31/03/2023 14:33 GMT+7

Cảnh báo bệnh sốt xuất huyết nặng ở trẻ em

Dù đang vào mùa khô nhưng diễn biến bệnh sốt xuất huyết ở miền Tây đang rất phức tạp, số ca mắc tăng. Đặc biệt số trẻ bệnh nặng tăng do người lớn chủ quan.

Cảnh báo bệnh sốt xuất huyết nặng ở trẻ em - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, số ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tăng 3,78 lần (trong đó sốt xuất huyết nặng tăng 5,5 lần). Số bệnh nhi khám ngoại trú tăng 0,7 lần so với cùng kỳ và đã có 2 trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết tử vong.

Bác sĩ Trương Cẩm Trinh - trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở mọi đối tượng nhưng trẻ em dễ mắc bệnh hơn. Thông thường người mắc sốt xuất huyết có biểu hiện điển hình là sốt cao, kèm các triệu chứng như: đau phía sau mắt, nhức đầu, phát ban, buồn nôn...

Đặc biệt khi diễn biến thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong thời gian 3-7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên. Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý, rất nhiều trường hợp khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết hết sốt, cứ nghĩ đã khỏi bệnh nên chủ quan không thăm khám lại.

Nhưng sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Giai đoạn này thân nhiệt sẽ giảm, không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục mà có khi vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh.

Dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue nặng cần chú ý là: trẻ đau bụng dữ dội, ói ra máu, nôn ói liên tục (ra máu), chảy máu lợi, chân răng, thở gấp, mệt mỏi, bồn chồn, da lạnh ẩm… Cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện.

"Một số trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng do gia đình tự ý dùng thuốc nhóm ibuprofen và aspirin để hạ sốt, gây xuất huyết tiêu hóa cho người bệnh. 

Một số trường hợp còn tự ý tăng liều thuốc hạ sốt hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau, điều này rất nguy hiểm vì có thể gây quá liều, ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận… ", bác sĩ Trinh cảnh báo.

Lưu ý gì khi bị sốt xuất huyết?

Theo các chuyên gia, ở miền Bắc bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra nhiều vào tháng 3 - 4 và khoảng từ đầu tháng 7 - 11 hằng năm do đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn gây bùng phát dịch. Ở miền Nam, bất kỳ thời gian nào trong năm cũng có thể xảy ra dịch sốt xuất huyết do sự phân bố dày đặc của muỗi vằn.

Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Theo khuyến cáo, các trường hợp người bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ có thể chăm sóc tại nhà, tuy nhiên trước hết khi nghi ngờ mắc bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế.

"Người bệnh cần uống nhiều nước, ăn các món mềm có nước, dễ tiêu hóa; dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định bác sĩ (chủ yếu Paracetamol) hoặc uống Oresol để bù điện giải, lau mát ở vùng nách và bẹn khi sốt cao. Lưu ý, không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà", bác sĩ Trinh nói.

Bình Định: Nhiều trẻ em mắc sốt xuất huyết diễn biến nặngBình Định: Nhiều trẻ em mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng

TTO - Dịch sốt xuất huyết ở Bình Định tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhiều bệnh nhi có diễn biến bệnh nặng, có ca suy tạng, phải lọc máu, may mắn đến nay đều được chữa lành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên