
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 7-5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia
Bà Trà cho biết mục tiêu sửa luật lần này để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Từ đó góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Trong số các điểm mới của dự luật, đáng chú ý chương quy định về nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Trong đó, cán bộ, công chức có nghĩa vụ chấp hành quyết định của cấp trên.
Tuy nhiên khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định.
Trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định.
Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay dự luật tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành.
Đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và phục vụ nhân dân.
Trong đó hướng đến chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, dự luật quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng, gắn với năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ, qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực phấn đấu thực chất cho cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.
Quy định các phương thức tuyển dụng linh hoạt, ngoài thi tuyển, xét tuyển truyền thống còn bổ sung hình thức tiếp nhận đối với những người có tài năng, kinh nghiệm từ khu vực ngoài công lập, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước… hoặc thực hiện ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức, đồng thời tăng cường cơ chế hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Dự luật cũng đưa ra nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức.
Trong đó quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính.
Bổ sung cơ chế để xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời” và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận