21/11/2018 09:38 GMT+7

Cảnh giác với 'bẫy' tin giả

HỮU KHÁ - TUYẾT MAI
HỮU KHÁ - TUYẾT MAI

TTO - Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, đặc biệt là các thông tin liên quan đến việc bắt cóc, dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn giao thông…

Cảnh giác với bẫy tin giả - Ảnh 1.

Sau khi tin giả lan truyền trên mạng, hàng trăm người đã đến mua đất ở khu đô thị Golden Hills (Đà Nẵng) - Ảnh: HỮU KHÁ

Tuy nhiên, các thông tin này không phải lúc nào cũng chính xác, thậm chí nhiều thông tin còn bịa đặt, không đúng sự thật hoặc được thổi phồng quá đáng, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc cho người dân.

Sốt đất "ảo", mất tiền thật

Gần đây, thị trường nhà đất ở Đà Nẵng liên tục xảy ra các đợt sốt giá đất bất thường. 

Lý do sốt đất là vì trên mạng xã hội tràn ngập những thông tin mà các đối tượng "vẽ" ra kiểu như thành phố sắp xây dựng dự án cầu đường, cảng biển, di dời nhà máy thép, hàng loạt dự án "ngàn tỉ" đầu tư vào khu công nghệ cao.

Đỉnh điểm vụ tung tin giả để tạo nên cơn sốt đất xảy ra đầu tháng 11-2018, tại khu vực khu đô thị Nam Cầu Tuyên Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) và khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). 

Đối tượng làm giả một văn bản rồi tung lên mạng xã hội, ngay lập tức hàng trăm "cò" đất, các sàn giao dịch bất động sản chia sẻ lan truyền chóng mặt. Văn bản giả có nội dung: Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký đồng ý chủ trương xây cầu nối từ khu đô thị Nam Cầu Tuyên Sơn sang khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.

Ngay sau khi văn bản giả này được tung lên mạng, giới "cò" đất, các sàn giao dịch bất động sản "thổi" giá đất ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn và khu đô thị sinh thái Hòa Xuân lên rất cao. 

Hàng ngàn người đã đổ xô về các khu vực trên hoặc đến các sàn giao dịch bất động sản mua đất. Hiện có rất nhiều người đã "xuống" tiền đặt mua các lô đất ở khu vực nêu trên với giá cao ngất ngưởng.

Không chỉ tung tin giả về giá đất để đẩy giá đất lên cao, nhiều đối tượng còn tung tin giả nhằm vụ lợi như để "câu view, câu like", tăng số lượng người theo dõi các trang bán hàng online của mình, để thu hút thêm khách hàng hay nhận tiền quảng cáo, thậm chí chỉ để đùa giỡn, tạo sự chú ý.

Nhiều tin giả lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội như tung tin máy bay rơi, tin vỡ đập thủy điện hoặc tin giả về các loại thần dược chữa bách bệnh... 

Nhiều người thiếu hiểu biết tin các thông tin này là thật dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, gây hoang mang, mất niềm tin vào chính quyền, cơ quan tổ chức...

Nhiều trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội như trên đã bị cơ quan chức năng xử lý. Điển hình là việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ người tung tin đồn vỡ đập hồ Núi Cốc vào tháng 8-2017.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), điều 5 nghị định 72/2013/NĐ-CP nghiêm cấm hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Tùy theo tính chất và mức độ hành vi mà có thể xử lý về hành chính, dân sự hoặc bị xử lý hình sự.

Còn theo điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), "người nào có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật... gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác" có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, nếu tung tin thất thiệt trên mạng xã hội gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Thái (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng có thể xem hành vi làm giả văn bản của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng để tung tin vấn đề đầu tư, xây dựng dự án nhằm tạo thông tin ảnh hưởng đến giá đất là hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước. 

Trong trường hợp dùng tin đồn sai lệch để lừa bán đất giá cao mang tính lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Làm gì để tránh "sập bẫy"?

Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện nay nhiều "cò" đất tự tung tin đồn về thông tin quy hoạch, mở đường, sắp xây dựng dự án để đẩy giá đất lên cao. 

Tuy nhiên, đây chỉ là giá "ảo". Nhiều người dân không biết đã đổ xô vào mua với giá cao ngất ngưởng, sau đó dự án, quy hoạch không diễn ra như tin đồn.

Những thông tin quy hoạch như trên hoàn toàn có thể biết và kiểm tra được từ nhiều nguồn. Từ thông tin được bên bán cung cấp, người mua đất có thể trực tiếp đến phòng tài nguyên - môi trường, sở xây dựng, sở quy hoạch - kiến trúc... để xác nhận thông tin, thậm chí chỉ cần đến UBND phường, xã nơi được cho là sắp quy hoạch dự án cũng có bản đồ quy hoạch. 

Ngoài ra, đối với dự án cấp tỉnh thì trên cổng thông tin của tỉnh cũng có thể đăng tải thông tin này.

Tương tự, luật sư Thái nói Nhà nước cần thường xuyên thông tin, công khai, cung cấp các thông tin chính thức về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc thông tin về các vấn đề đầu tư xây dựng các công trình ảnh hưởng đến dân sinh.

Việc này nhằm tăng thêm lượng thông tin "sạch" cho người dân, giảm cơ hội cho những đối tượng lợi dụng chuyện "đói" thông tin của người dân để trục lợi.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng người dân cần phải nâng cao cảnh giác trước những “bẫy” thông tin, đặc biệt là đối với những thông tin về bất động sản.

Đà Nẵng giao công an điều tra vụ tung tin giả

tin gia anh

Văn bản giả chủ tịch UBND TP Đà Nẵng để tung lên mạng, tạo cơn sốt thị trường nhà đất - Ảnh: H.KHÁ

Ông Hoàng Sơn Trà - phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng - vừa ký văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ về việc xử lý thông tin giả mạo.

Theo ông Trà, hiện nay trên các báo và trang mạng xã hội đang đăng tải một văn bản giả mạo được cho là của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký với mục đích tạo nên cơn sốt đất.

Vì vậy, chủ tịch UBND TP giao Công an TP Đà Nẵng kiểm tra, xác minh thông tin nói trên. Nếu có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Bị cảnh báo giả, khách trên máy bay TP.HCM đi Hà Nội hoảng sợ Bị cảnh báo giả, khách trên máy bay TP.HCM đi Hà Nội hoảng sợ

TTO - Chuyến bay VJ198 của Hãng Vietjet Air tối 19-11 khiến hàng trăm hành khách đã hoảng hốt khi bay vòng hơn 30 phút và quay đầu hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi lịch trình bay đến Hà Nội.

HỮU KHÁ - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên