07/08/2014 08:17 GMT+7

Cảnh báo một số nguy cơ dịch bệnh

LAN ANH - THÙY DƯƠNG
LAN ANH - THÙY DƯƠNG

TT - Ngày 6-8 đã diễn ra cuộc họp trực tuyến với bốn khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây nguyên về phòng chống dịch.

Tại đây, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết từ đầu năm 2014 cả nước có 565 ca mắc viêm não virút các thể, trong đó có 140 ca viêm não Nhật Bản và 22 trường hợp tử vong.

geaDblGJ.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát khu vực xảy ra tiêu chảy cấp ở xã Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM

Số ca mắc và tử vong tập trung trong tháng 6, 7 vừa qua và vẫn rải rác xuất hiện.

Sơn La có số mắc viêm não virút cao nhất nước

Cũng theo ông Phu, Sơn La là địa phương có số mắc viêm não virút (có cả viêm não Nhật Bản) cao nhất nước, với 100 ca mắc từ tháng 6 đến nay, trong đó có 31 ca dương tính với viêm não Nhật Bản. Trong số 31 trẻ mắc viêm não Nhật Bản, có 3 trẻ từng tiêm văcxin ngừa viêm não Nhật Bản!

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, qua thị sát tại Sơn La, ông nhận thấy tỉ lệ trẻ tiêm ngừa viêm não Nhật Bản mũi 3 thấp hơn nhiều so với mũi 1 và 2, chỉ đạt gần 49% từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, trong khi trẻ tiêm đủ ba mũi mới đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Ngoài Sơn La, ông Long cho biết Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang cũng là địa phương có số mắc viêm não cao, từ 34-50 ca mắc/địa phương.

Ông Long cho biết Hà Nội đã triển khai tiêm vét ngừa viêm não Nhật Bản cho trẻ dưới 15 tuổi tại 21 phường xã có ca mắc bệnh này.

Trong tháng này, Sơn La triển khai chiến dịch tương tự tại hai huyện Sông Mã và Quỳnh Nhai, các huyện thị còn lại sẽ tiêm ngừa cho trẻ dưới 10 tuổi. Theo Bộ Y tế, Sơn La mới triển khai tiêm văcxin viêm não Nhật Bản từ năm 2012 trên phạm vi toàn tỉnh, còn trước đó từ năm 2007 chỉ tiêm 1-2 huyện/năm.

Dễ xảy ra dịch tiêu chảy cấp

Trong khi đó tại TP.HCM, PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết hai tuần nay tại hai xã có chùm ca bệnh tiêu chảy là Lê Minh Xuân và Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, đã không có ca mắc bệnh tiêu chảy mới.

Tuy vậy, ông Lân cho rằng TP.HCM vẫn nên tiếp tục giám sát những vùng sử dụng nước ao hồ chưa được xử lý để giám sát, xử lý kịp thời.

Ông Lân cho biết xung quanh khu vực gây chùm ca bệnh tiêu chảy ở xã Lê Minh Xuân, mỗi gia đình đều có 1-2 ao nuôi cá, thả lòng heo xuống nuôi cá gây ô nhiễm, chưa kể môi trường xung quanh còn rất nhiều ruồi, rác, phân gia súc.

Nước sinh hoạt chủ yếu của các hộ gia đình này là nước mưa, nước ao, nhà tiêu trực tiếp trên các ao cá hoặc được xây trong nhà nhưng có đường ống thải trực tiếp phân ra ao đã tạo điều kiện cho nhiều bệnh phát triển, đặc biệt các bệnh lây qua đường phân - miệng.

Chưa kể phần lớn người chăm sóc trẻ đều vứt phân trẻ xuống ao hoặc khu vực xung quanh, nếu bị tiêu chảy thường tự mua thuốc uống, dụng cụ nấu thức ăn không được che đậy dù ruồi rất nhiều.

Theo ông Lân, khu vực phía Nam có nhiều sông rạch, mưa nhiều, đây lại là cửa ngõ giao thông - một trong những yếu tố quan trọng rất dễ bùng phát dịch tiêu chảy cấp.

Ông Lân cho rằng theo báo cáo của Cục Môi trường, nguồn nước tại một số nơi ở TP.HCM không đạt chuẩn như hàm lượng clo dư thấp, có nơi còn không có, chỉ số coliform và E. coli có trong nước chứng tỏ nguồn nước đã nhiễm phân sẽ là nguy cơ lớn bùng phát dịch tiêu chảy cấp.

Vì vậy, một trong những biện pháp phòng bệnh tiêu chảy cấp là cần tăng cường kiểm soát tốt nguồn nước, đặc biệt nguồn nước trung tâm.

Bộ Y tế cũng thông báo qua giám sát chủ động tại chợ Cầu Xáng, huyện Bình Chánh, phát hiện một mẫu ốc bươu có nhiễm phẩy khuẩn tả type tương tự type gây vụ dịch tả năm 2007. Hiện TP.HCM đang tìm xuất xứ lô ốc để xác định mức độ nhiễm tả trong nguồn nước và tiến hành xử lý.

Chủ động ứng phó Ebola

Tại cuộc họp giao ban định kỳ công tác phòng chống dịch bệnh ngày 6-8 với 24 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện TP.HCM, phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP đã thông tin về bệnh dịch Ebola (đang lây lan mạnh ở một số nước châu Phi - PV) tuy chưa xuất hiện ở VN nhưng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM đã có báo cáo về các biện pháp ứng phó chủ động.

Theo báo cáo này, hiện không có chuyến bay trực tiếp từ vùng có dịch Ebola ở châu Phi đến VN. Phần lớn khách từ châu Phi đến VN bằng đường thủy và thời gian di chuyển mất khoảng một tháng.

Với thời gian dài như vậy, nếu hành khách bị nhiễm bệnh đã đủ thời gian ủ bệnh, phát bệnh và được ngăn chặn, cách ly sớm nên đây cũng là hàng rào giảm bớt nguy cơ dịch bệnh Ebola thâm nhập TP.HCM.

Tuy nhiên, phòng nghiệp vụ y vẫn lưu ý Trung tâm Y tế dự phòng Q.1 chú ý giám sát, phát hiện ca bệnh mắc Ebola ở phường Phạm Ngũ Lão vì đây là nơi tập trung nhiều du khách nước ngoài, trong đó có du khách đến từ châu Phi.

Bên cạnh đó bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - đã yêu cầu các trung tâm y tế dự phòng tập trung giám sát, phòng chống dịch bệnh như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp...

LÊ THANH HÀ

LAN ANH - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên