
Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐNĐ thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tại buổi tọa đàm "Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm" do báo Dân Trí tổ chức sáng 10-4, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu đã có những chia sẻ về vấn đề mở rộng không gian phát triển của thành phố trung tâm miền Tây.
Ông Hiểu cho biết trong 50 năm qua Cần Thơ đã nhiều lần sáp nhập, chia tách và hiện tại thành phố này nằm hoàn toàn trong vùng đồng bằng, không giáp biển, việc này có ưu điểm nhưng cũng có hạn chế.
Theo ông Hiểu, Cần Thơ cũng như một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có cảng biển nhưng không nằm ven biển, trong đó cảng Cái Cui là cụm cảng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, cách cửa biển Định An (tỉnh Trà Vinh) hàng trăm cây số.
Cửa biển này luôn bị bồi lắng hằng năm nên tàu tải trọng lớn trên 5.000 tấn ra vào cảng rất khó, hằng năm nạo vét phải tốn kém hàng trăm tỉ đồng.
Nếu Cần Thơ sáp nhập với đơn vị có biển là lợi thế và là bước ngoặt rất lớn cho sự phát triển của Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo chuyên gia ước tính, mỗi tấn hàng hóa chở lên cảng Cái Mép Thị Vải xuất khẩu tốn thêm hàng chục USD.
Trong khi Cần Thơ và các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long có lượng hàng hóa, đặc biệt nông, thủy sản, trái cây rất nhiều, nếu như có cảng biển tốt nằm sát biển thì kết nối, tạo thuận lợi rất lớn cho việc vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế.
"Cần Thơ có biển cũng sẽ tạo ra bước ngoặt trong việc nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy, hải sản.
Đây là nguồn rất lớn, nếu như có sự liên kết giữa Cần Thơ với các địa phương được sáp nhập thì tôi nghĩ sẽ phát huy rất mạnh mẽ vấn đề nuôi trồng thủy sản, khai thác các vùng đất ven biển, các hệ sinh thái ven biển, xây dựng các trung tâm logistics phục vụ cho hoạt động phát triển công nghiệp, tạo ra hướng du lịch mới là du lịch biển kết hợp với đồng bằng sinh thái…
Với định hướng sắp tới chúng tôi biết rằng dự kiến có sáp nhập Cần Thơ với tỉnh ven biển, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi và tin rằng khi định hình một địa phương mới, Cần Thơ sẽ có đủ điều kiện vươn mình phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Một thành phố vừa có đồng bằng, vừa có biển, vừa có các hệ sinh thái khác nhau, kết nối giao thông đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển, đặc biệt là có các cảng biển sẽ tạo ra bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, trong định hướng phát triển của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ đó cũng tạo ra năng lực thu hút đầu tư, phát triển các ngành nghề đa dạng khi phát triển các hệ sinh thái ven biển", ông Hiểu phân tích thêm.
Sáp nhập sẽ tháo được điểm nghẽn
Ông Hiểu cho rằng với diện tích 1.400km2, có thể thấy Cần Thơ có diện tích thấp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đó là một điểm nghẽn, khó khăn trong quá trình phát triển.
"Chúng tôi thấy rằng việc sáp nhập lần này, Cần Thơ sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn, tạo ra được cơ hội phát triển mới để phát huy cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng kỹ thuật mà mỗi địa phương trước đây đã có, đồng thời có sự liên kết để tăng hiệu quả", ông nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận