01/05/2013 09:09 GMT+7

Canada, Úc: tranh cãi về lao động nước ngoài

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Lao động nước ngoài đang trở thành đề tài tranh cãi giữa chính phủ, giới chủ sử dụng lao động và lao động bản xứ tại nhiều nước như Canada, Mỹ, Úc... Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các biên giới quốc gia như đang đóng lại.

xhZF1RvD.jpgPhóng to
Bộ trưởng nhập cư và công dân Canada Jason Kenedy trong ngày công bố cải cách quy định lao động nước ngoài - Ảnh: Reuters

Chính phủ liên bang Canada vừa công bố bổ sung những quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng giới chủ nước này lạm dụng “chương trình lao động nước ngoài tạm thời” để ép người bản xứ bỏ việc.

Báo Toronto Sun cho biết từ nay chủ sử dụng lao động sẽ chỉ trả cho lao động nước ngoài đang làm việc tại Canada mức lương trung bình mà lao động bản xứ làm cùng công việc được hưởng và không được thấp hơn 5-15%.

Quy định mới còn buộc chủ sử dụng lao động nộp phí cao hơn khi tuyển dụng lao động nước ngoài, phải đưa tiêu chuẩn biết sử dụng hai ngoại ngữ Anh và Pháp vào tuyển dụng lao động nước ngoài. Giới chủ Canada có thể tạm thời thuê lao động nước ngoài nhưng phải đào tạo lao động Canada để sớm thay thế.

Lo ngại thất nghiệp bản xứ

Thế nhưng, nghịch lý đang tồn tại là trong một số ngành nghề, giới chủ Canada không thể tuyển đủ lao động bản xứ cho công việc phù hợp, trong khi lực lượng lao động nước ngoài lại có thể đáp ứng được.

Chương trình lao động nước ngoài tạm thời được Chính phủ liên bang Canada công bố từ năm 2012, chủ yếu bổ sung nguồn lao động cho ngành nông nghiệp của nước này. Tuy nhiên, ngay sau đó nó đã được sử dụng để bổ khuyết cho tình trạng thiếu hụt trong mọi ngành nghề khác.

Trang tin Montrealgazette cho biết lao động nước ngoài có thể kiếm được hơn 42.000 USD mỗi tháng với các ngành nghề y tá, bác sĩ, vật lý trị liệu, dược sĩ, nha sĩ, bác sĩ tâm lý và đầu bếp mà lao động người Canada không đáp ứng được.

Các liên đoàn lao động cho rằng Chính phủ Canada phải ngăn chặn tình trạng này để đảm bảo quyền lợi cho lao động bản xứ. Một số chính khách cho rằng chương trình lao động nước ngoài tạm thời đã cướp đi việc làm của nhiều người Canada, khiến tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Alberta, ông Gil McGowan, yêu cầu Chính phủ Canada ngừng áp dụng chương trình trong các ngành nghề không cần kỹ năng, và yêu cầu các ngành nghề này tăng lương để người Canada có thể tham gia lao động, thay vì thuê mướn người nước ngoài.

“Giải pháp hiện nay là tăng lương chứ không nên mở cửa ồ ạt thông qua chương trình lao động nước ngoài tạm thời” - báo Toronto Sun dẫn lời ông McGowan nhấn mạnh. “Thông điệp của chính phủ là vẫn làm việc với mức lương thấp hay là bạn sẽ bị thay thế” - lãnh đạo Đảng Dân chủ mới của Canada Thomas Mulcair giận dữ.

Trước những chỉ trích này, Bộ trưởng nhập cư và công dân Canada Jason Kenedy đã phải lên tiếng trấn an khi nhấn mạnh: “Những cải cách này đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn để tuyển dụng và huấn luyện người Canada làm những công việc phù hợp. Chúng sẽ giúp chúng ta đảm bảo lao động nước ngoài tạm thời chỉ được sử dụng để lấp đầy những cuộc khủng hoảng lao động trong những công việc yêu cầu có kỹ năng chứ không phải để thay thế lao động Canada”.

Úc: siết chặt visa 457

Bộ trưởng di trú và công dân Úc Brendan O’Connor cho rằng do khủng hoảng lao động nên nhiều ngành nghề ở Úc đang rất cần lao động nước ngoài tạm thời, song ông cũng quan ngại việc cấp thêm visa 457 cho lao động nước ngoài sẽ có nguy cơ gia tăng thất nghiệp cho lao động địa phương.

Trước đó, tháng 2-2013 ông O’Connor đã đề nghị siết chặt quy trình cấp visa 457 cho lao động nước ngoài, như chỉ tuyển dụng lao động nước ngoài cho những vị trí thật sự đang khủng hoảng và trong một số ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng Quốc gia Úc ở thượng viện, ông Barnaby Joyce, đã lên tiếng phản bác khi nhấn mạnh siết chặt quy trình cấp visa 457 sẽ gây tổn hại cho kinh tế khu vực ở Úc.

Tính đến nay đã có 107.510 lao động nước ngoài xin được visa 457. Bộ Di trú và công dân Úc cũng đã nhận được 46.870 đơn xin visa loại này, tăng 4,8% so với năm 2012.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên