06/02/2018 09:35 GMT+7

Càng về cuối năm, xa lộ Hà Nội càng kẹt cứng

TÂM ĐỨC
TÂM ĐỨC

TTO - Càng về cuối năm, lượng xe lưu thông qua xa lộ Hà Nội - cửa ngõ TP.HCM - càng lớn khiến đường này thường xuyên kẹt cứng.

Càng về cuối năm, xa lộ Hà Nội càng kẹt cứng - Ảnh 1.

Cảnh kẹt xe tại cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội ngày 27-1 - Ảnh: TÂM ĐỨC

Xa lộ Hà Nội bao giờ hết kẹt xe? - Video: TÂM ĐỨC

Trong khi đó, rất nhiều xe đầu kéo ra vào cụm cảng Trường Thọ (Q.Thủ Đức) khiến nạn kẹt xe càng thêm trầm trọng.

Xuống xe buýt, đi xe ôm

Ghi nhận sáng 27-1, từ 6h30 sáng đến hơn 10h trưa, hàng ngàn xe tải trọng lớn phải "chôn chân" vì kẹt xe trên xa lộ Hà Nội đoạn qua địa bàn Q.9 và Q.Thủ Đức.

Xe hướng từ cầu Sài Gòn về Biên Hòa bị chặn đứng tại khu vực ngã tư MK, kéo dài từ chân cầu vượt B Cát Lái đến ngã tư Bình Thái. Ôtô, xe đầu kéo dàn hàng dài ở làn dành cho xe 4 bánh. 

Không còn chỗ, nhiều xe tải trọng lớn tranh đường lấn hẳn qua làn đường dành cho xe máy, ép người đi xe máy vào sát thành cầu. Làn đường ôtô, xe máy ken cứng, nối dài, người điều khiển xe bóp còi inh ỏi khiến giao thông càng thêm hỗn loạn.

Nhiều người đi xe máy chạy len lỏi vào giữa hàng ôtô, xe đầu kéo container để cố thoát khỏi đám đông kẹt xe, nhưng qua khỏi cầu cũng không có lối thoát.

Càng về cuối năm, xa lộ Hà Nội càng kẹt cứng - Ảnh 3.

Xe tải trọng lớn nối dài trên cầu Rạch Chiếc, lấn cả sang làn đường xe máy - Ảnh: TÂM ĐỨC

Xa lộ Hà Nội kẹt kéo theo các tuyến đường kết nối như Tây Hòa, đường song hành khu vực ngã tư MK, ngã tư Bình Thái cũng kẹt cứng.

Không ít sinh viên, người đi làm bằng xe buýt sợ trễ giờ làm, giờ thi phải xuống xe buýt đi bộ khỏi đám đông rồi đón xe ôm đến trường học, văn phòng làm việc. 

"Sáng nay 7h30 thi, nhưng tới 7h xe chưa qua được cầu Rạch Chiếc nên em phải đón xe ôm đến trường. Hi vọng không bị trễ giờ thi" - bạn Lê Thị Thu Thùy, sinh viên ĐHQG TP.HCM, người đón xe buýt đi từ Q.10 đến bến xe khu đô thị ĐHQG, lo lắng.

Càng về cuối năm, xa lộ Hà Nội càng kẹt cứng - Ảnh 4.

Nhanh nhất đến cuối năm 2020 tình hình kẹt xe ở khu vực này mới được giải quyết khi cảng Trường Thọ được dời về cụm cảng Long Bình - Ảnh: TÂM ĐỨC

Nhiều tài xế cho biết có hôm kẹt xe diễn ra từ sáng đến tối. Các tài xế cũng cho biết không riêng gì xa lộ Hà Nội, càng tới gần tết thì hầu hết tuyến đường ra vào các cảng như: Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định... đều kẹt cứng.

Cuối năm 2020 mới dời cảng Trường Thọ

Ông Phạm Công Bằng - trưởng phòng quản lý đường thủy Sở GTVT TP - cho biết hiện nay UBND TP đã phê duyệt đề xuất dự án xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD mới tại P.Long Bình, Q.9. TP đã giao cho Công ty Đức Khải và các cơ quan liên quan triển khai. Theo dự tính, nhanh nhất phải đến cuối năm 2020 dự án mới xây xong.

"Hiện nay, hàng hóa từ các tỉnh đưa về TP.HCM chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ. Sở GTVT TP đang tập trung nâng cấp cầu Bình Lợi để hàng hóa từ Bình Dương, Đồng Nai chuyển về TP bằng đường thủy nội địa nhằm chia sẻ bớt áp lực cho giao thông đường bộ" - ông Bằng nói.

Ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết sở đã khảo sát tình hình kẹt xe ở xa lộ Hà Nội, khu vực trước cảng Trường Thọ. 

Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do các xe đầu kéo container ra vào cảng Trường Thọ, đặc biệt một số lái xe không tuân thủ tín hiệu giao thông dẫn đến kẹt xe. 

Thêm vào đó, càng gần cuối năm, lượng xe đổ về các cảng rất lớn (Trường Thọ và Cát Lái...) nên không tránh khỏi nạn kẹt xe.

"Giải pháp lâu dài chắc chắn dời cụm cảng Trường Thọ về cảng Long Bình. Hiện dự án cảng Long Bình đã được phê duyệt triển khai xây dựng. Hi vọng đến cuối năm 2020 có thể đi vào khai thác" - ông Hưng nói.

Trước mắt, theo ông Hưng, tuyến đường D1 nối xa lộ Hà Nội vào cảng Trường Thọ đang được mở rộng, nâng cấp để xe cộ lưu thông dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Sở GTVT TP cũng phối hợp với lực lượng chức năng của cảng, lực lượng CSGT túc trực điều phối nhằm hạn chế nạn kẹt xe ở khu vực này.

5.800 tỉ đồng xây dựng cụm cảng Long Bình

Ngày 9-1-2017, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề xuất dự án xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD mới tại P.Long Bình, Q.9 theo hình thức PPP. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.800 tỉ đồng.

Cụm cảng trung chuyển mới nói trên được xây dựng trên diện tích gần 60ha.

Việc đầu tư xây dựng cụm cảng này nhằm phục vụ việc di dời các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực cảng Trường Thọ (Q.Thủ Đức) để giải quyết nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường trong nội ô.

TÂM ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên