13/04/2024 09:42 GMT+7

Nguồn cát và vật liệu xây dựng cho cao tốc: chờ đến bao giờ?

Các dự án cao tốc, công trình trọng điểm được áp dụng cơ chế đặc thù, thuận lợi trong đền bù giải tỏa, lợi thế này cũng trở nên vô ích nếu thiếu cát san lấp.

Do thiếu cát nên một số gói thầu tuyến vành đai 3 TP.HCM phải nằm chờ, tại các gói thầu XL10 qua huyện Bình Chánh chủ yếu chỉ có xe múc để dọn dẹp cỏ dại  - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Do thiếu cát nên một số gói thầu tuyến vành đai 3 TP.HCM phải nằm chờ, tại các gói thầu XL10 qua huyện Bình Chánh chủ yếu chỉ có xe múc để dọn dẹp cỏ dại - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Đây là vấn đề lớn cần cấp thẩm quyền vào cuộc giải quyết toàn diện, không thể chần chừ được nữa.

Một giám đốc quản lý dự án cho biết từ lúc khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào ngày 17-6-2023 đến gần cuối tháng 2-2024, dự án đoạn qua Cần Thơ "vẫn chưa có một hạt cát" nào (công trường cần 7 triệu m3).

Đẩy tiến độ: cách nào?

Có hai giải pháp đang được đề xuất cho cao tốc tại ĐBSCL. Thứ nhất là tận dụng nguồn cát biển dồi dào. Chẳng hạn tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng hơn 680 triệu m3. Nhưng giải pháp này vướng nhiều hạn chế do cần thêm nhiều thời gian để nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả mới có thể áp dụng đại trà.

Giải pháp thứ hai là làm đường trên cao. Chi phí xây dựng cho phương án này sẽ cao hơn so với đắp nền trực tiếp trên mặt đất. Ưu điểm đổi lại là sự an toàn về lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường, chủ động trong xây dựng.

Tính kinh tế trong xây dựng phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó thời gian cũng là điều kiện quan trọng để cân nhắc. Dự án cao tốc được đưa vào sử dụng sớm sẽ tạo ra giá trị to lớn, cũng như mở rộng không gian phát triển mới cho các vùng trọng điểm.

Thiết nghĩ trong bối cảnh hiện nay, cấp thẩm quyền cần chủ động linh hoạt giữa lợi ích kinh tế, chi phí đầu tư, tối ưu hóa giải. Trong đó có hướng điều chỉnh thiết kế để giảm thiểu sử dụng cát san lấp, phù hợp địa hình, bảo vệ môi trường chứ không chỉ vì tiêu chí giảm vốn.

Chỗ nào thoát lũ, nguy cơ lún sâu thì có thể nghiên cứu làm đường trên cao như những đoạn qua định vị tuyến theo sơ đồ lún dự báo tốc độ lún từ 1,5cm/năm trở lên. Trong đó có cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nơi cần đến 24,45 triệu m3 cát san lấp. Phương án này vừa giảm thiểu ngăn cách khu vực đồng bằng vừa giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động làm móng trụ, sản xuất kết cấu đường lên cao mang đến lắp đặt.

Cách làm này là giải pháp thay thế cát sông, tận dụng vật liệu sắt thép, xi măng sẵn có trong nước, tiêu thụ hàng hóa nội địa, giải ngân đầu tư công, kích cầu trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thêm những giải pháp lâu dài

Khi thiết kế luôn muốn an toàn, không bao giờ đưa vào vật liệu chưa có trong tiêu chuẩn cho phép. Làm theo kiểu mẫu có sẵn để dễ được xét duyệt. Thành ra phần lớn các dự án xây dựng sử dụng cát san lấp khi chọn phương án đắp nền.

Công trình đường bộ đòi hỏi lượng cát san lấp lớn. Ngoài cát sông san lấp, việc xử lý cao độ công trình có thể tận dụng các vật liệu san lấp khác vừa tiết kiệm vừa đáp ứng mục tiêu đầu tư như tận dụng nền đường cũ bóc bỏ, đất đồi dốc, đất hoang hóa…

Chẳng hạn khảo sát một vài địa hình trên cao, dốc núi nào đó lân cận không có rừng phòng hộ hoặc rừng nguyên sinh, giảm thiểu tác động đến môi trường vẫn có thể xử lý cao độ, khai thác cung cấp vật liệu đắp nền cao tốc là một giải pháp.

Những nước phát triển họ chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường, ngoài làm đường trên cao khi qua vùng đất yếu hoặc khoan xuyên qua núi, họ có chiến lược phát triển ngành vật liệu tái chế để dùng trong xây dựng. Nước ta cần có chiến lược đầu tư phát triển ngành vật liệu xây dựng một cách bài bản, lâu dài và đa dạng hóa.

Nếu chưa sản xuất được vẫn có thể nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ nước ngoài để tái chế chất thải xây dựng, vật liệu từ các công trình cũ, đất đá tại chỗ để tái sử dụng thay thế cát san lấp. Nghiên cứu tái chế xỉ, tro thải, chất thải rắn từ các nhà máy nhiệt điện than, xi măng tồn trữ cũng là một nguồn bổ sung, vừa giảm chi phí quản lý, ô nhiễm môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên.

Làm được việc này như các nước phát triển sẽ đóng góp to lớn thúc đẩy kinh tế. Có thể xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách nếu có chính sách ứng dụng, triển khai đồng bộ, khả năng thu hồi vốn sẽ thu hút các nhà đầu tư. Đây cũng là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp tái chế.

Buộc phải đổi mới cơ chế lấy hiệu quả để ưu tiên chứ không chỉ chú trọng quy trình thủ tục. Phân phối khai thác nguồn tài nguyên trong giới hạn cho phép, mở cửa thị trường tạo cơ chế cạnh tranh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, vật liệu xây dựng cùng với giá cả, tiền lương, nhân công. Việc này không thể chần chờ thêm nữa!

Tận dụng đất nạo vét sông hồ

Trước mắt, dự án đường vành đai 3 kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (TP.HCM) được chỉ định điều phối cát vật liệu san lấp.

Về lâu dài, với nhiều công trình lớn cần tính đến vật liệu san lấp khác. Thuận lợi nhất vẫn là sử dụng vật liệu tại chỗ, gần nhất. Lượng đất bồi lắng 145 triệu tại lòng hồ thủy điện Trị An hay lượng đất khổng lồ bồi lắng dưới sông quanh khu vực huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi nếu được nạo vét kịp thời vừa xử lý tận dụng san lấp sẽ rất thiết thực không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn cho các dự án sắp tới như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 4 TP.HCM…

Vấn đề là khâu phối hợp, liên kết giữa các lĩnh vực công trình giao thông, khoáng sản gồm cát và đất, chuyên ngành xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng. Việc này liên quan nhiều bộ ngành (xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường và khoa học công nghệ). Cần có "nhạc trưởng" ở cấp quốc gia để chỉ đạo thống nhất và hiệu quả.

Vành đai 3 TP.HCM mới huy động 0,4/9 triệu m³ cát san lấpVành đai 3 TP.HCM mới huy động 0,4/9 triệu m³ cát san lấp

Trong bối cảnh khan hiếm vật liệu, đặc biệt tại dự án vành đai 3 TP.HCM, UBND TP.HCM đề nghị nhà thầu chia sẻ trách nhiệm, chấp thuận giảm lợi nhuận để huy động vật liệu từ nhiều nguồn khác nhau.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên