21/03/2016 08:01 GMT+7

Cát cứ, “phân lô bán nền” hoành hành vùng biển Tây

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TTO - Ngư dân bức xúc về “ngư trường đen”. Đó là tình trạng cát cứ, “phân lô bán nền” đang diễn ra trên vùng biển Tây mấy năm gần đây.

Chỉ huy bộ đội biên phòng hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đối thoại với ngư dân Kiên Giang phản ảnh về tình trạng cát cứ, mua bán 
ngư trường trong sáng 20-3 - Ảnh: Nguyễn Triều
Chỉ huy bộ đội biên phòng hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đối thoại với ngư dân Kiên Giang phản ảnh về tình trạng cát cứ, mua bán ngư trường trong sáng 20-3 - Ảnh: Nguyễn Triều

Tại buổi đối thoại với đại diện chỉ huy bộ đội biên phòng hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau sáng 20-3, nhiều ngư dân bức xúc dùng từ “ngư trường đen” để chỉ tình trạng cát cứ, “phân lô bán nền” đang diễn ra trên vùng biển Tây mấy năm gần đây.

Phổ biến nhất của tình trạng này là những người làm nghề đánh ốc mực (bằng cách xâu những vỏ ốc thành dây, thả xuống biển cho mực chui vào rồi kéo lên bắt - PV), lưới ghẹ chọn ngư trường rồi thả phao đánh dấu ranh mốc để xí chỗ, không cho các phương tiện khác vào đánh bắt. Các tàu hành nghề cào muốn vào khu vực này khai thác thì phải thỏa thuận, trả tiền cho các “chủ nền” để họ kéo lưới, cuốn ốc lên. Muốn vào cào trong khu vực này, mỗi ngày chủ tàu cào phải trả trung bình 2 - 7 triệu đồng tùy diện tích ngư trường.

Trường hợp không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được mà các tàu cào vào khai thác thường bị cánh ốc mực, lưới ghẹ bao vây đòi bồi thường 15 - 20 triệu đồng/lần. Thậm chí có trường hợp xảy ra xô xát, đập phá tài sản của nhau ngay trên biển.

Anh Bùi Đình Lĩnh, chủ tàu KG-94405 TS, kể tháng 7-2015 tàu của anh phạm vào khu vực “nền” của ông Ba ở Hòn Heo (xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) đã bị nhiều người đi vỏ lãi mang theo dao búa ra bao vây hành hung, đập phá đồ đạc trên tàu và đòi phạt đến 20 triệu đồng. Qua trung gian thương lượng, cuối cùng anh phải chung chi cho phía ông Ba 5 triệu đồng mới được yên thân.

Cũng tại buổi đối thoại sáng 20-3, nhiều ngư dân bức xúc cho rằng có hiện tượng một số cá nhân trong biên phòng Cà Mau tiếp tay, bảo kê cho những người đánh ốc mực, lưới ghẹ cát cứ ngư trường.

Theo người dân, khi xảy ra xung đột giữa các bên, người của biên phòng sau đó cũng có mặt nhưng không xử lý mà chủ yếu để các chủ bãi tự thương lượng, đòi tiền bồi thường. Chưa kể có trường hợp khi tàu cá vi phạm, khi bị biên phòng kiểm tra lập biên bản thì có người đứng ra móc nối để “chạy” không bị ra quyết định xử phạt với giá 7 - 15 triệu đồng.

Không dừng lại ở chuyện “phân lô bán nền” trên mặt biển, tình trạng cát cứ ngư trường ở biển Tây đã đến mức “tức nước vỡ bờ” khi vào tối 18-3, bốn cán bộ, chiến sĩ biên phòng Cà Mau trong lúc giải quyết tranh chấp trên biển đã bị các tàu cá của ngư dân Kiên Giang chở thẳng về thị xã Hà Tiên vì không hài lòng.

Trung tá Võ Văn Sử - phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Cà Mau - xác nhận bốn cán bộ, chiến sĩ này được cử làm nhiệm vụ ra giải quyết tranh chấp giữa các ngư dân trên biển vào đêm 18-3.

Trung tá Võ Văn Sử khẳng định nhiệm vụ của biên phòng là tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân.

“Việc bà con cho rằng một số cá nhân trong biên phòng tiếp tay, bảo kê cho nạn cát cứ, mua bán ngư trường chúng tôi ghi nhận và sẽ điều tra, nếu có vi phạm sẽ xử lý thích đáng” - trung tá Sử nói.

 

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên