02/03/2014 08:02 GMT+7

Cây cầu lịch sử

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Trong những người chết vì bom đạn trên cầu Long Biên có cô học trò giỏi của tôi! Nỗi đau xảy ra vào một chiều tháng 8-1967, Mỹ bất ngờ đánh phá huyết mạch qua sông Hồng. Em học sinh lớp 10 Hồng Thúy đang về thăm nhà ở Hà Nội thì bị trúng bom ngay cầu Long Biên. Chờ mãi không thấy con về, gia đình tất tả đi tìm, chỉ còn thấy chiếc xe đạp nát bét vẫn còn vương máu Thúy nằm chỏng chơ trên nhịp cầu chưa sập!”.

Ba phương án xây mới, bảo tồn cầu Long BiênThủ tướng yêu cầu giữ nguyên cầu Long Biên

Đó là một trong nhiều kỷ niệm mà nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã tâm sự với tôi vào chiều thu năm 2009 trong nhà riêng tràn ngập tư liệu Hà Nội của ông. Khi biết tôi thực hiện Ký sự cầu Long Biên, ông đã cho mượn quyển L’Indo - Chine Francaise (Souvenirs) của Paul Doumer. Viên toàn quyền Đông Dương sau là tổng thống Pháp đã dành nhiều trang kể công trình xây dựng cầu Long Biên (lúc ấy mang tên Doumer) từ năm 1898-1902.

Dấu ấn Việt trên cầu được chính Paul Doumer ghi chi tiết rằng ban đầu thợ Trung Quốc được tuyển làm thợ tán đinh nối các dầm sắt. Nhưng rồi người Việt đã thay thế vì họ khéo léo, chăm chỉ hơn, và kỹ sư Pháp cũng thích thợ Việt hơn. Đặc biệt, một số thương nhân Việt cũng được tin tưởng như Bạch Thái Bưởi trúng thầu gỗ tà vẹt đường ray và quản lý cả một phần việc xây dựng...

Mặc dù kể lể công lao mình, nhưng Paul Doumer cũng không tiếc lời ca ngợi sự đóng góp to lớn của người Việt. Ông kể phu Việt vào chuông sắt thả xuống lòng sông, đào móng cầu. Nó càng xuống sâu lòng đất, áp lực càng khủng khiếp. Nhiều phu chết, phu khác lại thay. “Người An Nam nhỏ bé, kiên cường dưới độ sâu mà không một lời kêu ca, phản đối”. Và ngày khánh thành, Paul Doumer phải thốt lên: “Nó là một kiệt tác của kiến trúc sư, đốc công, chỉ huy trưởng người Pháp và những người thợ Việt. Chính các công nhân này đã xây dựng nên toàn bộ cầu”.

Những ngày ở Hà Nội tìm tư liệu cho Ký sự cầu Long Biên, tôi còn được ông Phúc gọi đến nhà nhiều lần để tiếp tục bổ sung ký ức về cây cầu như là chứng nhân lịch sử.

Thời gian đã trôi qua như nước sông Hồng cuộn chảy dưới chân cầu Long Biên. Bao sự kiện vui buồn, máu và nước mắt gắn liền với thân phận cây cầu vắt qua ba thế kỷ này cũng chính là một phần lịch sử đầy biến động, bi hùng của dân tộc.

Một người bạn Nhật của tôi gắn liền với ngành khảo cổ Việt gần 20 năm, từng thốt lên rằng: “Tôi thật sự ngưỡng mộ và cũng thật tiếc cho lịch sử nước bạn. Mới vài trăm năm thôi mà đâu rồi di tích đại đồn Kỳ Hòa, đâu rồi kinh thành Thăng Long vàng son, đâu rồi tàng thư khổng lồ của Quốc sử quán...? Vâng, các bạn có thể lý giải do lửa chiến tranh hủy diệt. Nhưng hãy nhìn nhận sự thật trong đó có bao nhiêu sự vô tâm hay cố ý phá hoại của con người?”.

Những câu hỏi như xát muối vào lòng và thật khó trả lời!

Vừa rồi, người ta lại tốn bao giấy mực tranh luận ngược xuôi nên hay không cần thiết phải giữ cây cầu lịch sử Long Biên. Sự việc ồn ào đến mức chính Thủ tướng cũng phải khẳng định quan điểm phải bảo vệ cầu.

Và lịch sử đâu chỉ là trang giấy ố vàng, thành quách rêu phong hay sắt thép hoen gỉ. Mà cao hơn tất cả, giá trị lịch sử chính là tấm gương trung thực nhất để người ta soi rọi lại bao điều đúng sai, được mất đã trôi qua, để đặt bước chân đúng đắn vào tương lai.

Chúng ta hãy sống, hành xử như thế nào để mai sau con cháu được tự hào tiếp tục kể lại về tổ tiên mình!

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên