20/09/2017 10:42 GMT+7

Cậu trò nghèo mơ vào trường cảnh sát

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Mồ côi cha, mẹ sớm đi thêm bước nữa, cậu học trò Mai Thanh Huy, lớp 12/1 trường THPT Nguyễn Thái Bình (Thăng Bình, Quảng Nam) đã rèn luyện cho Huy bản lĩnh hơn những người bạn cùng trang lứa.

Cậu trò nghèo mơ vào trường cảnh sát - Ảnh 1.

Dàn trầu không là nguồn nuôi sống hai bà cháu Huy qua ngày - Ảnh: TẤN LỰC

Tuổi thơ khốn khó Huy lớn lên trong vòng tay cưu mang của bà ngoại. Vừa đi học vừa đi làm, đến khi rời khỏi mái trường phổ thông thì Huy cũng cứng tay nghề của một anh thợ điện nước và lấy đó làm "vốn" lận lưng bước tiếp vào giấc mơ giảng đường.

Nương tựa dàn trầu

Đường vào nhà Huy tại thôn 5, xã Bình Dương, toàn một màu cát trắng và những cụm phi lao còi cọc chen lẫn gai xương rồng lúp xúp trải dài như vô tận dọc hai bên tuyến đường cao tốc Tam Kỳ - Cửa Đại. 

Dù cách vùng quy hoạch một dự án giải trí, nghỉ dưỡng trị giá nhiều tỉ đô la Mỹ không xa, những mái nhà cư dân nơi đây vẫn trầm mặc, dửng dưng với cơn lốc nhà đầu tư đang ồ ạt kéo vào sắp sửa thay đổi diện mạo vùng đất này. 

Khoảng sân trước căn nhà cũ kỹ nơi hai bà cháu Huy đang sống là dàn trầu không xanh mướt. Những lá trầu sống trên đất cát nhỏ nhưng dày mình và cay nồng, những bó dây đan quyện thành mạng nhện để nâng đỡ, bao bọc lấy nhau, cùng chống chọi với nắng gió miền biển. 

Dây trầu vừa cắt những lá già đã nhanh chóng mọc ra lá non, cứ thế gần hai mươi năm nay những lá trầu nối tiếp nhau nuôi sống hai bà cháu.

"Ngày trước người dân còn ăn trầu nhiều, hai bà cháu tui quần quật cắt lá cả ngày không kịp cho mối lái tới lấy, còn bây chừ có khi cả tuần mới bán được vài ba chục ngàn. Người ăn trầu mỗi ngày một ít lại, mối lái cũng không nhiệt tình như trước nữa. Đôi khi nhà nào có đám đình hay cưới hỏi hai bà cháu mới bán được vài chục bó thôi" - bà Nguyễn Thị Lương (73 tuổi), ngoại của Huy, bộc bạch.

Tuổi ngoài thất thập, như người khác có lẽ đã được vui sống quây quần cùng con cháu nhưng bà Lương vẫn còn nặng gánh cháu con. Bà có hai người chồng thì một người là liệt sĩ, người kia là thương binh (nay đã mất), để lại cho bà hai sổ trợ cấp chính sách. 

"Một sổ liệt sĩ một triệu ba trăm ngàn, sổ tuất thương binh bảy trăm ngàn một tháng. Hai bà cháu gói ghém ăn uống, đám đình, chi dùng trong tháng là hết trơn cái sổ thứ nhứt, cái thứ hai tui để dành cho thằng Huy đi học" - bà Lương nói.

Cậu trò nghèo mơ vào trường cảnh sát - Ảnh 2.

Những ngày chờ nhập học, Huy chạy sửa điện nước gom tiền - Ảnh: TẤN LỰC

Anh thợ điện nước lành nghề

Từ lúc hay tin đậu vào Đại học Phòng cháy chữa cháy (cơ sở phía Bắc) với điểm số 26,5, hiếm ai thấy Huy ở nhà. Vác cặp đồ nghề với kìm, búa, khoan, đục lỉnh kỉnh trên vai, Huy theo chân người cậu ruột đeo bám các công trình xây dựng từ quê ra phố với khao khát kiếm tiền. 

Huy gầy, cao dong dỏng và… đen sì, đôi mắt sắc đầy nghị lực. Làn da chưa hết tuổi non nớt đã chuyển sang chai sạm từ bao giờ, những ngón tay dài gân guốc và cục mịch, chẳng có dáng vẻ gì của một thư sinh. 

Có những hôm tối muộn Huy mới tới, trên người mặc nguyên bộ quần áo công trình lem luốt chạy xộc vào lớp rồi khoát vội tấm áo dài tay che bên ngoài. Nhà nghèo cảnh khó vậy mà năm nào em cũng có giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Ai chớ Huy thì giáo viên tụi tôi thương như con cái trong nhà mình".

Cô Ngô Thị Minh Sương

Từ năm học lớp 8 Huy đã lẽo đẽo theo chân cậu đi công trình, thoáng cái giờ đã ra ông thợ lành nghề. Cưa, khoang, cắt, đục, đi dây điện, kéo ống nước… công trình nhỏ to nào Huy cũng "xử ngọt" hết. Khách có nhu cầu làm điện nước chỉ cần nói nhà rộng bao nhiêu, xây mấy tầng là Huy tính công, nhẩm ra tiền ngay tắp lự. 

"Nhà phố xây hai tấm, diện tích sàn 100 mét vuông thì công thợ khoảng 20 triệu đồng, khách nào cần gấp thì mình "hô giá" lên thêm vài triệu nữa. Nhận xong cậu kêu thêm 7-8 người làm, em chỉ tham gia một chân thôi."

Huy kể, hồi đầu mới đi làm, có những nhà xây xong mới cho đi dây,  em đục sàn bê tông tóe máu cả hai bàn tay vẫn không thủng. Bây giờ quen việc, nhà to nhỏ gì làm cũng được, đi dây âm, đục sàn bê tông đều được tuốt. Có nghề rồi, thả ra đi đâu cũng sống được" - Huy cười khì khì, nói.

Thời gian thi xong ở nhà chờ nhập học, ngày nào Huy cũng đi làm từ sáng tới tối mịt. Những ngày còn học phổ thông, Huy bảo mỗi tuần chỉ làm vài ba buổi, dành thời gian còn lại lên lớp và đi học thêm. 

Biết hoàn cảnh của Huy, các thầy cô dạy thêm cũng miễn luôn học phí. Huy bảo tranh thủ thời gian gom tiền để ra Hà Nội nhập học có cái trang trải. Sống giữa thủ đô đắt đỏ, tiền bạc không biết mấy cho đủ nên dành dụm được càng nhiều càng đỡ. 

Huy khoe làm riết mấy tuần nay đã dành được dăm bảy triệu, dư dả tiền tàu xe ra Hà Nội nhập học.Cũng vì hoàn cảnh nên Huy chọn học ngành công an để không phải nặng gánh lo học phí và ổn định công việc khi ra trường.

Nghe hỏi đến Huy, cô Ngô Thị Minh Sương, giáo viên chủ nhiệm 12-1, không ngớt lời khen cậu học trò cưng của mình. Vừa đi học, vừa đi làm nhưng không bao giờ Huy bỏ buổi, trừ những lúc ốm đau nặng còn hầu như ngày nào cũng lên lớp đúng giờ. 

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên