13/02/2014 04:40 GMT+7

Ba phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về phương án vị trí xây cầu vượt sông Hồng thuộc dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Hà Nội) giai đoạn I với ba phương án liên quan đến việc xây mới, bảo tồn cầu Long Biên do tuyến đường sắt này có hướng tuyến trùng với tuyến đường sắt hiện có từ Hà Nội sang Gia Lâm (đi qua cầu Long Biên).

JAOcvRNf.jpg
Cầu Long Biên đoạn giữa sông Hồng còn rất ít nhịp cầu nguyên bản - Ảnh: Việt Dũng

Phương án 1 được Bộ GTVT đưa ra là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời chín nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. Theo Bộ GTVT, với phương án 1, cầu Long Biên hiện nay sẽ được bảo tồn dạng bảo tàng bằng cách gia cố, sửa chữa (nguyên bản) để khai thác đường bộ hai bên cầu phục vụ du lịch bãi giữa sông Hồng, đường sắt ở giữa sẽ đặt đầu máy để làm bảo tàng lưu giữ nét cổ kính xưa của cầu Long Biên - Hà Nội.

Phương án 2 là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp giàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Cầu mới được dùng cho cả đường sắt, đường bộ (đường sắt đôi chạy ở giữa, ôtô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà). Theo phương án này, việc bảo tồn cầu cũ là bảo tồn sống theo quan điểm bảo tồn và phát triển.

Phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn. Thực hiện phương án này sẽ giữ lại chín nhịp cầu còn nguyên bản phía Hà Nội để bảo tồn mang tính nguyên bản, nghĩa là giữ nguyên cầu cũ, không thay đổi vị trí và kết cấu.

Theo Bộ GTVT, cả ba phương án trên diện tích chiếm dụng đất của dự án đều hơn 60.000m2 và di dời hơn 600 nhà dân với chi phí giải phóng mặt bằng từ 867 tỉ đồng (phương án 1 và 2) đến 989 tỉ đồng (phương án 3). Phương án 1 chi phí xây dựng cần 7.982 tỉ đồng, phương án 2 cần 9.094 tỉ đồng, phương án 3 cần 9.389 tỉ đồng. Trên cơ sở so sánh các phương án, Bộ GTVT cho rằng phương án 1 có ưu điểm vượt trội về kinh tế, kỹ thuật, kiến trúc và bảo tồn cầu Long Biên cũ cũng như về giải phóng mặt bằng.

Trước đó, ngày 25-10-2013, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư (Tổng công ty Đường sắt VN) nghiên cứu phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng trùng với cầu Long Biên hiện có, hướng tuyến hai đầu cầu trùng với hướng tuyến đường sắt hiện có và xây dựng cầu đường sắt cho dự án đường sắt đô thị số 1 đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên