Cần làm gì để xử lý dứt điểm việc này?
Nhiều xe máy chạy vào đường cao tốc
Anh Lê Văn Sang, người từng chứng kiến ba lần xe máy chạy vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, kể lại: "Do thường xuyên chạy xe chở khách nên tôi nhiều lần hú vía bởi sự xuất hiện của những chiếc xe máy trên đường cao tốc.
Để đảm bảo an toàn cho họ, tôi chạy chầm chậm kè vào sát làn dừng khẩn cấp để họ tìm lối ra. Vậy nhưng có những người vẫn không hiểu quay lại la tôi một hồi rồi mới chịu nhận mình sai".
Theo anh Sang, hầu hết những người chạy xe máy vào đường cao tốc đều không biết đây là tuyến đường cấm xe hai bánh. Trong đó có cả những người nước ngoài mới lần đầu qua Việt Nam thuê xe máy tự lái.
Mới đây nhất, vào hồi đầu tháng 3-2024 trong lúc đang lái xe tải trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hướng từ TP.HCM về miền Tây, khi chạy đến đoạn qua TP Tân An, tỉnh Long An thì anh Sang bất ngờ phát hiện hai chiếc xe máy đang chạy phía trước.
Trong đó một xe máy mang biển số của tỉnh Tiền Giang và một xe biển số tỉnh Long An. Một trong hai người cầm lái là người nước ngoài.
Trước đó vào tháng 2-2023, công an cũng đã xử lý vụ việc một người đàn ông chạy xe máy ngược chiều trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương rồi va chạm với một xe tải, khiến người đàn ông chạy xe máy ngã xuống đường và chết tại chỗ.
Chỉ vì tin vào "Gu gồ"
Ngày 5-3, đại diện Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7, Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết từ đầu năm 2024 đến nay đã xử phạt 23 trường hợp xe máy đi vào đường cao tốc.
Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7 xác nhận hiện nay, trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tình trạng người chạy xe máy đi vào cao tốc vẫn còn diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Theo vị đại diện này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người chạy xe máy chưa nắm bắt được việc quy định xe máy không được phép lưu thông trên tuyến đường nào. Do đó khi tra cứu Google.map thì được chỉ dẫn đi vào tuyến cao tốc.
Trong khi đó Google.map cài mặc định chế độ chỉ đường cho ô tô nên khi người đi xe máy tìm đường thì app này chỉ dẫn đi hướng lên cao tốc, không phân biệt, nhận định được tuyến cao tốc không cho phép xe máy lưu thông nên người dân cứ thế đi theo.
Một điều khác nữa là hiện nay, tại các điểm đầu ra, vào, nút giao, các đơn vị quản lý đường cao tốc chưa bố trí đủ lực lượng bảo vệ 24/24h để ngăn chặn xe máy đi vào cao tốc; một số biển báo chỉ dẫn đã bị mờ hoặc đặt ở vị trí không thuận lợi cho người điều khiển phương tiện quan sát... Đó cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người đi xe máy chạy vào cao tốc.
Trước đây, Cục Quản lý đường bộ IV đã có tờ trình dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu công tác trực chốt đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đã không chấp thuận vì không có cơ sở bố trí kinh phí; sử dụng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên cho việc này.
Tước giấy phép từ 3-5 tháng
Một lãnh đạo Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7 cho biết thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền... cũng như xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển phương tiện xe máy đi vào đường cao tốc.
Và theo quy định tại nghị định 100/2019/NĐCP được sửa đổi bổ sung một số điều tại nghị định 123, người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng và tạm giữ xe 7 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận