Ùn xe kéo dài trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn Q.2, TP.HCM chiều 23-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó, các phương án nhằm giảm kẹt xe trên tuyến cao tốc này vẫn đang nằm trên... kế hoạch.
Cao tốc trở thành "thấp tốc"
Nhiều người than phiền trước đây chỉ xảy ra kẹt xe vào những ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật, nay kẹt xe lan rộng thêm ngày thứ sáu do người dân TP.HCM và các tỉnh miền Tây đi du lịch về Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng nhiều. Một cán bộ của Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, đơn vị quản lý đường cao tốc này, dự báo vào mùa hè năm 2019, kẹt xe có thể kéo dài từ thứ năm đến... chủ nhật.
Là người thường xuyên đi trên tuyến cao tốc này, chị Nguyễn Thanh Đạm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết bình thường đi trên đoạn đường cao tốc dài khoảng 20km chỉ mất khoảng 12-15 phút, nhưng lúc bị kẹt xe thì mất hàng giờ. Theo chị Đạm, xe từ hướng Vũng Tàu cứ mỗi lần băng qua quốc lộ 51 rẽ vào đường cao tốc là rất vui mừng vì vượt được một cửa ải kẹt xe.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thanh (Q.Bình Thạnh) cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến kẹt xe trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là do ít người sử dụng thẻ thu phí tự động. Hơn nữa, nhiều người sử dụng thẻ thu phí tự động tại tuyến đường cao tốc này lại không sử dụng trên các tuyến cao tốc khác hoặc ở các trạm thu phí khác.
Chẳng hạn, đơn vị thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khác với trạm thu phí trên quốc lộ 51 và khác với các trạm thu phí ở Bình Dương. "Vì vậy, những người lái xe cảm thấy rất bất tiện khi mua thẻ thu phí tự động. Tại sao không thống nhất một loại thẻ thu phí tự động trong phạm vi cả nước?" - anh Thanh đặt vấn đề.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), thống kê từ năm 2015 đến nay, lưu lượng lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa mãn tải (số lượng xe lưu thông vượt quá khả năng đáp ứng cao tốc) theo thiết kế.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lưu lượng đoạn từ Long Thành - TP.HCM đã gần tiệm cận mãn tải theo thiết kế. Cá biệt, trong một số khung giờ cao điểm vào các ngày cuối tuần, lễ, tết..., mật độ phương tiện tăng cao theo hướng từ Long Thành về TP.HCM đã vượt so với thiết kế.
Ngoài ra, tình trạng ùn ứ giao thông tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chủ yếu xảy ra theo hướng xe lưu thông từ Long Thành về TP.HCM vào các ngày cao điểm cuối tuần, dịp nghỉ lễ, tết, dịp hè. Hoặc ùn ứ giao thông xảy ra trên quốc lộ 51 hướng đi về TP.HCM, dẫn đến các phương tiện đổ dồn về cầu Long Thành, trạm thu phí Long Phước và nút giao An Phú.
Đồ họa: V.CƯỜNG
Có giảm được kẹt xe?
Để giải quyết kẹt xe trên đường cao tốc, một cán bộ quản lý đường cao tốc cho biết sẽ đề xuất biện pháp cấm xe loại 4, loại 5 (xe tải nặng, xe container) lưu thông trong các giờ cao điểm. Bởi vì các xe này chạy tốc độ chậm, nhất là lúc xe lên cầu Long Thành khiến tất cả các loại xe khác phải giảm tốc độ và gây ra kẹt xe.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 - cho biết đến nay vẫn chưa nhận được đề xuất trên, đồng thời cho rằng cần phải nghiên cứu và xem xét cẩn thận đề xuất này. Bởi vì việc cấm xe tải lưu thông trên cao tốc trong giờ cao điểm sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Do đó, cần phải hỏi ý kiến của các hiệp hội vận tải và các doanh nghiệp.
Để xử lý tình trạng kẹt xe trên tuyến đường cao tốc này, theo một lãnh đạo VEC, phương án trước mắt là thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến đường nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường công tác tuần đường nhằm chủ động phối hợp lực lượng chức năng xử lý kịp thời các sự cố, tai nạn xảy ra trên đường cao tốc. Tăng cường nhân sự vận hành, phối hợp với cảnh sát giao thông C08, Công an huyện Long Thành, cảnh sát giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức phân luồng từ xa tại vòng xoay quốc lộ 51 hướng dẫn các phương tiện đi thẳng theo quốc lộ 51 để về TP.HCM.
Ngoài ra, VEC sẽ phối hợp với VOV giao thông để cập nhật tình hình đi lại trên tuyến đường này, gắn biển báo điện tử trên tuyến đường nhằm giúp chủ phương tiện lựa chọn lộ trình thích hợp; tổ chức mở làn ngược chiều, bán vé thủ công nhằm tăng năng lực thông hành qua trạm; tạm đóng đường tại nhánh A - quốc lộ 51 để giảm lưu lượng vào đường cao tốc...
Tuy nhiên, về lâu dài, vị này thừa nhận phải tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để thực hiện đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đặc biệt xây dựng mới cầu Long Thành 2; thực hiện dự án xây dựng hoàn thiện nút giao An Phú, đường vành đai 2 TP.HCM; điều chỉnh phương án tổ chức giao thông.
Những "cửa ải" kẹt xe
Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km, trong đó kẹt xe nặng nề nhất là đoạn từ TP.HCM đến quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài khoảng 20km. Đây là đoạn đường "cửa ải" kẹt xe khiến rất nhiều người ngao ngán đường cao tốc này. Theo ghi nhận của chúng tôi, có 3 điểm kẹt xe nặng nề.
Một là ở nút giao quốc lộ 51 và nhánh rẽ vào đường cao tốc hướng về TP.HCM bị dòng xe trên quốc lộ 51 cắt ngang. Điểm "đen" thứ 2 là cầu Long Thành "thắt cổ chai" vì mặt đường cao tốc cho 6 làn xe (trong đó có 2 làn dừng khẩn cấp) lưu thông nhưng khi đến cầu Long Thành bị thu hẹp 4 làn xe. Và điểm kẹt xe thứ 3 là đoạn ở nút giao An Phú vì dòng xe từ cao tốc ra đến đường Mai Chí Thọ để rẽ về đường hầm sông Sài Gòn, gặp dòng xe cắt ngang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận