21/12/2022 08:04 GMT+7

Cảnh giác khi bé 4 tháng tuổi sốt xuất huyết 'giả dạng' là sốt phát ban

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Em bé 4 tháng tuổi, con chị N., đã mắc bệnh sốt xuất huyết. Mẹ bé kể cách nay 3 ngày, bé bị sốt cao, ho nhiều, sổ mũi, sáng nay bé bị nổi nhiều mụn đỏ nho nhỏ ở lưng, mặt, nên mẹ đưa bé vào bệnh viện để khám.

Cảnh giác khi bé 4 tháng tuổi sốt xuất huyết giả dạng là sốt phát ban - Ảnh 1.

Bé bị sốt phát ban do bị sốt xuất huyết

Bác sĩ nghi ngờ bé bị sốt xuất huyết nên cho thử công thức máu và tìm kháng nguyên sốt xuất huyết NS1. Kết quả xét nghiệm có kháng nguyên NS1 dương tính và tiểu cầu giảm. Bác sĩ khuyên mẹ cho bé nhập viện theo dõi và điều trị.

Về chuyên môn, sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi, theo các nhà khoa học, bé dưới 1 tuổi chiếm khoảng 5% trẻ em bị sốt xuất huyết phải nhập viện.

Triệu chứng thường gặp sốt xuất huyết trẻ nhũ nhi là sổ mũi, mắc ói, ói, tiêu chảy, bỏ bú, co giật, và đặc biệt là phát ban toàn thân.

Sốt xuất huyết đi kèm với triệu chứng phát ban có thể thấy ở hai giai đoạn tiến triển khác nhau của bệnh. Đó là phát ban khi bắt đầu sốt và lần thứ hai khi hết sốt. Bé thường có khuôn mặt đỏ bừng trước khi các phát ban chính xuất hiện.

Da có thể cung cấp manh mối quan trọng cho việc chẩn đoán sốt xuất huyết. Khi nhìn thấy một người bệnh sốt mà có làn da tự nhiên đỏ sẫm như cháy nắng, trong chuyên môn gọi là da sung huyết, nếu ấn tay vào nó trắng bệch và mất vài giây mới trở lại màu đỏ như ban đầu, thì khả năng bé bị sốt xuất huyết có thể chuyển nặng.

Hai giai đoạn phát ban là: Loại thứ nhất, phát ban xuất hiện sớm trong giai đoạn khởi bệnh của bệnh sốt xuất huyết, thường gặp từ giờ thứ 24 đến 48 sau khi sốt, được cho là kết quả của sự giãn nở mao mạch do tác động của phản ứng kháng nguyên và kháng thể, cơn bão cytokine, lympho T điều hòa.

Đây là những vết phát ban đỏ li ti, giống như đầu kim, ấn tay lên nó nhạt màu và biến mất, nó không giống dấu hiệu xuất huyết dưới da, ấn tay vào nó còn nguyên, không biến mất. 

Những phát ban này không thể cảm nhận được khi chúng ta sờ lên mặt da, tức nó rất phẳng và xuất hiện trên mặt, ngực, bụng và tay chân, có thể kèm theo ngứa, chiếm tỉ lệ 0,6% các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh.

Loại thứ hai là ban phục hồi, thường gặp từ ngày thứ 6 hoặc thứ 7 trở đi của bệnh, kéo dài khoảng một tuần thì hết. Phát ban có dạng nốt sẩn trên da hoặc phát ban dạng sởi.

Trong một số trường hợp, các tổn thương riêng lẻ có thể liên kết với nhau và tập hợp lại với thật nhiều chấm xuất huyết và các đảo tròn giống như hình ảnh "các đảo trắng trong biển màu đỏ".

Phát ban phục hồi thường không có triệu chứng, hoặc có ngứa được báo cáo trong các nghiên cứu khác nhau, chiếm tỉ lệ là 16% triệu chứng sốt xuất huyết. 

Khi thấy ban phục hồi xuất hiện, bà con mình nên an tâm, vì nó là dấu hiệu báo trước bé đang trong giai đoạn lui bệnh và sẽ khỏi từ từ.

Không có cách nào để chữa phát ban trong sốt xuất huyết, nó sẽ tự hết khi bệnh khỏi hoàn toàn.

Bà con mình nên cảnh giác khi thấy bé sốt và phát ban trong giai đoạn đầu của một bệnh lý nguy hiểm, nó có thể là bệnh sốt xuất huyết đang "giả dạng" một bệnh nhiễm siêu vi khác, đánh lừa mọi người, khiến chúng ta mất cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, đến khi nó trở nặng thì trở tay không kịp.

​Phân biệt sốt phát ban và bệnh sởi ở trẻ em ​Phân biệt sốt phát ban và bệnh sởi ở trẻ em

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm ở trẻ em, nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc không đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nặng nề, đôi khi có thể dẫn đến tử vong.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên