03/10/2017 14:44 GMT+7

Cắt giảm bộ máy: Phải làm thực chất!

NGỌC AN - LAN ANH
NGỌC AN - LAN ANH

TTO - Hội nghị trung ương 6 khai mạc sáng 4-10 sẽ bàn thảo đề án xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Vấn đề là phải làm như thế nào cho thực chất?

Cắt giảm bộ máy: Phải làm thực chất! - Ảnh 1.

Nhằm thực hiện cải cách, theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), hiện các tỉnh thành đang thực hiện sắp xếp các trung tâm cùng chức năng y tế dự phòng tại tuyến tỉnh. Tại tuyến huyện sẽ sáp nhập các bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH - Đồ họa: Tấn Đạt - Nguồn: Bộ Y tế

Bối cảnh đặc biệt trước đây thấy cần thiết ra đời ban chỉ đạo như thế. Đây chỉ là tổ chức tạm thời, chỉ nên tồn tại trong thời gian ngắn, để lâu có khi sinh tiêu cực. Như vừa rồi đã xảy ra tiêu cực (ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ). Nhìn chung, các ban này ít tác dụng

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói về mô hình đặc thù 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ (Tuổi Trẻ ngày 2-10)

Thời gian qua tại hai bộ Công thương và Y tế, việc tinh giản, sắp xếp lại bộ máy đã "rục rịch" triển khai và bước đầu cho thấy việc tinh giản bộ máy ở cấp bộ là việc cần phải làm sớm.

Không để bình mới rượu cũ

Là một trong những bộ ngành đầu tiên triển khai thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo theo chỉ đạo của Chính phủ, đến thời điểm này cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương đã dần được hoàn thiện.

Vốn được xem là một cơ quan "siêu bộ" khá cồng kềnh về cơ cấu tổ chức khi có tới 35 đơn vị đầu mối, ngay sau khi kiện toàn tổ chức thì tháng 11-2016, một trong những nội dung lớn được Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đưa ra họp bàn để thông qua là phương án kiện toàn và tái cấu trúc nhân sự.

Dự thảo đề án ngay sau đó đã được công khai lấy ý kiến rộng rãi, khi trong phương án chỉ còn 28 đơn vị thay vì 35 đơn vị như hiện nay. Chỉ có 9 đơn vị được giữ nguyên tên gọi, chức năng nhiệm vụ, còn lại hầu hết các cục, vụ của bộ này đều được xây dựng trên cơ sở hợp nhất, điều chuyển.

Thậm chí trong phương án còn mạnh dạn đưa ra những thay đổi lớn như xóa bỏ một tổng cục để chuyển đổi thành các đơn vị mới... Ngay khi dự thảo đề án được đưa ra, đã có không ít ý kiến nghi ngại liệu việc tách, nhập các đơn vị có là "bình mới rượu cũ".

Đến tháng 8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt nghị định 98 về cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công thương. Mặc dù có thay đổi so với dự thảo ban đầu, song về cơ bản cơ cấu tổ chức mới của bộ này đã được hình thành, từ 35 đơn vị giảm xuống còn 30 đơn vị.

Ngay sau khi quyết định được phê duyệt, Bộ Công thương đồng thời công bố quyết định phân giao nhiệm vụ cho các lãnh đạo tạm thời phụ trách các đơn vị cục, vụ mới.

Với cấp phó các đơn vị, ban cán sự Đảng của bộ này thống nhất bước đầu sẽ điều động nhân sự cấp phó theo sự điều chuyển về chức năng, nhiệm vụ. Sau quá trình rà soát, đánh giá sẽ sắp xếp lại theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "mỗi đơn vị chỉ có ba cấp phó".

Cắt giảm bộ máy: Phải làm thực chất! - Ảnh 3.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ông Huỳnh Minh Đoàn (nguyên phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp): Tồn tại thì phải thay đổi

Tôi nhớ bác Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) có nói ban chỉ đạo gì mà lưng lửng, đầu không đội trời, chân không đạp đất.

Ban này chỉ đạo, đôn đốc gì cũng khó bởi bên dưới đã có các cơ quan tỉnh ủy, UBND trực thuộc trung ương và Chính phủ.

Sự tồn tại của ban chỉ đạo như Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ là chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với các cơ quan khác cũng như chồng chéo với các ngành của hệ thống trung ương.

Chưa nói tới việc bộ phận tham mưu, tổ chức của ban chỉ đạo đôi khi không bằng cơ quan tham mưu của các địa phương.

Nếu còn để ban chỉ đạo này tiếp tục tồn tại thì phải điều chỉnh cách chỉ đạo, lãnh đạo, tham mưu, cũng như thay đổi về phong cách, trách nhiệm của thành viên ban chỉ đạo. Còn nếu để như cũ thì tốn kém, không hiệu quả.

CHÍ QUỐC ghi

Mô hình trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Mỹ

Trong khi đó tại Bộ Y tế, theo ông Phạm Văn Tác - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, hiện các tỉnh thành đang thực hiện sắp xếp các trung tâm cùng chức năng y tế dự phòng tại tuyến tỉnh. Đã có trên 30 tỉnh thành có quyết định thành lập trung tâm y tế dự phòng mới theo mô hình trung tâm kiểm soát dịch bệnh (tương tự mô hình CDC của Hoa Kỳ). 

"Hiện một số tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Giang đã sáp nhập rồi" - ông Tác cho biết.

Theo khảo sát của Bộ Y tế, có những huyện miền núi cả trung tâm y tế dự phòng có 3 bác sĩ và đều làm các chức danh lãnh đạo, quản lý, không có bác sĩ làm chuyên môn. 

Khi sáp nhập thành trung tâm y tế 2 chức năng (vừa khám chữa bệnh vừa dự phòng) sẽ giảm được số lượng bác sĩ làm quản lý để tăng bác sĩ cho khối chuyên môn, đồng thời tiết giảm rất đáng kể nhân lực làm hành chính như lái xe, văn thư, thủ quỹ, kế toán...

Tại bệnh viện, ông Tác cho biết nhiều bệnh viện đã có những cải cách hành chính để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thông qua những biện pháp như đặt lịch khám qua điện thoại và Internet, đặt các dải màu để hướng dẫn người bệnh hướng đi khoa khám bệnh, hướng tới khu vực xét nghiệm...

21 bệnh viện tự chủ về tài chính như Bạch Mai, Việt Đức, K... cũng đã có những biện pháp để thu hút bệnh nhân. 

Ông Trần Văn Thuấn, giám đốc Bệnh viện K, cho biết bệnh viện đã mở phòng khám bệnh từ 6h sáng hằng ngày và làm việc ngoài giờ để bệnh nhân không phải chờ thêm ngày mới được xét nghiệm và chụp chiếu, trong khi trước đây có người phải chờ 2-3 ngày mới được chụp cộng hưởng từ hoặc các dịch vụ có ít thiết bị khác.

Theo một chuyên gia của Bộ Y tế, hướng sáp nhập kể trên là hướng đi phù hợp, châu Âu, châu Á, kể cả Lào và Campuchia đều đã thực hiện, ngoại trừ VN hiện mới đang triển khai.

Cắt giảm bộ máy: Phải làm thực chất! - Ảnh 5.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Phải làm đồng bộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng trong bối cảnh hiện nay vấn đề cơ cấu lại bộ máy, tinh giản biên chế đang là bài toán khó, khi biên chế vẫn ngày càng phình ra thì việc Bộ Công thương giảm đầu mối là một nỗ lực. 

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng vấn đề tiếp theo là cần phải làm thực chất, hiệu quả, bởi nếu không sẽ không tránh khỏi những nghi ngờ liệu cải cách có thực chất hay không.

Nhìn nhận từ câu chuyện mới đây Bộ Công thương tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, gắn với việc tái cơ cấu bộ máy, ông Thiên đặt câu hỏi là khi cơ cấu lại bộ máy, giảm con người thì có giúp doanh nghiệp cắt giảm được thời gian, chi phí? Do đó, không chỉ là nỗ lực của riêng Bộ Công thương mà còn nhiều việc cần phải làm.

Trước hết, việc tái cơ cấu, tinh giản biên chế không chỉ riêng ở Bộ Công thương mà nhiều bộ, ngành khác, cần phải trên cơ sở nhìn nhận đầy đủ chức năng của bộ máy ấy như thế nào thì mới cắt giảm, chứ không thể căn cứ trên số lượng biên chế để bày việc. 

Việc giảm đầu mối, hợp lý hóa chức năng là cơ sở để tổ chức bộ máy, có thể tăng thêm đơn vị, nhưng phải theo xu hướng chung là hợp lý hóa, tạo thuận lợi. Bởi nếu giảm bộ máy, giảm quy trình mà thủ tục vẫn như vậy thì phải xem lại.

Do đó, theo TS Trần Đình Thiên, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ, làm một cuộc cách mạng, tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa các bộ ngành để đảm bảo hiệu quả đồng bộ trong cải cách, tái cơ cấu bộ máy.

Cắt giảm bộ máy: Phải làm thực chất! - Ảnh 6.

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt nghị định 98 về cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công thương, từ 35 đơn vị giảm xuống còn 30 đơn vị. Trong ảnh: trụ sở Bộ Công thương trên phố Hai Bà Trưng, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: VIỆT DŨNG

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội):

Coi đây là một chủ trương lớn

1

Thực tế có những người không trụ nổi ở ngoài đã "chạy" vào nhà nước để hưởng lương mỗi tháng mà việc chỉ cần làm "tà tà". Ngược lại, những người thực sự có khả năng họ tìm cách nghỉ nhà nước, ra ngoài để được thể hiện năng lực bởi ở lại họ bị kìm hãm không phát triển, không được đãi ngộ.

Việc tinh giản bộ máy là vấn đề cấp bách cần phải làm ngay. Cần coi đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng điểm, khẩn cấp như chủ trương chống tham nhũng, lợi ích nhóm chứ đừng chỉ hô hào. Nhiệm vụ này phải trở thành một cuộc cách mạng.

Có thể khi tiến hành tinh giản biên chế sẽ đau xót, động chạm con ông cháu cha nhưng nó đem lại lợi ích cho đất nước sau này. Bởi một bộ máy cồng kềnh thì gánh nặng không chỉ dừng lại ở việc trả lương bây giờ mà hậu quả còn là gánh nặng cho bảo hiểm xã hội.

Ông Nguyễn Tuấn Anh (35 tuổi, phó trưởng phòng, tổ tổng hợp Ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế):

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

2

Bên cạnh tinh giản, cần ứng dụng công nghệ thông tin. Khi số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, số lượng người quản lý càng ít thì rõ ràng phải đẩy mạnh công nghệ thông tin hỗ trợ thêm và tăng cường đào tạo.

Ngoài ra, Nhà nước cần có nhiều chương trình đào tạo trong và ngoài nước để tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức.

Vấn đề nhiều công chức hiện nay đến "ngồi chơi", theo tôi, quan trọng nhất là câu chuyện chỉ đạo, điều hành và giao việc cho nhân viên mỗi người một việc, giám sát thế nào.

Khi công việc nhiều, sếp giám sát chặt chẽ thì nhân viên không thể "lất pha lất phất" được.

TÂM LỤA - HÀ THANH lược ghi

NGỌC AN - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên