Sự việc xảy ra chiều 29-4 bên trong sân một cụm chung cư ở Hà Nội. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy bên cạnh chiếc xe cứu thương bị khóa bánh xe là một người bệnh đang nằm, chuẩn bị được chở đi cấp cứu.
Khu vực đỗ xe là phạm vi dành riêng cho phòng cháy chữa cháy.
Phía ban quản lý khu đô thị cho biết chiều cùng ngày, chiếc xe cứu thương đỗ tại khu vực cấm của sân tòa nhà một thời gian dài. Sự việc sau đó được cư dân báo với lực lượng an ninh.
Do xe đang tắt máy, không hú còi và không có lái xe bên trong nên nhân viên bảo vệ đã khóa bánh xe. Sau đó, bảo vệ này đứng trực giám sát cạnh xe và khi cư dân bị thương được đưa xuống đã mở khóa ngay.
Bảo vệ làm đúng trách nhiệm
Ủng hộ cách xử lý của nhân viên bảo vệ, độc giả Lão Ngọc bình luận: "Bảo vệ khóa xe vậy là ổn, đứng đó trực lại càng ổn hơn. Xe cứu thương mà máy móc, đèn còi tắt ngúm như vậy thì ai biết là đang làm nhiệm vụ hay không".
Đồng tình, tài khoản Bigwin có ý kiến: "Người bảo vệ đã làm đúng trách nhiệm. Nếu xe cấp cứu không phải vào đợi chở bệnh nhân mà chỉ đỗ tạm thời thì sao? Lại đỗ vào vị trí dành riêng cho phòng cháy chữa cháy nữa. Lái xe đi đâu, sao không bật còi ưu tiên?".
"Không ít người lợi dụng lái xe cứu thương nên thích đậu hay đi sao cũng được. Ở trường hợp này thì bảo vệ đứng canh kế bên và mở khóa ngay lập tức khi có bệnh nhân xuống. Xe cứu thương ở trên đậu rất nhiều giờ nên chú bảo vệ làm vậy là chuẩn rồi", bạn đọc Hải chia sẻ.
Theo bạn đọc Lưu Minh, "bảo vệ đã xử lý hợp tình hợp lý. Xe đỗ lâu không bật đèn khẩn cấp thì họ có thể nghĩ là xe đang không làm nhiệm vụ. Nhưng bảo vệ cũng đã túc trực để mở khóa ngay khi xe đưa bệnh nhân đi cấp cứu".
Bạn đọc Lan Hậu cũng thấy rằng "bảo vệ làm như vậy là vì trách nhiệm chung thôi. Họ cũng ở đó để mở khóa ngay tức khắc khi có bệnh nhân xuống. Không nên vì một tấm ảnh mà đánh giá cả câu chuyện".
Bảo vệ khóa bánh xe là cứng nhắc
Tuy nhiên, không ít bạn đọc cho rằng việc bảo vệ khóa bánh xe cứu thương như trên là quá cứng nhắc trong xử lý vụ việc.
Độc giả Q.Trường thắc mắc: "Bảo vệ khóa xe rồi còn đứng canh làm gì? Chưa kể khóa xe ở chỗ hành lang xe phòng cháy chữa cháy ra vào, lỡ có cháy mà bảo vệ bận đi chữa cháy thì xe cứu thương di chuyển kiểu gì?".
Tương tự, bạn đọc Mai cũng đặt câu hỏi: "Chiếc xe cứu thương đậu ở lối vào của xe phòng cháy chữa cháy là không đúng quy định rồi. Nhưng khóa nó lại luôn thì tình hình sẽ tốt hơn hay có thể gây nguy hiểm hơn?".
"Xe cấp cứu thì phải đỗ chỗ nào thuận tiện cho vận chuyển bệnh nhân chứ. Khóa bánh ở vị trí dành cho xe cứu hỏa là hành động máy móc cần xem lại. Nếu có cháy, xe cứu hỏa đến lại chờ mở khóa xe cấp cứu, lại gây thêm phiền phức và những việc ngoài ý muốn", bạn đọc Hung Cao có ý kiến thêm.
"Bảo vệ khóa bánh xe cứu thương cứng nhắc quá. Chi bằng không khóa mà vẫn trực ngay xe chờ tài xế ra xem thế nào rồi nhắc nhở thì hay hơn", tài khoản 01052 cũng ý kiến.
"Cũng may là bảo vệ mở khóa bánh ngay, chứ mà có chuyện gì với sức khỏe bệnh nhân thì hậu quả rất khó lường", độc giả Lại Quang Tấn viết.
Quy định ra sao?
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: "Xe cứu thương khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... (điều 22 Luật Giao thông đường bộ).
Như vậy, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu sẽ được quyền ưu tiên khi di chuyển trên đường.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là xe cứu thương sẽ được quyền ưu tiên dừng xe, đỗ xe ở bất cứ nơi đâu. Việc dừng xe, đỗ xe của xe cứu thương phải tuân thủ đúng quy định như: không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.
Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định… (điều 18, điều 19 Luật Giao thông đường bộ).
Đồng thời, xe cứu thương khi đi vào nhà chung cư thì cũng phải chấp hành nội quy quản lý, sử dụng với các nội dung quy định theo quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (ban hành kèm theo thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15-2-2016 của bộ trưởng Bộ Xây dựng).
Trong đó quy định áp dụng đối với chủ sở hữu, người sử dụng, người tạm trú và khách ra vào nhà chung cư; các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư và việc xử lý các hành vi vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư; quy định về việc sử dụng phần sở hữu chung của nhà chung cư…
Trong vụ việc này, ban quản lý khu đô thị cho rằng xe cứu thương đỗ sai vị trí, để đảm bảo lưu thông hành lang phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu nên bảo vệ chung cư cần có cách xử lý linh hoạt hơn (không cần phải khóa bánh xe cứu thương) để có thể đảm bảo việc cứu người cũng như an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu chung cư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận