiếng mới trở về. Rồi ông gặp Diễm Thương - đứa nhỏ bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn trong nhà lồng chợ, rồi cô Huệ - chủ quán Chiều Tím mang mối hận tình... Những mảnh đời dang dở tưởng sẽ bị cuốn trôi trong dòng xoáy của cuộc đời, nào ngờ nhờ một chữ tình mà họ trôi bập ghép về với nhau...

Với vai Năm Nhỏ, NSƯT Thành Hội thêm lần nữa đóng dấu “thương hiệu” của mình với dạng vai ông già bề ngoài xù xì, thô ráp, gàn dở, có phần cực đoan nhưng ẩn sâu bên trong là con người chân tình, nghĩa khí, chung thủy.

Năm Nhỏ của Thành Hội làm trái tim người xem xao xác theo những “tiếng rao” (như cái cách người đời hay mỉa mai) tìm con ở những gánh hát nghèo vùng quê hay chốn xô bồ, tạp nham ở bến bắc (bến phà).

Cách Năm Nhỏ nâng niu, vén vạt áo chùi sạch bùn đất, hay dầm mưa lạnh run chỉ để giữ tấm bìa cactông có ghi chữ “Cải ơi má chờ” không bị hư ướt làm người ta rưng rưng. Năm Nhỏ trở thành sợi chỉ lay lắt trong câu chuyện khiến người ta quặn lòng, không biết khi nào nó sẽ đứt vì sự mòn mỏi...

Yếu tố mới nhất trong Rau răm ở lại là có thêm nhân vật bà Năm. Đây là một nhân vật có nhiều bí ẩn và gây bất ngờ cho người xem với diễn xuất đầy biến hóa của nghệ sĩ Ái Như. Cô Huệ của Lương Duyên cũng được chăm chút để làm rõ tính cách và số phận nhân vật.

Bộ ba nghệ sĩ cứng nghề Thành Hội - Ái Như - Lương Duyên đã kết nối, nâng đỡ dàn diễn viên trẻ như Đoàn Thanh Tài, Hoàng Vân Anh, Kim Phước, Thế Hải, Nguyễn Long... đưa người xem qua những miền heo hắt, những phận đời như những chiếc đò không bến.

Đeo đuổi một chữ tình

Nghệ sĩ Ái Như chia sẻ: “Rau răm ở lại là vở kịch thứ ba sân khấu Hoàng Thái Thanh dàn dựng từ kịch bản được cảm tác từ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư (trước đó có vở Nửa đời ngơ ngác dựng từ truyện Chiều vắng và vở Bao giờ sông cạn dựng từ truyện Dòng nhớ).

Có lẽ những vở kịch của sân khấu Hoàng Thái Thanh cảm tác rồi viết thường từ một chữ tình, mà chữ tình của Nguyễn Ngọc Tư đậm chất nhân văn, rất phù hợp với xu hướng nghệ thuật mà chúng tôi theo đuổi”.

Khàn giọng sau những ngày tập luyện căng thẳng, ngay bên sàn tập, nữ nghệ sĩ nặng tình với sân khấu còn gửi gắm một hi vọng:

“Một vở kịch hấp dẫn, ngoài việc khiến khán giả khóc, cười cùng nhân vật trên sân khấu còn đọng lại trong họ những suy tư, trăn trở. Vở kịch sẽ thành công ở mức độ nào đó nếu nó tác động lên suy nghĩ, hành động của khán giả, khiến họ thay đổi một quan niệm hay tư duy cố hữu trong cuộc sống”.

THU HUYỀN ghi

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên