Người cha cõng con gái trong nước lũ ở Bandung, Indonesia vào ngày 15-3 - Ảnh: AFP
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres giao nhiệm vụ cho Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đề ra kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu này.
Hệ thống cảnh báo sớm là gì?
Hệ thống cảnh báo sớm về lũ lụt, hạn hán, nắng nóng hoặc bão là hệ thống tích hợp cho chúng ta biết thời tiết nguy hiểm sắp xảy đến và khuyến cáo các chính phủ, cộng đồng và cá nhân hành động phù hợp để giảm thiểu tác hại.
Hệ thống cảnh báo sớm giúp các chuyên gia có thể theo dõi những điều kiện khí quyển trên đất liền và trên biển theo thời gian thực, dự đoán hiệu quả diễn biến thời tiết và khí hậu bằng mô hình tiên tiến trên máy tính. Nhờ đó, họ cảnh báo được những rủi ro có thể xảy ra trong phạm vi xuất hiện thiên tai ở các khu vực khác nhau như thành phố, nông thôn, ven biển, đồi núi…
Hệ thống cảnh báo sớm cũng bao gồm các kế hoạch ứng phó được chính phủ, cộng đồng và người dân thống nhất thực hiện để giảm nguy cơ tổn thất. Ngoài ra, nó cũng ghi nhận các bài học kinh nghiệm để từ đó cải thiện các biện pháp ứng phó trong tương lai.
Tổng thư ký WMO, giáo sư Petteri Taalas, cho biết: "Một trong những khoản đầu tư thu được lợi ích nhiều nhất là cải thiện các dịch vụ cảnh báo sớm về thời tiết, thủy văn, khí hậu và các cơ sở hạ tầng giám sát liên quan". Ví dụ, cảnh báo trước 24 giờ với một cơn bão hoặc đợt nắng nóng có thể giúp giảm 30% thiệt hại.
Theo ông, cần phải đầu tư 1,5 tỉ USD trong 5 năm tới để nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng liên quan, đặc biệt là ở các nước kém phát triển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.
Tuy nhiên, dù tính toán chỉ ra những lợi ích to lớn nhưng hiện nay cứ ba người trên toàn cầu lại có một người không được bảo vệ bởi các dịch vụ cảnh báo sớm. Ở châu Phi, tình trạng thậm chí còn tệ hơn khi tỉ lệ này là 60%.
Nguồn dữ liệu đồ hoạ: Báo cáo về tổn thất nhân mạng và kinh tế do thời tiết, khí hậu và nước(1970–2019) của Tổ chức Khí tượng Thế giới - Đồ họa: TUẤN ANH
Chủ động giúp giảm tổn thất
Biến đổi khí hậu do con người gây ra hiện đang tác động xấu tới mọi khu vực và thể hiện rõ ràng ở các hình thái thời tiết khắc nghiệt hơn như nắng nóng, hạn hán và cháy rừng gay gắt hơn. Lượng hơi nước trong khí quyển nhiều hơn gây mưa rất lớn và lũ lụt chết người. Sự ấm lên của đại dương khiến các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao.
Trong 50 năm qua (1970 - 2019), theo số liệu phân tích trong báo cáo năm 2021 của WMO về thảm họa thiên nhiên, mỗi ngày trung bình có một thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu, thủy văn xảy trên toàn cầu làm 115 người chết và gây thiệt hại 202 triệu USD.
Trong khoảng thời gian 50 năm đó, các vụ thiên tai tăng lên gấp 5 lần. Giai đoạn từ năm 1970 - 1979 có 711 thảm họa, trong khi giai đoạn 2000 - 2009 có 3.536 thảm họa. Tuy nhiên, thiệt hại nhân mạng giảm gần 3 lần nhờ khả năng dự báo tốt hơn và việc quản lý thiên tai chủ động, nhịp nhàng hơn.
Ông Antonio Guterres, tổng thư ký LHQ, nhấn mạnh: "Chúng ta phải đầu tư một cách công bằng vào khả năng thích ứng và phục hồi, trong đó có các thông tin cảnh báo sớm giúp chúng ta dự đoán bão, nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt và hạn hán".
WMO sẽ lên kế hoạch để nâng độ bao phủ toàn cầu của các dịch vụ cảnh báo sớm, thu hẹp những thiếu hụt trong giám sát, tăng cường khả năng đưa ra cảnh báo trước thảm họa cho các quốc gia và nâng cao năng lực của họ để xử lý những cảnh báo và phản ứng với thiên tai.
Kế hoạch toàn cầu này sẽ được công bố trước Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ vào tháng 11-2022.
Trên toàn thế giới, 44% thiên tai có liên quan đến lũ lụt, 17% liên quan đến bão nhiệt đới.
Bão nhiệt đới và hạn hán là những nguy cơ phổ biến nhất gây thiệt hại về người, lần lượt gây ra 38% và 34% số người chết do thiên tai từ năm 1970 đến 2019.
Về thiệt hại kinh tế, 38% do bão, 31% do lũ.
Trong tất cả các trường hợp tử vong do thời tiết, khí hậu và rủi ro về nước, 91% xảy ra ở các nền kinh tế đang phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận