08/09/2015 15:36 GMT+7

Cần tránh “thừa gió bẻ măng”

C.V.KÌNH thực hiện
C.V.KÌNH thực hiện

TT - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng tỉ giá thời gian qua chỉ khiến tăng chi phí ngành điện khoảng dưới 2%. Nếu tăng quá là “thừa gió bẻ măng”.

Ông Nguyễn Đức Thành  - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Đức Thành - Ảnh: Việt Dũng

TS Nguyễn Đức Thành (viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách):

Trao đổi về đề nghị cần tính vào giá điện lỗ do điều chỉnh tỉ giá, ông Thành cho rằng tỉ giá thời gian qua chỉ khiến tăng chi phí ngành điện khoảng dưới 2%. Nếu tăng quá là “thừa gió bẻ măng”.

- Nếu tính riêng đợt điều chỉnh tỉ giá của VND vừa qua sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ thì tỉ giá VND thay đổi khoảng 3%. Nếu tính từ đầu năm 2015, mức độ thay đổi là 5%. Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nó chỉ khiến làm tăng chi phí ngành điện khoảng dưới 2%.

* Nhưng thưa ông, các tập đoàn lớn như EVN, PVN, TKV vay nợ cả tỉ USD để làm một nhà máy điện. Tỉ giá thay đổi, họ khẳng định phát sinh khoản lỗ đã trên 12.000 tỉ đồng. Mà đợt tăng giá điện 7,5% ngày 16-3-2015 EVN nêu mới tăng thu được 13.000 tỉ đồng. Nên khó mà chỉ tăng dưới 2%?

- Chúng tôi mới tính toán sơ bộ, nhưng nếu chỉ căn cứ vào chênh lệch do điều chỉnh tỉ giá thì chỉ có thể ở mức 2%. Trong kinh tế có cách tính toán khá rõ ràng. Tôi ví dụ, ngay cả các tập đoàn đi vay toàn bộ, khi tỉ giá tăng 5% thì tổng chi phí của họ cũng chỉ tăng 5%.

Trong khi đó, để một nhà máy hoạt động, dù vốn đầu tư phải rất lớn, nhưng họ đều vay thời hạn dài, khoảng 20 - 30 năm. Mỗi năm họ chỉ phải trả một ít, chứ không phải trả ngay. Nên lỗ phát sinh do tỉ giá cũng cần chia đều ra cho toàn bộ thời hạn vay, chứ không phải tập trung vào một năm.

Nếu nói tỉ giá tăng 5%, lỗ 12.000 tỉ, rồi tăng giá luôn để giải quyết hết 12.000 tỉ đó là bao biện, “ăn chặn” của người tiêu dùng. Có thể trong 20 - 30 năm có nhiều lần tăng tỉ giá thì doanh nghiệp cũng phải phân bổ đều ra trong khoảng năm năm, chứ không phải gộp vào tăng ngay, rồi những năm sau đó hưởng lợi. Cái này phải rất công bằng, rõ ràng.

Tuy nhiên, dù tỉ giá tăng ở mức nào thì theo tôi, chi phí của ngành điện cũng chỉ tăng ở dưới mức tăng tỉ giá. Ví dụ tỉ giá tăng 5% thì chi phí vốn, nguyên vật liệu tăng do tỉ giá không thể 5% được, vì nó không thể chiếm 100% chi phí vận hành nhà máy. Để nhà máy hoạt động cần nhiều yếu tố khác như nhân công, than trong nước...

* Ông có thấy sự khác nhau khi rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tỉ giá nhưng không thể tăng giá? Liệu tăng giá điện có kích hoạt nhiều doanh nghiệp phải tăng giá?

- Tôi nghĩ tăng giá điện sẽ kích hoạt làn sóng tăng giá ở mức độ nào đó. Bởi hiện nay, điều chỉnh tỉ giá đã khiến chi phí nhiều doanh nghiệp tăng lên. Nhưng các doanh nghiệp bình thường thì phải cạnh tranh khốc liệt ở đầu ra, nên dù đầu vào tăng, họ vẫn phải cân nhắc rất kỹ trước khả năng tăng giá.

Vì điều khác biệt này, không giống như EVN, doanh nghiệp bình thường nếu tăng giá có thể bị người tiêu dùng quay lưng. Song, do đang bị bào mòn lợi nhuận, nếu giá điện tăng nữa, họ có thể sẽ không chịu nổi, phải tăng giá, khởi đầu vòng tròn tăng giá.

Vì vậy, tôi cho rằng việc điều hành của cơ quan chức năng cần khéo léo, tránh khả năng doanh nghiệp “thuận tay dắt dê”, nhân tỉ giá tăng thì tăng luôn giá điện, trong khi không chịu áp lực thật sự phải cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí...

Cụ thể, Bộ Công thương cần xem xét công tâm, không để doanh nghiệp chịu thiệt nhưng cũng không để doanh nghiệp ngành điện tạo áp lực lớn không đáng có lên giá cả. Nếu ngành điện công khai, chúng tôi hoàn toàn có thể tham gia tính toán chi phí của việc tăng tỉ giá lên giá điện.

C.V.KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên